Kỳ vọng cho những cánh rừng mãi thắm sắc xuân

ThienNhien.Net – Năm 2015, đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình phát triển của lực lượng Kiểm lâm Việt Nam bằng việc kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực hướng đến xây dựng một lực lượng Kiểm lâm có chuyên nghiệp cao, tri thức và bản lĩnh. Đây cũng là năm có bước tiến lớn về cải cách thể chế khi chủ trương sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp cấp tỉnh vào Chi cục Kiểm lâm theo Thông tư 14 liên bộ Nội vụ và NNPTNT. Năm 2015 cũng để lại dấu ấn tốt đẹp với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo điều kiện cho người dân và cộng đồng địa phương tham gia mạnh mẽ vào công tác quản lý bảo vệ rừng. Cũng trong năm này, số vụ vi phạm lâm luật trên cả nước giảm 3.533 vụ so với cùng kỳ.

Sang năm 2016, nếu quá trình đàm phán Hiệp định FLEGT giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu kết thúc và Hiệp định quan trọng này chính thức được ký kết thì sẽ hứa hẹn một thị trường lâm sản lớn lao tại các nước trong Liên minh châu Âu. Đây là điều kiện cần để Việt Nam có thể tăng nguồn thu từ lâm sản xuất khẩu đến các nước trong liên minh này, kể cả với các nước đối tác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương khi thực thi Hiệp định Đối tác Thương mại TPP. Tuy nhiên, để sẵn sàng cho những bước hội nhập quan trọng sắp tới, ngành lâm nghiệp cần có một hệ thống chính sách quản lý phù hợp theo thông lệ quốc tế, đặc biệt, lực lượng Kiểm lâm phải tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch quản lý rừng bền vững, kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ rừng FSC và thực hiện bằng được hoạt động giám sát nguồn lâm sản hợp pháp trên phạm vi cả nước, góp phần tăng tính minh bạch trong chế độ quản lý tài nguyên tại Việt Nam, đồng thời tăng giá trị xuất khẩu lâm sản, góp phần thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Nhìn về tương lai, muốn đảm đương tốt nhiệm vụ trong bối cảnh mới, đòi hỏi lực lượng Kiểm lâm phải thực sự thay đổi cả về chất lẫn lượng. Nhìn lại lịch sử phát triển của lực lượng Kiểm lâm Việt Nam, mặc dù thể chế quản lý có thể thay đổi theo từng thời kỳ khác nhau nhưng lực lượng Kiểm lâm vẫn giữ được bản lĩnh riêng vốn có, đó là sự tận tụy với công việc ở những nơi gian khó nhất, biết chấp nhận thiếu thốn, vượt qua mọi khó khăn, đồng cam cộng khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Dù vậy, trong bối cảnh quản lý tài nguyên hiện nay, chừng đó bản lĩnh thôi vẫn chưa đủ mà phải xây dựng thành một lực lượng chuyên nghiệp, giỏi tham mưu ban hành hệ thống chính sách phù hợp thực tiễn và chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách hiệu quả.

040216_kiemlam (2)

040216_kiemlam (1)
Cán bộ Kiểm lâm đang thu tiếng hót Vượn trong một đợt giám sát đa dạng sinh học tại Thừa Thiên Huế (Ảnh: Lương Viết Hùng)

Hình ảnh cán bộ Kiểm lâm mang xắt cốt đến từng thôn bản vận động bà con trồng rừng, bảo vệ rừng ngày xưa, nay phải được thay thế hình ảnh của những cán bộ kiểm lâm địa bàn, giàu trí tuệ và năng lực cống hiến, biết làm chủ các công nghệ hiện đại để quản lý tài nguyên rừng hiệu quả. Với công cụ ảnh viễn thám ngày nay, mỗi cán bộ Kiểm lâm có thể trở thành một “bác sỹ chuyên khoa rừng” thực thụ. Họ có thể ngồi tại văn phòng để “bắt mạch” và “chẩn đoán bệnh” cho từng khu rừng ở những nơi xa xôi, hẻo lánh. Chia sẻ về việc áp dụng công nghệ này, Kỹ sư Đặng Ngân Giang – chuyên viên Phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế) không giấu nổi niềm vui: “Bây giờ bọn mình như bác sỹ, ngồi trước màn hình máy tính và chẩn đoán hình ảnh thì có thể biết được lô rừng cách hàng trăm km bị tác động như thế nào”. Có thể nói, việc giám sát quản lý tài nguyên rừng bằng công nghệ ảnh viễn thám đã mang lại những hiệu quả rất lớn, đặc biệt là giúp phát hiện các hoạt động xâm lấn rừng trái phép.

