ThienNhien.Net – Dừng hoạt động của các lò gạch thủ công (LGTC) theo lộ trình xóa bỏ, chuyển đổi các lò gạch thủ công sang lò công nghệ tiên tiến là chủ trương lớn của tỉnh Hải Dương, nhằm góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành sản xuất vật liệu xây dựng.Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện.Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa nghiêm túc, khẩn trương thực hiện những chỉ đạo này.
Xóa bỏ LGTC là chủ trương phù hợp.
Từ năm 2011, UBND tỉnh Hải Dương có quyết định chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công và liên tục kiểu đứng. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ lò gạch thu hồi vốn, UBND tỉnh đã gia hạn cho các chủ lò đến 31/12/2015. Sau ngày này, tất cả các lò gạch thủ công và liên tục kiểu đứng phải chấm dứt hoạt động.
Việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch sét nung bằng LGTC trên nhằm thực hiện các Quyết định 661/QĐ-UBND ngày 15/3/2011,
Quyết định 2519/QĐ-UBND ngày 1/11/2012 và công văn 1561 ngày 18/8/2014 của UBND tỉnh. Gần đây nhất, ngày 23/9/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch chấm dứt hoạt động sản xuất gạch sét nung bằng lò thủ công có xử lý khí thải bằng phương pháp tuần hoàn hấp thụ và xúc tác sinh học, lò liên tục kiểu đứng và lò hopman trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND cấp huyện phải chỉ đạo kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất gạch xét nung trên địa bàn; phổ biến, tuyên truyền đến chủ cơ sở các quy định của UBND tỉnh.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương, hiện nay toàn tỉnh có 130 lò liên tục kiểu đứng, 1 lò hopman và 42 cặp lò thủ công xử lý khí thải bằng nước vôi (nhiều lò loại này sau đó được cải tiến theo công nghệ xử lý khí thải bằng phương pháp tuần hoàn hấp thụ và xúc tác sinh học) vẫn đang hoạt động. Các địa phương còn nhiều lò gạch trên là: TP Hải Dương 30 lò, các huyện: Nam Sách 32 lò, Kinh Môn 23 lò, Tứ Kỳ 21 lò, Cẩm Giàng 16 lò…
Dù UBND tỉnh Hải Dương đã có nhiều công văn chỉ đạo sát sao như trên nhưng đến hết tháng 11/2015, ngoài huyện Tứ Kỳ triển khai sớm và khá bài bản, nhiều địa phương khác hầu hết mới chỉ dừng ở việc thông tin, tuyên truyền, chưa xây dựng hoặc chưa triển khai kế hoạch thực hiện việc chấm dứt hoạt động sản xuất của các lò gạch theo quy định. Trước đó, ngày 24/4/2015, Sở Xây dựng cũng có công văn gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã đề nghị báo cáo rà soát tổng thể các cơ sở sản xuất gạch, lập kế hoạch triển khai thực hiện việc chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công. Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ có 5 huyện, thị xã báo cáo tình hình là Thanh Hà, Kim Thành, Tứ Kỳ, Nam Sách và thị xã Chí Linh.
Hiện nay, cấp ủy, chính quyền ở nhiều nơi còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Thậm chí một số địa phương còn muốn các LGTC được tiếp tục hoạt động với lý do sẽ tạo việc làm, nguồn thu nhập cho địa phương đó. Tư tưởng nghe ngóng xem tình hình cụ thể như thế nào xuất hiện ở nhiều nơi. Một số ý kiến của cán bộ chuyên môn còn cho rằng nếu địa phương đó quyết liệt thực hiện thì có khi phải “chịu thiệt” hơn so với những nơi không tích cực thực hiện quyết định của tỉnh. Đây thực sự là một khó khăn trong công tác chỉ đạo, cần phải khắc phục ngay. Theo quan sát của phóng viên, mặc dù thời hạn để các lò gạch thủ công và lò liên tục kiểu đứng dừng hoạt động đã trôi qua hơn một tháng, nhưng hàng trăm lò gạch vẫn đều đặn nhả khói, gạch mộc vẫn được sản xuất, nguyên liệu vẫn được tập kết vào bãi chứa. Các chủ lò dường như không quan tâm đến sự tồn tại của các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương.
