ThienNhien.Net – Năm 2015 là năm đầu tiên số lượng tê giác bị săn bắt ở Nam Phi đã giảm kể từ năm 2008. Mặc dù số lượng tê giác bị săn bắn vẫn còn cao nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho công cuộc bảo tồn tê giác ở Nam Phi.
Năm 2015, số lượng tê giác bị săn trộm ở Nam Phi là 1.175 con, ít hơn 40 con so với năm 2014 nhưng vẫn cao hơn 13 con so với số lượng tê giác bị giết hại trong năm 2007.
“Đặt trong bối cảnh các hoạt động săn trộm động vật hoang dã đang tăng lên không ngừng thì đây là một tín hiệu tốt.” – Bà Edna Molewa, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Tài nguyên nước Nam Phi bình luận trong buổi họp báo công bố con số thống kê này.
Theo chia sẻ của bà Molewa, mặc dù số lượng tê giác bị giết hại trên toàn Nam Phi giảm nhưng tình trạng săn trộm tê giác tại Vườn quốc gia Kruger (nơi sinh sống của khoảng 8.400 tới 9.300 tê giác) lại gia tăng. 202 kẻ săn trộm đã bị bắt bên trong và 115 kẻ săn trộm khác bị bắt bên ngoài Vườn quốc gia này khi đang cố gắng giết hại những con tê giác.
Hiện, Nam Phi là mái nhà của hơn 19.700 con tê giác, tương đương 80% tổng số tê giác còn lại trên thế giới.
Theo bà Ginette Hemley (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên – WWF), mặc dù số lượng tê giác bị giết giảm nhưng con số này vẫn quá cao: “Các quốc gia như Nam Phi đã và đang tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực ngăn chặn nạn săn bắt động vật hoang dã, nhưng con số vẫn còn cao này nhắc nhở chúng ta về sự cấp bách của việc giải quyết cuộc khủng hoảng săn trộm trên tất cả các mặt trận”.
Đánh giá từ Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động Thực vật hoang dã (TRAFFIC) cho thấy, thực chất số lượng tê giác bị săn trộm ở Nam Phi giảm nhưng lại có sự gia tăng ở các quốc gia láng giềng như Zimbabwe và Namibia. Có ít nhất 1.305 con tê giác đã bị giết hại ở châu lục này vào năm 2015. “Đối với toàn thể châu Phi, đây là một năm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ của nạn săn trộm tê giác” – Ông Tom Milliken (Traffic) bình luận.
Nạn săn trộm tê giác gia tăng trong vài năm trở đây chủ yếu là do nhu cầu sừng tê giác ở Việt Nam, nơi những người dân vẫn coi sừng tê giác là một loại thuốc chữa bệnh.
Lệnh cấm buôn bán sừng tê giác trong nước của Nam Phi
Buôn bán sừng tê giác qua biên giới là bất hợp pháp. Tuy nhiên, trước đây buôn bán sừng tê giác trong nước được cho phép ở Nam Phi. Năm 2009, do lo ngại quy định cho phép buôn bán sừng tê giác trong nước trở thành mầm mống cho hoạt động buôn bán trái phép sừng tê giác quốc tế, Bộ Môi trường Nam Phi đã áp dụng quy định cấm hoàn toàn buôn bán sừng tê giác trong nước này.
Tuy nhiên, một số người dân Nam Phi – người đang dự trữ lượng sừng tê giác trị giá hàng trăm triệu USD đã kiện chính phủ nước này và tháng 12/2015 Tòa án tối cao Nam Phi đã ra phán quyết lệnh cấm này là không hợp lệ.
Bộ trưởng Molewa đã kháng cáo phán quyết này nhưng Tòa án đã từ chối kháng cáo, điều đó có nghĩa là lệnh cấm đã không còn hiệu lực. Phát biểu tại cuộc họp báo chia sẻ con số thống kê các vụ săn trộm, bà Molewa cho biết sẽ yêu cầu Tòa án Tối cao phúc thẩm để lệnh cấm có hiệu lực trở lại.