Thêm một điểm mới trong công tác quản lý tài nguyên rừng là trước đây, chúng ta chỉ chú trọng đến các cây gỗ quý thì hiện nay các loài côn trùng nhỏ bé cũng được cán bộ kiểm lâm đặc biệt lưu ý. Cùng tham gia đoàn khảo sát đa dạng sinh học của cán bộ kiểm lâm Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế mới thấy niềm đam mê nghiên cứu khoa học của họ. Họ có thể lặn lội từ sáng đến tối trong rừng để thực hiện thu thập mẫu vắt ở những vùng sinh cảnh của loài Sao la, từ đó các mẫu máu (vắt) này sẽ được họ cẩn thận phân loại và gửi đi giám định AND ở nước ngoài để xác định các loài thú phân bố trong khu vực nghiên cứu. Hay trong những lần cứu hộ và thả lại thú vào rừng tự nhiên, tôi cũng chứng kiến những hình ảnh cảm động khi họ phải tạm “chia tay” các sinh linh bé nhỏ của rừng xanh sau nhiều tháng ngày trực tiếp chăm sóc chúng. Có thể nói rằng, sự trưởng thành của đội ngũ nghiên cứu khoa học bảo tồn đã góp phần làm nên sức vóc của một lực lượng Kiểm lâm vốn trước đây chỉ thuần về thực thi pháp luật lâm nghiệp.

Nghề Kiểm lâm vốn đối mặt với nhiều gian khó nhưng hẳn sẽ ít ai tưởng tượng được cảnh thiếu thốn triền miên ở các Trạm Kiểm lâm nằm đơn độc giữa chốn thâm sơn cùng cốc. Nếu không vững chí bền gan thì những kỹ sư mang sắc lâm hàm xanh khó mà trụ được. Cũng chính vì gắn bó với nghề mà rất nhiều cán bộ kiểm lâm chưa bao giờ được đón Tết trọn vẹn với gia đình. Thậm chí, có những cánh rừng còn thấm cả máu của những cán bộ chiến sỹ Kiểm lâm. Có người hy sinh khi còn rất trẻ. Họ thật sự là những người lính trên chiến trường bảo vệ màu xanh cho đất nước.

Một lần tôi đến thăm Trạm Kiểm lâm Khe Liềm nằm ở đầu nguồn sông Mỹ Chánh, vùng giáp ranh giữa Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, dù là người lạ nhưng cả đàn chó cứ ngoe nguẩy đuôi tỏ vẻ mừng rỡ. Lấy làm lạ, tôi hỏi anh Trạm trưởng: “Chó ở đây có vẻ hiền nhỉ?”. Anh trả lời: “Quanh năm ở đây có ai lai vãng đâu anh nên chó nó cũng thèm hơi người”. Câu nói ấy cứ ám ảnh tôi mỗi khi nghĩ về cái nghề “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết giành phần ai” – lời bài hát vận vào nghề như một định mệnh vậy.
….
Xuân đang về trên khắp mọi nẻo đường, những cánh rừng đang đâm chồi nảy lộc, những tiếng chim réo rắt đâu đây; tiếng nói cười của trẻ thơ vùng cao cũng thoáng chút vang vọng… Nhưng trên tất thảy, sự mường tượng của tôi vẫn đầy ắp hình ảnh về những cán bộ Kiểm lâm trẻ đang ngày đêm bám trụ núi rừng. Họ đã chọn gian khổ về mình để cho những cánh rừng mãi mãi xanh tươi.

Nguyễn Đại Anh Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế

Nguồn: