ThienNhien.Net – Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Chan, virus Zika đang lan nhanh một cách bùng nổ, mức độ báo động đối với loại virus này đặc biệt cao.
Trong cuộc họp ngày 28/1 tại Geneva (Thụy Sĩ), bà Chan đã triệu tập cuộc họp khẩn của WHO vào ngày 1/2 tới để thảo luận về “sự lây lan một cách bùng nổ” của virus Zika, loại virus lây truyền qua muỗi và có thể gây dị tật ở thai nhi; đồng thời xác định lần bùng phát này của virus Zika đã đủ để ban bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế hay chưa.
Tổ chức này từng cảnh báo virus Zika sẽ lan khắp các nước châu Mỹ trừ Canada và Chile. Cũng theo WHO, khoảng 3-4 triệu người ở châu Mỹ, trong đó có 1,5 triệu người ở Brazil, có thể sẽ bị lây nhiễm loại virus này.
Diễn biến phức tạp
Virus Zika xuất hiện và lây lan tại các nước châu Mỹ từ năm ngoái và đã xuất hiện tại hơn 20 nước thuộc khu vực Mỹ Latinh.
Tại Brazil, kể từ tháng 9 năm ngoái, nước này ghi nhận 3.700 trường hợp trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ, dị tật được xác định có liên quan tới việc các thai phụ bị nhiễm virus Zika.
Theo Bộ Y tế nước này, hiện đã có 4.180 ca nghi mắc virus Zika, tăng 7% so với con số thống kê tuần trước, 22 trên tổng số 27 bang ghi nhận các trường hợp nhiễm loại virus nguy hiểm này.
Dịch bệnh do virus Zika bùng phát đúng vào thời điểm Brazil đang chuẩn bị vào mùa lễ hội Carnaval càng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm khiến các cơ quan chức năng nước Nam Mỹ này quan ngại. Bộ Y tế Brazil đã cấm 30 địa phương không được tổ chức lễ hội.
Trong khi đó, các nhà chức trách thành phố Rio de Janeiro, nơi lễ hội Carnaval lớn nhất thế giới hàng năm sẽ khai mạc vào ngày 5/2 tới, đang nỗ lực tiến hành các biện pháp phòng ngừa lây lan như phun thuốc muỗi tại những nơi tập trung đông người dọc bờ biển Copacabana và tại khu khán đài Sambódromo nổi tiếng, nơi có sức chứa khoảng 72.500 khán giả.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff ngày 27/1 đã kêu gọi các nước Mỹ Latinh cùng phát động chiến dịch trên toàn khu vực phòng trừ dịch bệnh.
Tổng thống Rousseff cũng thông báo về một hội nghị Bộ trưởng Y tế khu vực sẽ được tổ chức dưới sự bảo trợ của Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) để bàn các biện pháp phối hợp hành động chống dịch bệnh do virus Zika. Trong khi đó, Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và vùng Carribean (CELAC) dự kiến cũng sẽ tổ chức một cuộc họp tương tự sau cuộc họp của MERCOSUR.
Từ ngày 13/2 tới, Brazil sẽ cử 220.000 binh sĩ tham gia vào chiến dịch dọn dẹp vệ sinh môi trường và tuyên truyền phòng chống dịch tại 300 thành phố trên cả nước.
Bộ Y tế Honduras ngày 28/1 thông báo, tính từ tháng 12/2015, số ca nhiễm virus Zika tại nước này đã lên đến 1.000 trường hợp.
Theo Thứ trưởng Y tế Francis Contreras, chỉ có 51 ca nhiễm trong tháng 12/2015, tuy nhiên, con số này đã tăng thêm 949 trường hợp tính từ ngày 1/1/2016. Ông Contreras không đề cập đến ca trẻ sơ sinh nào bị đầu nhỏ, một dị tật virus này gây ra song thông báo về các trường hợp bệnh nhân Zika tử vong sau khi mắc hội chứng rối loạn Guillain Barre, hệ thống miễn dịch tấn công một phần hệ thần kinh ngoại biên.
