ThienNhien.Net – Sau nhiều năm bị “biến đổi khí hậu, nước biển dâng” dồn đẩy các hoạt động sản xuất, sinh hoạt vào thế “sống mòn”, giờ đây ĐBSCL tiếp tục đối mặt với nguy cơ “tan biến” khi vòng vây ấy ngày càng khốc liệt bởi hệ thống đập thủy điện trên sông Mê Kông. Trong lúc chưa tìm ra giải pháp chống đỡ hữu hiệu, ĐBSCL lại bị đẩy đến bờ vực… do cách hành xử “sai” của chính mình.
Vật vờ… sống mòn
Vừa nghe anh Tây Giáo (An Phú- An Giang) điện thoại kêu con ghé chợ Châu Đốc mua thịt bò về đãi cơm, chúng tôi đã đồng loạt “phản ứng”: “Anh em mình ra chợ xã mua cá, ngon-bổ-rẻ… “. Anh Giáo đáp: “Năm nay lũ thấp, cá nhỏ xíu, lại ít nên vào giờ này có đốt đuốc cũng không thấy… ”. Là chỗ thâm tình, tôi biết anh Giáo thật lòng. Nhưng không hiểu sao từ đáy lòng lại cuộn lên nỗi buồn khi nghĩ đến cái ngày không xa nữa câu hát đồng dao: “Về sông ăn cá…” sẽ trở thành chuyện đời xưa.
Theo Nguyễn Hoàng Huy (Chi cục Thủy sản An Giang) trong 10 năm gần đây, lượng cá tự nhiên giảm trên 50%. Còn theo TS Nguyễn Văn Kiền, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển nông thôn (ĐH An Giang) thành viên nhóm nghiên cứu “Tác động của đập thủy điện đến an ninh lương thực vùng sông Mê Kông” do ĐH Quốc gia Úc kết hợp Viện Luc Hoffmann (Thụy Sĩ) và Quỹ “Bảo tồn động vật hoang dã” thực hiện, tới đây mức độ sụt giảm cá sẽ như chiếc xe lao dốc không phanh.
“Nghiên cứu cho thấy, nếu 11 đập thủy điện hoàn thành (viễn cảnh 1), thì 16% lượng cá sẽ bị mất (tương đương 340.000 tấn). Nếu 88 đập sẽ được xây vào 2030 (viễn cảnh 2), thì 23,4 – 37,8% lượng cá bị mất, (549. 000 – 792.000 tấn/năm”, Ts Kiền nhấn mạnh.
Đây là vấn đề hệ trọng, bởi không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của trên 60 triệu người dân dựa vào tài nguyên cá, mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của hàng trăm triệu người dân trong lưu vực. TS Kiền cho biết thêm: “Nghiên cứu của nhóm cho thấy: Để bù lượng dinh dưỡng cá mất đi, Campuchia cần 29% diện tích đất tăng thêm so với hiện tại, Lào cần 42% (viễn cảnh 1). Tương tự, đối với viễn cảnh 2, Campuchia cần thêm 36- 129%, riêng Việt Nam cần 257.000 ha”. Đây là con số “không thể”, bởi theo kịch bản “biến đổi khí hậu, nước biển dâng” ĐBSCL sẽ bị mất đất sản xuất do bị “chìm”.
Nhưng theo ThS Nguyễn Hữu Thiện (Chuyên gia sinh thái ĐBSCL) rất khó để bù đắp lượng cá tự nhiên bằng thủy sản (TS) nuôi. Bởi ngoài đòi hỏi vốn đầu tư, chi phí thức ăn cao, người nghèo khó kham được và bản thân nguồn thức ăn cho cá nuôi cũng phụ thuộc rất lớn vào nguồn cá tự nhiên.
ThS Thiện thí dụ: để sản xuất được 1,2 triệu tấn cá tra, cần phải có 1,4 triệu tấn cá tự nhiên (chủ yếu là cá biển) làm thức ăn. “Khi các đập trên sông Mê Kông được xây dựng, lượng dinh dưỡng theo phù sa sông Mê Kông mang ra vùng biển ĐBSCL sẽ giảm, dẫn đến suy giảm năng suất thủy sản biển và vì vậy cũng suy giảm nguồn cá phục vụ cho ngành chăn nuôi TS”, ThS Thiện nhấn mạnh.
