ThienNhien.Net – Thiếu nước ngọt để bơm tưới và đẩy lùi mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, rồi dịch bệnh gia tăng đã và đang dồn đẩy lợi nhuận hạt lúa đến chân tường… Đó là thảm họa. Vì cây lúa không chỉ là “chân trụ” kinh tế – xã hội của ĐBSCL, mà còn là “nồi cơm” cho cả nước. Nhưng điều đáng lo hơn là sự “khô cứng” trong tư duy điều hành, quản lý… đã nhấn sâu cây lúa vào tâm chấn của sự lung lay ngay gốc.
Đảo lộn bất thường
Láng Biển là xã “rốn” của Đồng Tháp Mười (huyện Tháp Mười – Đồng Tháp). Vậy mà mùa lũ năm nay, Láng Biển lại mắc cạn. Vừa tranh thủ bơm vét nước dưới lòng kênh vào ruộng, ông Ngô Tấn Ngợi, Chủ nhiệm CLB SX lúa giống Láng Biển vừa trút bức xúc: “Đây là lần đầu tiên trong gần 40 năm trồng lúa, tôi chứng kiến cảnh lũ thế này. Mọi năm, chỉ cần tháo nước, hoặc chỉ bơm nhẹ là làm đất, xuống giống”. Theo lời ông Ngợi, sau khi thu hoạch lúa Thu đông, HTX mở hết cống, bọng đón lũ, nhưng chỉ được xăm xắp rồi chực rút nên ông Ngợi chủ động bơm thêm nước vào ruộng làm đất và xuống giống sớm hơn thường lệ gần 20 ngày.
Rời Đồng Tháp Mười, sang Tứ Giác Long Xuyên, một trong 2 vựa lúa của ĐBSCL, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh nông dân bị mất nhiều hơn khoản chi phí bơm nước như ông Ngợi. Tại Kiên Giang, sau khi quyết định không gieo trồng vụ lúa Thu đông 2015 để xả lũ vào đồng lấy phù sa cải tạo đất… nhiều nông dân ấp kênh 5B, xã Tân An (Tân Hiệp) náo nức chờ. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy lũ, những “lão nông tri điền” phải chi tiền làm vệ sinh đồng ruộng, rồi bơm thêm nước làm đất, xuống giống sớm. “Vừa mất thu nhập một vụ lúa, vừa tốn thêm tiền bơm nước…”, anh Đỗ Anh Tuấn chặc lưỡi: “Mất cả chì lẫn chài”.
Theo các chuyên gia nông học, việc chủ động xuống giống “ăn cơm trước kẻng”, có thể sẽ giúp nông dân giảm bớt thiệt hại chi phí bơm nước ban đầu (30-50 ngàn đồng/công) nhưng lại làm phá vỡ lịch thời vụ toàn vùng, và tạo cầu nối cho nhiều loại dịch bệnh nhân đàn và gây hại lúa trên diện rộng.
ThS Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết: “Với mức lũ thấp kỷ lục, nông dân sẽ tốn chi phí xử lý rạ trên đồng để hạn chế ngộ độc hữu cơ. Lũ thấp cũng là điều kiện để nhiều côn trùng bất lợi cho cây lúa có điều kiện nhân đàn. Trước mắt là nạn chuột gây hại trên diện rộng”. Ngoài ra, theo ThS An, với diện tích lúa Thu đông toàn vùng đạt kỷ lục (820.000ha, tăng trên 200.000ha so năm trước) cộng với diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay: ngày nắng, đêm ẩm độ cao, sáng có mây mù… là môi trường thích hợp để các sinh vật gia tăng bệnh, như: đạo ôn lá, cháy bìa lá, sâu cuốn lá, nhện gié…
Trong khi đó theo Đài Khí tượng – Thủy văn An Giang do lũ thấp nên tổng lượng dòng chảy thượng nguồn Mê Kông về ĐBSCL thiếu hụt khoảng 40% trung bình nhiều năm, làm cho mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp là điều kiện để mặn xâm nhập sâu nội đồng. Theo đó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) dự báo: có 40% diện tích lúa Đông xuân ĐBSCL (tướng ứng trên 600.000ha) bị xâm nhập mặn ảnh hưởng với độ sâu vào bờ lên đến 60-70km.