Tại Colombia, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, các cơ quan chức năng cho biết hiện đã có khoảng 16.500 ca bệnh và con số này có thể lên tới 600.000 từ nay tới tháng 7 tới do thời tiết nóng bất thường tạo thuận lợi cho muỗi sinh sôi nảy nở. Có khoảng 500 trẻ sơ sinh đã bị mắc bệnh đầu nhỏ và 1.090 phụ nữ có thai có nguy cơ cao nhiễm virus Zika.
Các nhà chức trách Argentina cho biết nước này đã có 2 trường hợp nhiễm virus Zika sau khi trở về từ vùng có dịch ở nước ngoài. Với thông báo này, Argentina là quốc gia thứ 24 ở Mỹ Latinh có bệnh nhân lây nhiễm.
Từ khi có dịch bệnh sốt xuất huyết do muỗi Aedes aegypti gây ra tới nay, Argentina đã tiến hành các biện pháp phòng dịch như phun thuốc muỗi tại các công viên và quảng trường ở thủ đô Buenos Aires. Cùng ngày, Bộ Sản xuất cũng thông báo quyết định hạ 25% giá các loại thuốc chống muỗi đốt tại các hiệu thuốc và các siêu thị.
Các trường hợp bệnh nhân nhiễm virus Zika cũng được phát hiện tại nhiều quốc gia châu Âu trong hơn một tuần qua, bao gồm Anh, Italy, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch và Thụy Sĩ. Tuy nhiên, hiện chưa có trường hợp lây nhiễm ở phụ nữ mang thai được ghi nhận tại 6 quốc gia trên.
Theo ghi nhận, công dân các nước châu Âu nói trên nhiễm bệnh chủ yếu là những người vừa trở về từ Mỹ La tinh.
Chưa có trường hợp nhiễm bệnh nào được báo cáo tại Pháp nhưng giới chức y tế nước này đã thông báo những trường hợp nhiễm bệnh ở đảo Guadeloupe, Martinique và đặc biệt ở Saint-Martin và khu vực Carribean. Khu vực ven biển Guyane (Nam Mỹ) có 45 trường hợp xác nhận nhiễm bệnh, trong đó có 4 phụ nữ mang thai.
Đẩy nhanh nghiên cứu vaccine
Trong bối cảnh virus Zika có nguy cơ phát triển và lây lan tại Mỹ trong những tháng nắng nóng sắp tới, ngày 27/1, trong cuộc họp với giới chuyên gia khoa học hàng đầu của chính phủ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu các nhà khoa học cần phát triển nhanh các phương pháp xét nghiệm để chẩn đoán chính xác hơn cũng như đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu để có thể sớm điều chế vaccine phòng ngừa virus Zika.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Georgetown của Mỹ cũng kêu gọi WHO cần rút kinh nghiêm từ việc đối phó với virus Ebola đã hoành hành tại các nước Tây Phi hồi năm 2014 và cần triển khai “hành động khẩn cấp” nhằm đẩy lùi virus Zika. Họ cũng yêu cầu WHO triệu tập một cuộc họp giữa các chuyên gia y tế và các nhà nghiên cứu dịch bệnh truyền nhiễm nhằm tìm kiếm các giải pháp phòng chống virus Zika.
Giám đốc Cơ quan Giám sát dịch bệnh quốc gia Brazil Jarbas Barbosa thông báo nước này đang xem xét ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu sản xuất vaccine chống virus Zika với Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH). Ông Barbosa hiện đang có mặt tại Geneve để làm việc với WHO để bàn về những biện pháp ngăn chặn tình trạng dịch bệnh này đang lây lan với tốc độ chóng mặt tại Mỹ Latinh.
Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc WHO Marie Paule Kieny cho biết việc nghiên cứu tìm ra vaccine chống virus Zika đã được tiến hành.
Virus Zika thuộc họ virus Flaviviridae, lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti, cũng là loài gây bệnh suốt xuất huyết. Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm virus là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Đối với phụ nữ có thai, virus để lại dị tật thai nhi với chứng teo não. Hiện chưa có vaccine phòng ngừa virus Zika.
Loại virus này đầu tiên được phát hiện ở những con khỉ Rhesus trong rừng Zika ở Uganda từ năm 1947. Các đợt bùng phát virus Zika từng được ghi nhận tại khu vực châu Phi, Đông Nam Á, các quần đảo ở Thái Bình Dương và một số nước ở châu Mỹ. |