ThienNhien.Net – Ngân hàng thế giới (WB) hiện đang xem xét lại khung chính sách đánh giá, phòng ngừa và giảm nhẹ các tác động môi trường và xã hội từ các dự án mà họ đầu tư. Trong suốt 3 năm qua, WB cùng các chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng đã có nhiều tranh luận và góp ý xây dựng lại bản dự thảo khung. Và trong một tuyên bố mật bị rò rỉ gửi tới Ủy ban Phát triển hiệu quả của WB một tháng trước khi công bố bản dự thảo thứ hai, 6 giám đốc điều hành đã thể hiện thái độ chỉ trích đối với dự thảo chính sách mới, chủ yếu liên quan tới quyền con người.
Tuyên bố nói trên đến từ các giám đốc điều hành đại diện cho Anh, Ý, Đức, Pháp, Hà Lan, khu vực Bắc Âu và Ban-tích, với lập trường rằng WB cần có trách nhiệm đảm bảo quyền con người. Mặc dù có nhiều lập luận mạnh mẽ hơn từ phía các nhà vận động vì quyền con người, tuyên bố của 6/25 giám đốc điều hành (nắm giữ ¼ cổ phần ngân hàng) nói trên là rất đáng lưu tâm.
Trong khi đối với công chúng nói chung, WB có vẻ chắc chắn sẽ ủng hộ quyền con người, hay ít nhất cũng nỗ lực tối đa nhằm hạn chế vi phạm nhân quyền thì trên thực tế Ngân hàng đã lảng tránh vấn đề nhân quyền trong chính sách của mình. Điều này được chứng minh bằng hàng thập kỉ các dự án do WB tài trợ xâm phạm quyền con người. Đầu năm 2015, một cuộc điều tra quy mô lớn tiết lộ, các dự án WB tài trợ đã khiến 3,4 triệu người phải tái định cư trong thập kỷ qua, khiến nhiều nhóm cộng đồng nghèo, dễ tổn thương phải chịu cảnh túng quẫn và quyền con người bị xâm phạm nghiêm trọng.
Và người đứng đầu Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) – tổ chức thành viên của WB phụ trách khu vực tư nhân đã phải khẳng định rằng họ sẽ nỗ lực giảm bớt những cáo buộc xâm phạm quyền con người trong các dự án của IFC.
Tuyên bố của các giám đốc WB nói trên cũng đồng thời đề cập đến vấn đề chuyển giao trách nhiệm đảm bảo an toàn về môi trường – xã hội từ Ngân hàng sang các chính phủ được vay vốn. Điều này cũng đang vấp phải nhiều chỉ trích từ các tổ chức xã hội và các chính phủ. Mặc dù mục đích của quy định này là nhằm tăng quyền sở hữu và tính độc lập của địa phương, nhưng không phải tất cả các quốc gia đều có năng lực để thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn. Ngoài ra, WB chưa giải thích rõ ràng cách thức chuyển giao trách nhiệm cũng như các chi phí phát sinh từ việc này, điều rất quan trọng đối với các nước đang phát triển.
Về vấn đề này, các giám đốc đứng tên trong bản tuyên bố đã mạnh mẽ khẳng định “trách nhiệm cơ bản của Ngân hàng là đảm bảo khả năng đáp ứng chính những yêu cầu trong các chính sách của mình” – thực chất, đó là trách nhiệm trước những thiệt hại về môi trường và xã hội do các dự án mà WB tài trợ gây ra.
Những quan ngại trên cũng giống như hầu hết phản hồi từ phía các tổ chức xã hội dân sự trong suốt quá trình đánh giá dự thảo chính sách đảm bảo an toàn về môi trường và xã hội của WB. Tuy nhiên, các thành viên xã hội dân sự luôn gặp khó khăn khi tham gia vào quá trình đánh giá bởi những rào cản như hạn chế quyền tham gia, hạn chế thời gian chuẩn bị hay trở ngại về mặt địa lý. Vấn đề này cũng được các giám đốc nhấn mạnh trong bản tuyên bố, rằng đợt tham vấn tới cần được mở rộng tới đa dạng đối tượng hơn, đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm cả đại diện các tổ chức xã hội dân sự. Bên cạnh đó, các trường hợp thực tế điển hình liên quan đến câu chuyện này cũng được khuyến khích sử dụng trong quá trình tham vấn.
Ở thời điểm mà WB sẵn sàng gia tăng đầu tư vào các quốc gia có xung đột và dễ tổn thương, đồng thời cũng trở lại với những khoản đầu tư nhiều tác động vốn đã đoạn tuyệt trước đó như dự án đập thủy điện và cơ sở hạ tầng lớn, thì các biện pháp an toàn mạnh mẽ nhằm bảo vệ người nghèo và những đối tượng dễ tổn thương trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu thực sự trung thành với cam kết “không xâm phạm” các tiêu chuẩn môi trường và xã hội, WB cần lắng nghe những quan ngại của các giám đốc cũng như các tổ chức xã hội. Và tránh xâm phạm quyền con người, đồng thời chịu trách nhiệm cho những tác động từ các hoạt động đầu tư sẽ là một khởi đầu tốt.