Lí do không thuyết phục.
Theo Hiệp hội Gạch công nghệ lò đứng của tỉnh, chấm dứt hoạt động sản xuất gạch thủ công đồng loạt trên địa bàn tỉnh, lượng gạch đất nung thiếu hụt khoảng 300 triệu viên/năm. Nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh có thực sự thiếu gạch xây và có ảnh hưởng đến giá gạch trong xây dựng?
Một số chủ thầu xây dựng lớn ở TP Hải Dương cho biết, thời điểm hiện nay đã thực hiện lệnh dừng sản xuất gạch thủ công toàn tỉnh, song giá gạch xây không có biến động gì lớn. Trên 30 công trình xây dựng mỗi năm, chúng tôi tiêu thụ trên 200 vạn gạch, 100% các chủ công trình yêu cầu xây gạch đặc đất nung và gạch tuynel, đó là tâm lý sử dụng gạch của người dân từ bấy lâu nay. Mặc dù đang giữa mùa xây dựng, giá gạch và vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, cát xây, vật liệu, thiết bị hoàn thiện nội thất khá ổn định về giá, thuận lợi cho người dân đầu tư xây dựng nhà ở.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hải Dương, trên toàn tỉnh hiện có 40 dự án sản xuất gạch tuynel với công suất thiết kế gần 1.2 tỷ viên/năm. Hiện nay mới có 26 dự án đi vào sản xuất cung cấp cho thị trường gần 800 triệu viên/năm.Nhiều dự án đang chạy với 60 đến 65% công suất.Nếu các dự án đi vào hoạt động, chưa chạy hết công suất đã có thể bù đắp lượng gạch thủ công toàn tỉnh dừng sản xuất.
Việc dừng gần 200 LGTC, thị trường sẽ thiếu hụt khoảng 400 triệu viên gạch xây tiêu chuẩn mỗi năm.Đây thực sự là cơ hội lớn để các nhà máy gạch tuynel và gạch không nung tăng công suất để bù đắp và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cần chính sách nhất quán
Dừng hoạt động của các LGTC theo lộ trình xóa bỏ, chuyển đổi các lò gạch thủ công sang lò công nghệ tiên tiến góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Chỉ thị số 11/2014/CT-UBND ngày 21/ 5/2014 của UBND tỉnh về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch sét nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh đã tạo hành lang pháp lý để chủ đầu tư các công trình sử dụng vốn ngân sách chuyển hướng sang sử dụng gạch không nung thay cho gạch sét nung truyền thống. Tuy nhiên, việc tuân thủ Chỉ thị của UBND tỉnh chưa thực sự triệt để. Ở nhiều địa phương, nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách vẫn sử dụng gạch sét nung. Công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân chưa được thực hiện rộng rãi. Việc thực hiện đúng lộ trình tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel chủ động thực hiện các kế hoạch nâng cấp, mở rộng nhà máy. Tuy nhiên, việc cấp phép mới các dự án sản xuất gạch tuynel cần xem xét cụ thể, tránh tình trạng ồ ạt xây dựng nhà máy, phá vỡ quy hoạch và gây nên tình trạng dư thừa sản lượng, ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy đang hoạt động hiện nay.
Việc xóa bỏ các LGTC là phù hợp với xu thế phát triển vì ngoài lợi ích về bảo vệ môi trường, quỹ đất còn đúng với chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch không đủ điều kiện chứng nhận hợp quy vào các công trình. UBND tỉnh đã nêu rõ Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm nếu sau ngày 1/1/2016 vẫn để các lò gạch úp vung, liên tục kiểu đứng, hop-man hoạt động. Do đó, thời gian tới, Sở Xây dựng Hải Dương cần tích cực tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn liên ngành, tổ chức kiểm tra thường xuyên, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh.