Băng tuyết phủ trắng nhiều nơi ở Bắc bộ

ThienNhien.Net – Ngày 24-1-2016, nền nhiệt khắp các tỉnh Bắc bộ đã giảm sâu kỷ lục. Đặc biệt, băng tuyết xuất hiện ở khắp nơi, thậm chí trên đỉnh Ba Vì (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Yên Tử (Quảng Ninh) cũng ghi nhận băng giá xuất hiện. Theo dự báo, rét hại kèm băng giá và sương muối còn kéo dài ở Bắc bộ hết ngày 27-1.

Băng giá trên đỉnh chùa Đồng - Yên Tử - Quảng Ninh
Băng giá trên đỉnh chùa Đồng – Yên Tử – Quảng Ninh

Tuyết rơi tại Ba Vì, Hà Nội

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, sáng 24-1, nền nhiệt ghi nhận được tại các tỉnh Bắc bộ đã xuống dưới 0 độ C, các tỉnh đồng bằng Bắc bộ nền nhiệt chỉ ở mức 5-7 độ C. Đặc biệt, băng tuyết xuất hiện, bao phủ hầu khắp các tỉnh. Theo đó, nhiệt độ tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) vào sáng 24-1 là -4,2 độ C, Sa Pa (Lào Cai) -4,2 độ C, Đồng Văn, Lũng Cú (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái), đỉnh Phia Oắc (Cao Bằng)… nhiệt độ đều dưới 0 độ C. Theo nhận định của Trung tâm DBKTTV Trung ương, mức nhiệt này còn thấp hơn cả năm 2011 và năm 2013.

Trên địa bàn Hà Nội, nhiệt độ trong cả ngày 24-1 cũng chỉ ở mức 5-7 độ C kèm theo mưa phùn, gió bấc thổi mạnh nên người dân càng cảm nhận cái lạnh buốt. Đặc biệt, trên đỉnh Ba Vì sáng cùng ngày đã xuất hiện băng giá. Ông Đỗ Hữu Thế, Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ, Vườn Quốc gia Ba Vì thông tin, từ khoảng 9h sáng 24-1, băng tuyết bắt đầu rơi trên đỉnh Ba Vì. “Tôi công tác ở Vườn Quốc gia Ba Vì đã hơn 20 năm nay. Vào năm 1997 cũng ghi nhận một lần băng tuyết rơi ở đỉnh Ba Vì nhưng lượng ít hơn, mỏng hơn. Còn như hiện tại, băng tuyết rơi khá dày, cây cối đều phủ một lần băng giá”, ông Đỗ Hữu Thế cho hay. Theo đó, nhiệt độ đo được tại đỉnh Ba Vì vào lúc 9-10h sáng 24-1 là 0 độ C, vào lúc 13h20 là 0,5 độ C.

Trong khi đó, trên đỉnh Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh) và huyện miền núi Bình Liêu cũng đã xuất hiện băng giá. Tại khu vực thị trấn Hoàng Mô, băng giá đọng thành lớp dày     2-3cm, có nơi 5-6cm trên mái nhà, lối đi. Theo nhiều người dân sinh sống xung quanh đỉnh Yên Tử, đây là lần đầu tiên được chứng kiến băng giá xuất hiện dày đặc ở đây. Tương tự, khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc) nhiệt độ xuống thấp nhất là -0,4 độ C, xuất hiện băng giá tại đây.

Quan trắc viên trạm khí tượng thủy văn Sa Pa đo nhiệt độ sáng 24-1 âm 3 độ C
Quan trắc viên trạm khí tượng thủy văn Sa Pa đo nhiệt độ sáng 24-1 âm 3 độ C

Lạng Sơn xuất hiện băng tuyết

Tuyết và mưa đông kết đã đọng lại thành lớp dày đặc, có nơi tới 10cm, tại Khu du lịch Mẫu Sơn và tràn xuống cả khu vực thấp hơn, đặc biệt là dọc tuyến đường dẫn từ ngã ba Bình Lập lên Mẫu Sơn. Nhiệt độ đo tại Mẫu Sơn vào sáng 24-1 là -4,2 độ C, đến trưa nhiệt độ là -3 độ C. Đến gần trưa, băng tuyết còn rơi trên cả địa bàn TP Lạng Sơn, nhiệt độ tại đây cũng xuống mức -3 độ C. Sáng cùng ngày, khi được biết thông tin TP Lạng Sơn xuất hiện băng tuyết, hàng nghìn khách du lịch đã đổ dồn về đây để ngắm hiện tượng này.