Nguy cơ… “tan biến”
Đã hơn 3 tháng trôi qua, nhưng người dân thành phố Cao Lãnh vẫn chưa quên được sự cố sạt lở bờ sông Tiền tại Tổng kho xăng dầu tỉnh Đồng Tháp vào đầu tháng 7.2015 làm gãy sập hoàn toàn cầu dẫn chính, sụp trôi bồn lường, nhà cấp phát, hàng rào và bờ kè với tổng thiệt hại trên 15 tỷ đồng.
“Chưa quên”, vì đây không chỉ là vụ sạt lở nghiêm trọng, thiệt hại lớn mà còn vì bởi vào thời điểm này năm 2014, tại đây cũng xảy ra sạt lở làm sụp đổ trôi hoàn toàn cầu cảng phụ. Dẫu biết rằng, sạt lở là chuyện tự nhiên của dòng sông, nhưng sự xuất hiện sạt lở lớn, liên tiếp vào mùa khô như thế này là hiện tượng không bình thường, vì thông lệ, sạt lở vùng ĐBSCL chỉ hoạt động mạnh vào thời điểm mùa mưa lũ. Nhưng đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bởi ngay từ tháng 3.2015 – điểm đỉnh khô hạn – sạt lở bờ sông vẫn liên tiếp tấn công Đồng Tháp, thậm chí còn đánh sập cả công trình phòng chống sạt lở trị giá hàng trăm tỷ đồng vừa mới đưa vào hoạt động tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành. “Buồn thúi ruột, thúi gan…”, bà Trương Thị Đào (tổ 9, ấp Tân Thạnh, An Hiệp) đã không kềm được cảm xúc khi chúng tôi hỏi về trận sạt lở công trình chống sạt lở phía sau nhà. Mời khách vào nhà, nhưng bà Đào vẫn dán mắt vào xa xăm như để “né tránh” sự thật tàn nhẫn đang bao phủ lên “ngôi nhà đời người” của mình. Nhà đông con, ít đất, vợ chồng bà lam lũ, gặng chắt suốt mấy chục năm ròng mới tích lũy được hơn 200 triệu đồng. Thấy Nhà nước đầu tư công trình bảo vệ bờ sông sau nhà, tin tưởng, vợ chồng bà trút ống cất nhà tường gạch dưỡng già. Nhưng chưa đầy năm thì niềm vui ấy đã tan biến.
“Nhận thông báo, phải di dời vì nhà nằm trong vành đai sạt lở, vợ chồng tôi coi như hết”, nhìn bà Đào đau đáu, tôi hình dung đến thân phận của hàng ngàn người dân vùng ĐBSCL bị sạt lở hoành hành, mất đất sản xuất, mất luôn căn nhà cả đời chắt mót mà lòng đắng như uống thuốc độc.
“Không chỉ có bờ sông mà cả bờ biển vùng ĐBSCL cũng gia tăng sạt lở”, PGS.TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu- ĐH Cần Thơ) nhấn mạnh: “Chính mặt trái của đập thủy điện sông Mê Kông là thủ phạm”. Tuy nhiên theo TS Tuấn, đập thủy điện ngoài đánh thẳng vào 2 trụ cột kinh tế là nông nghiệp và thủy sản trước mắt và để lại nhiều “di chứng” lâu dài, khó lường trên các lĩnh vực khác như: cung cấp dinh dưỡng đất, tạo trầm tích và mở rộng diện tích, bổ sung nguồn vật liệu xây dựng… Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng đập thủy điện còn dồn đẩy ĐBSCL đến bờ vực “tan biến”. “ĐBSCL được kiến tạo bởi phù sa sông Mê Kông và hãy còn rất trẻ. Vì thế, khi bị các con đập thủy điện giữ lại lượng phù sa bồi đắp, khiến quá trình kiến tạo này bị đảo ngược và ĐBSCL sẽ tan rã”, ThS Nguyễn Hữu Thiện cho biết là đã loại trừ tác động của biến đổi khí hậu.
