ThienNhien.Net – Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Minh Quang tuyên bố rằng dự án này thể hiện mức độ hợp tác giữa Ấn Độ và các quốc gia ASEAN.
Ngày 21/1 vừa qua, báo Sputnik của Nga có một báo cáo nói rằng “Việt Nam sẽ có thể tự mình theo dõi Biển Đông” trong đó cho hay, Ấn Độ đã sẵn sàng bắt đầu khởi động công trình xây dựng một trạm vệ tinh mặt đất ở phía nam Việt Nam.
Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Minh Quang tuyên bố rằng dự án này thể hiện mức độ hợp tác giữa Ấn Độ và các quốc gia ASEAN.
Theo ông Nguyễn Minh Quang, dự án “phải chứng tỏ khả năng xây dựng các trạm để thu nhận, lưu trữ và xử lý các dữ liệu vệ tinh điều hướng và viễn thám cho các nước ASEAN”.
Với ngân sách 23 triệu USD, trạm vệ tinh sẽ không chỉ cho phép Việt Nam nhận được công nghệ làm việc với các dữ liệu vệ tinh và kinh nghiệm sử dụng chúng từ Ấn Độ, nó cũng sẽ tăng cường hợp tác với các nước khác trong khu vực và bảo đảm việc đào tạo các chuyên viên trong lĩnh vực công nghệ vệ tinh ở Việt Nam.
Trạm vệ tinh này cũng sẽ cung cấp cho Hà Nội khả năng truy cập vào hình ảnh từ các vệ tinh Ấn Độ đang giám sát khu vực, bao gồm cả khu vực Trung Quốc và khu vực Biển Đông, đại diện của chính phủ Ấn Độ cho biết, theo New Dehli TV.
Các vệ tinh được sử dụng trong nông nghiệp, khoa học và bảo vệ môi trường. Nhưng theo các chuyên gia, công nghệ truyền tải hình ảnh tiên tiến cho phép sử dụng những bức ảnh cả cho mục đích quân sự – báo Sputnik cho hay.
Về việc phát triển và vận dụng công nghệ vệ tinh, năm 2008, Việt Nam cũng đã có thể sử dụng vệ tinh của riêng mình khi vệ tinh Vinasat-1được phóng vào vũ trụ.
Vinasat-1 là vệ tinh viễn thông địa tĩnh đầu tiên của Việt Nam được phóng vào vũ trụ lúc 22 giờ 16 phút ngày 18 tháng 4 năm 2008 (giờ UTC).
Dự án vệ tinh Vinasat-1 đã khởi động từ năm 1998 với tổng mức đầu tư là khoảng hơn 300 triệu USD.
Việt Nam đã tiến hành đàm phán với 27 quốc gia và vùng lãnh thổ để có được vị trí 132 độ Đông trên quỹ đạo địa tĩnh.
Các ứng dụng từ công nghệ vệ tinh đã đem lại động lực phát triển cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong công cuộc phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam đã chọn tập đoàn Lockheed Martin của Hoa Kỳ làm nhà thầu cung cấp vệ tinh Vinasat (gói thầu số 3 – gói thầu quan trọng nhất của dự án phóng vệ tinh Vinasat) và phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy Ariane 5 ECA (do hãng Arianespace của Pháp cung cấp).