ThienNhien.Net – Ngày 25/01 vừa qua, các luật sư bên nguyên đơn trong vụ kiện Hợp đồng Mua điện từ đập thủy điện Xayaburi đã gửi đơn kháng cáo lên Tòa án Hành chính Tối cao Thái Lan.
Đơn kiện yêu cầu Tòa án Tối cao chỉ định các tòa án cấp dưới xem xét lại vụ kiện, thừa nhận những tác động xuyên biên giới mà đập Xayarburi gây ra với các cộng đồng Thái Lan.
Thông qua đơn kháng cáo, bên nguyên đơn kỳ vọng Tòa án Hành chính sẽ đưa ra quyết định nhằm đảm bảo rằng 5 cơ quan nhà nước phê duyệt Hợp đồng Mua điện của đập Xayaburi sẽ tuân thủ theo quy định và luật pháp Thái Lan; đồng thời yêu cầu tiến hành đánh giá tác động môi trường và sức khỏe xuyên biên giới, cũng như công bố thông tin và tham vấn các cộng đồng bị ảnh hưởng một cách đầy đủ.
Vụ kiện nói trên đã được Tòa án Hành chính Tối cao quyết định thụ lý vào tháng 6/2014, đi ngược lại quyết định từ chối vụ kiện trước đó của Tòa án Hành chính. Thông qua việc tiếp nhận vụ kiện, Tòa án đã công khai thừa nhận tác động xuyên biên giới của đập Xayaburi và những đe dọa mà con đập gây ra đối với môi trường, sinh kế và lợi ích cộng đồng, đặc biệt là ở Thái Lan.
Bà Thapanee Muangkot, một trong số các nguyên đơn của vụ kiện đến từ một ngôi làng nhỏ ven sông Mê Công, tỉnh Nakorn Phnom, khẳng định niềm tin của mình đối với hệ thống công lý của Thái Lan. Bà tin rằng Tòa án sẽ tiến hành các bước cần thiết để bảo vệ quyền lợi của những người bị ảnh hưởng: “Tôi tin tưởng quyết định của Tòa án Tối cao vào năm 2014, họ đã thụ lý vụ kiện và công nhận các tác động xuyên biên giới từ đập thủy điện Xayaburi. Vụ kiện sẽ vì lợi ích của tất cả người dân Thái Lan, và cả dòng sông Mê Công,” bà nói.
Tháng trước vụ kiện đã bị Toà án Hành chính Tối cao Thái Lan bác bỏ với lý do các cơ quan hữu quan của Thái Lan đã tuân thủ pháp luật thông qua việc cung cấp các thông tin cần thiết trên website. Tuy nhiên, trên thực tế những người dân Thái sống dọc dòng sông Mê Công dự kiến bị ảnh hưởng bởi công trình thủy điện Xayaburi không hề được cung cấp thông tin hay tham vấn đầy đủ về dự án. Các bên ủng hộ dự án vẫn tiếp tục phủ nhận những tác động xuyên biên giới của đập Xayaburi. Thiết kế cuối cùng của con đập cũng chưa hề được công bố, dù Ủy hội sông Mê Công và chính phủ các quốc gia đầu tư đã nhiều lần yêu cầu.
“Đây là vụ kiện vô cùng quan trọng đối với khu vực Mê Công trong việc sử dụng cơ chế pháp lý để đảm bảo trách nhiệm giải trình của quốc gia khi đầu tư vào các dự án ngoài biên giới,” Bà Pianporn Deetes, Giám đốc Chương trình Thái Lan của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế khẳng định.