ThienNhien.Net – Đó là khẳng định của Đại tá Trần Trọng Bình – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an khi trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ liên quan đến thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc được lực lượng chức năng phát hiện xử lý trong thời gian vừa qua.
– Phóng viên: Đại tá đánh giá như thế nào về tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc liên tiếp bị phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây?
Đại tá Trần Trọng Bình: Thời gian vừa qua, tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), trong đó nhiều vụ thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc được các phòng nghiệp vụ của Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an, phối hợp với các lực lượng chức năng và Cảnh sát Môi trường các tỉnh, thành phố… phát hiện và xử lý đáng kể. Tuy nhiên, chưa thể nói là có sự gia tăng bởi trước đó, tình trạng này vẫn tồn tại nhưng chưa kịp thời phát hiện vì còn nhiều vướng mắc từ cơ quan quản lý. Trong khi đó, chế tài xử lý của chúng ta chưa đồng bộ, hoàn thiện. Một đặc điểm chung là các loại tội phạm đều diễn biến phức tạp theo mùa hay các dịp lễ, Tết. Do vậy, đây cũng là thời điểm lực lượng chức năng tăng cường phát hiện và xử lý mạnh.
– Theo Đại tá, những thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý có nguồn gốc từ đâu?
Đại tá Trần Trọng Bình: Qua các vụ việc cho thấy, thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc chủ yếu đến từ 2 nguồn chính là nhập khẩu trái phép từ nước ngoài và sản xuất chế biến trong nước nhưng không đảm bảo về VSATTP. Gần đây, hoạt động tội phạm và vi phạm VSATTP diễn biễn khá phức tạp. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt có nhiều chất cấm được một số đối tượng pha trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm; sử dụng các chất cấm để bảo quản nông sản; các phụ gia không được phép đưa vào thực phẩm; tái chế các thực phẩm đã quá hạn sử dụng, bị hư hỏng, ôi thiu; nhiều loại rau, củ quả gắn mác rau sạch, rau an toàn, nhưng khi kiểm tra, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đều vượt ngưỡng cho phép. Việc sử dụng các loại thực phẩm có phụ gia hóa chất cấm gây tác hại trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe, tính mạng của con người; ảnh hưởng đến phát triển nòi giống; tác động tiêu cực đến chính sách về an sinh xã hội; đầu tư phát triển kinh tế…
– Trong năm 2015, lực lượng Cảnh sát Môi trường đã phát hiện xử lý được bao nhiêu trường hợp vi phạm và nguồn tin vụ việc được phát hiện từ đâu, thưa Đại tá?
Đại tá Trần Trọng Bình: Năm 2015, lực lượng Cảnh sát Môi trường đã phát hiện, đấu tranh triệt phá được 3.365 vụ liên quan đến VSATTP, xử phạt hành chính hơn 2.400 vụ, thu nộp ngân sách gần 17 tỷ đồng. Chỉ riêng 2 tháng cuối năm 2015, Cảnh sát Môi trường đã phát hiện 428 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 341 vụ với số tiền 2,5 tỷ đồng, đáng chú ý có 3 vụ chuyển cơ quan điều tra khởi tố với 4 đối tượng liên quan. Có thể khẳng định, Cảnh sát Môi trường đã chủ động phát hiện, đấu tranh với tội phạm và các vi phạm về VSATTP. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có sự phối hợp, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự giúp đỡ của nhiều người dân trong việc tố giác tội phạm, tố giác vi phạm, giúp lực lượng công an và các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm VSATTP.
– Theo Đại tá, các chế tài xử lý vi phạm VSATTP liệu có đủ sức răn đe?
Đại tá Trần Trọng Bình: Chỉ cần đối chiếu qua số liệu có thể thấy, tỷ lệ vụ việc vi phạm VSATTP được phát hiện, chuyển xử lý hình sự so với xử lý hành chính rất ít, vì vậy mức độ răn đe chưa cao. Đây là một trong những mặt hạn chế do những tồn tại về chính sách pháp luật. Tuy nhiên, một số luật đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 sẽ điều chỉnh khắc phục những tồn tại này.
– Như vậy, có thể hiểu “nút thắt” của chế tài xử lý về vi phạm VSATTP sẽ được tháo gỡ?
Đại tá Trần Trọng Bình: Đúng vậy, theo quy định tại Điều 244 – Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội “Vi phạm các quy định về VSATTP”, trong đó quy định yếu tố cấu thành của loại tội phạm này là phải gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nghĩa là, “người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không đảm bảo VSATTP, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Nhưng tại Điều 317 – Bộ luật Hình sự (sửa đổi bổ sung năm 2015) đã được điều chỉnh và quy định hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm bẩn mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm… sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm và nếu vi phạm thuộc khoản 4 của điều này sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Ngoài ra còn bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.