Hàng trăm du khách lên đỉnh Mẫu Sơn từ vài ngày trước đó cũng bị mắc kẹt vì quãng đường xuống khá quanh co, băng giá lại rơi dày nên gây nguy hiểm. Trong ngày 24-1, UBND TP tỉnh Lạng Sơn đã phải có Công điện yêu cầu các sở, ngành và các địa phương phân công cán bộ xuống các xã vùng cao, vùng sâu để kiểm tra việc chống rét cho học sinh và gia súc. Toàn bộ lực lượng cảnh sát giao thông cũng được huy động tham gia điều tiết giao thông do trời có mưa kèm theo băng giá, tầm nhìn hạn chế mà phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác đổ về đông.

Tuyết bám kính xe ô tô trên các nẻo đường tại Sa Pa
Tuyết bám kính xe ô tô trên các nẻo đường tại Sa Pa

Đổ xô đến Sa Pa ngắm băng tuyết

Tại khu du lịch Sa Pa (Lào Cai), từ tối 22-1, hàng nghìn người đã đổ về đây để “săn” tuyết. Khoảng 0h40 ngày 24-1, băng tuyết bắt đầu rơi ở Sa Pa và ngày một dày đặc hơn, toàn thị trấn Sa Pa phủ một lớp băng tuyết. Các ngả đường ở Sa Pa đều tắc nghẽn phương tiện giao thông và khách du lịch. Đặc biệt, chiều 24-1, do lượng băng tuyết rơi dày đặc, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phải cấm các phương tiện di chuyển qua QL 4D từ Sa Pa đi Lai Châu để đảm bảo an toàn, đồng thời khuyến nghị các phương tiện khi di chuyển phải bật đèn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong sáng 24-1, riêng Sa Pa đã đón khoảng 9.000 lượt khách. Huyện Sa Pa có gần 200 khách sạn, nhà nghỉ và hơn 100 hộ kinh doanh cá thể. Hiện nay, các cơ sở lưu trú tại Sa Pa đã kín phòng, giá phòng được giữ ổn định, không tăng quá 20% so với ngày thường.

Không chỉ Sa Pa, các huyện như Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai… nhiệt độ trong ngày 24-1 đều dưới ngưỡng 0 độ C. Toàn bộ học sinh tiểu học tại các huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh đều được nghỉ học để tránh rét. Sở NN&PTNT Lào Cai, chính quyền các địa phương đang tập trung chống rét đậm, rét hại, băng tuyết trên địa bàn. Từ sáng 24-1, một số địa bàn vùng cao của tỉnh Yên Bái như Suối Giàng (Văn Chấn), La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) và xã Bản Mù (Trạm Tấu) đã có tuyết rơi. Đến chiều cùng ngày, tuyết đã rơi khá dày trên đỉnh đèo Khau Phạ.

Đến 11h trưa cùng ngày do lượng băng tuyết rơi dày, lực lượng chức năng đã phải cấm đường qua đèo Khau Phạ. Sáng 24-1, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã có Công điện yêu cầu tập trung phòng tránh rét cho người và gia súc, đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng đảm bảo giao thông tại các điểm, đường, đèo nguy hiểm.

250116_banggia4
Đợt rét cực đoan, hiếm gặp

Nhận định về đợt rét đậm, rét hại đang diễn ra khắp các tỉnh Bắc bộ, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đợt rét ở miền Bắc trong những ngày qua là hiện tượng thời tiết cực đoan, hiếm gặp trong một mùa đông được nhận định là “mùa đông ấm” do ảnh hưởng của El Nino. “Đợt không khí lạnh này có cường độ mạnh và tràn sâu về phía Nam khiến gần như toàn bộ châu Á bị rơi vào tình trạng giá rét”, ông Lê Thanh Hải thông tin.

Lãnh đạo Trung tâm KTTV Quốc gia thông tin, năm 2008 nhiệt độ tại Hà Nội đã ghi nhận thấp nhất 6,7 độ C. Tuy nhiên, 6h sáng 24-1-2016, nhiệt độ Hà Nội (Hà Đông) 6,5 độ C, thấp hơn năm 2008. Nhưng ngày    31-1-1977, Hà Nội được ghi nhận rét tới 5,4 độ C… Theo ông Lê Thanh Hải, nguyên nhân khiến băng tuyết xuất hiện khắp các tỉnh miền Bắc là do đợt không khí lạnh này hội tụ đủ 2 yếu tố kết hợp để hình thành tuyết, băng giá là nhiệt độ thấp cộng với mưa, độ ẩm cao.

Thông tin về đợt rét hại diện rộng này, ông Lê Thanh Hải cho biết, tình trạng rét hại kèm theo băng tuyết sẽ kéo dài đến hết ngày 27-1, sau đó băng giá chỉ còn xuất hiện tại một số điểm vùng cao. Đợt rét này được nhận định mạnh nhất mùa đông năm xuân 2015-2016, khó lặp lại trong mùa đông này.