Chưa “xây” đã… sai
Các nghiên cứu trong nước và quốc tế đã minh chứng: đập thủy điện trên sông Mê Kông thúc đẩy nhanh hơn việc gây mất cân đối nguồn nước, suy giảm nguồn cá, phù sa, hệ sinh thái… vùng ĐBSCL. Người dân, nhà khoa học… đã đồng loạt cảnh báo, đấu tranh, nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Tại Hội thảo “Thủy điện Mê Kông: Khoa học, chính sách và tiếng nói cộng đồng” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức tại An Giang vào trung tuần tháng 11.2015, Ame Trandem (Tổ chức Sông ngòi Quốc tế) cho biết, tất cả các đập đã, đang và sắp xây dựng tại Trung Quốc, Lào hoàn toàn không có báo cáo tham vấn trước với Ủy hội sông Mê Kông.
Trong khi đó “khung thể chế cho việc quản trị nguồn nước quốc tế” là “Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông” (1995) cũng có nhiều điểm hạn chế. Do vậy các chuyên gia khuyến cáo chuyển cách giải quyết từ con đường Nhà nước sang “đấu tranh nhân dân”, như: lập các diễn đàn “Nhân dân khu vực Mê Kông” sử dụng tiếng nói cộng đồng thuyết phục chính phủ các nước trong lưu vực “hồi tâm, chuyển ý”.
Tuy nhiên, giữa lúc cuộc chiến với thế lực “bên ngoài” mới bước vào giai đoạn “xây”, thì ngay bên trong chúng ta đã tự làm “sai” khiến tình hình thêm trầm trọng. Không chỉ thiếu những nghiên cứu chuyên sâu, mang tính thuyết phục cao, giới nghiên cứu – người tạo ra “tấm lá chắn” khoa học cho Mê Kông – thường xuyên tự làm suy yếu mình bởi những tranh luận “không đáng có” khiến các hội thảo về đập thủy điện chưa phát huy hết tính khoa học để các quốc gia thượng nguồn “tâm phục, khẩu phục”.
Trong khi đó, người dân lại làm gia tăng tác động tiêu cực thông qua việc đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt, làm bờ sông, lòng sông thêm tổn thương… Thậm chí, ngay đến cơ quan quản lý Nhà nước cũng vô hình trung “mở cửa sau” rước thảm họa vào nhà. Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, đập thủy điện xuất hiện, gần như 160 triệu tấn bùn cát trên dòng Mê Kông khó còn đường về hạ nguồn. Hiện trữ lượng cát trên sông Cửu Long chỉ còn khoảng 800 triệu m3, nhưng cơ quan chức năng lại cấp phép cho 126 tổ chức, doanh nghiệp khai thác với sản lượng 28,23 triệu m3/ năm.
Theo tính toán của PGS.TS Đinh Công Sản (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam), với tốc độ khai thác này, sông Cửu Long hết cát sau 30 năm nữa. “Điều này sẽ là thảm họa khó lường vì đồng nghĩa với việc đập nát “bộ xương” định hình cho diện mạo của ĐBSCL”, PGS.TS Dương Văn Ni (Trung tâm Thực nghiệm Đa dạng sinh học Hòa An- Đại học Cần Thơ) nhấn mạnh.
Kiên trì đấu tranh, kêu gọi các quốc gia thượng nguồn trả tự do cho dòng cho sông Mê Kông là hết sức cần thiết để làm giảm thảm họa “ĐBSCL sẽ chìm” theo kịch bản “bối cảnh biến đổi, nước biển dâng”, nhưng ngay lúc này, một vấn đề cực kỳ quan trọng là phải nhanh chóng và kiên trì khơi thông nếp nghĩ, lối hành xử của mỗi chúng ta để ĐBSCL không phải rơi vào thảm họa “sống mòn” trước khi sông Mê Kông bị nghẽn mạch, cạn dòng.
Vì thế “Chảy đi sông ơi” còn là lời nhắc nhớ chúng ta hãy khơi thông dòng chảy trong từng nếp nghĩ, lối hành xử của chính mình.