Nguy cơ “đau bụng uống nhân sâm”
“Chú ngồi chơi, tôi đang lỡ tay trộn phân”, ông Võ Văn Phước (ấp Cây Gòn, Lương An Trà, Tri Tôn, An Giang) chân tình: “Năm nay lũ thấp, làm tăng thêm chi phí vệ sinh đồng ruộng, cày xới, nông dân còn phải tăng cường phân để bồi đắp cho đất ước khoảng 300-500 ngàn đồng/công”.
Ông Phước là nông dân nổi tiếng không chỉ vì có diện tích khá lớn (8ha) mà còn bởi luôn trúng mùa với năng suất vụ Đông xuân dao động 1,1 -1,2 tấn/công. Bởi ngoài việc chăm chỉ, bám sát đồng ruộng, theo dõi, phòng ngừa và điều trị dịch bệnh “đến nơi đến chốn”… ông còn chú trọng đến yếu tố phân bón. Và cũng như nhiều nông dân ở Kiên Giang, Đồng Tháp, khi thấy lũ không mang phù sa lên đồng, ông Phước đã chủ động bón thêm phân hóa học.
Đó là dấu hiệu đáng mừng vì nông dân đã có sự chuyển biến từ tư duy “vắt kiệt” sang tư duy chủ động bồi đắp cho đất. Nhưng theo nhiều chuyên gia nông học, trong trường hợp này, hành động bón thêm phân được xem như câu chuyện ông thầy thuốc đã khiến người bệnh đau bụng tử vong vì cho uống nhân sâm.
“Phân bón hóa học như con dao hai lưỡi. Khi sử dụng đúng sẽ góp phần tăng năng suất, lợi nhuận, nhưng khi lạm dụng, vừa tốn kém vừa tạo cơ hội cho dịch bệnh tấn công cây lúa”, ThS An chia sẻ: “Thông thường, khi thừa đạm, cây lúa dễ bị dịch bệnh tấn công. Trong khi đó, năm nay, nhiệt độ biến động nhiều là thời cơ cho nhiều dịch bệnh bùng phát. Vì vậy khi nông dân tự ý bón thêm đạm, đồng nghĩa với việc đổ tiền rước dịch bệnh cho mình và cho nhiều hộ xung quanh”.
Đó không phải là lý thuyết suông. Tranh thủ lúc ông Phước làm việc, chúng tôi tìm hiểu chuyện sâu bệnh. Như gãi trúng chỗ ngứa, ông Phước nói thẳng: “Vừa sạ 10 ngày bị bù lạch, ít ngày sau thì rầy nâu”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông học, đó chỉ mới là khúc dạo đầu của mùa vụ cây lúa được cung cấp nhiều yếu tố thu hút dịch bệnh gây hại…
Trong lúc trò chuyện với ông Phước, tôi nhiều lần thót tim khi “khám khá” nhiều kiểu sử dụng thuốc do nông dân truyền khẩu, như: Kết hợp nhiều loại thuốc BVTV cho một lần phun xịt để vừa trị bệnh vừa “đón đầu” nhiều bệnh khác, hay kết hợp thuốc BVTV với dầu nhớt để diệt chuột theo cơ chế: chuột bị hỗn hợp nhớt thuốc BVTV bám lông gây khó chịu sẽ dùng miệng để “tháo gỡ” rồi nhiễm thuốc BVTV mà chết. Theo các nghiên cứu sinh thái học, việc sử dụng dầu nhớt trên ruộng rất nguy hiểm. Bởi với tính chất không dễ phân hủy của nó, dầu nhớt làm suy thoái môi trường và giảm hiệu quả trạng thái đất.
“Giặc” mới phá, “nhà” đã chá
Không phủ nhận hiện tượng nắng nóng kéo dài, lũ thấp ở ĐBSCL năm nay là do Elnino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt khu vực xích đạo và nhiệt đới Đông Thái Bình Dương) được dự báo sẽ vượt cả trận Elnino năm 1997-1998 làm thế giới thiệt hại hơn 34 tỷ USD, trong đó Việt Nam tổn thất hơn 5.000 tỷ đồng…
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, chính “mặt trái” của đập thủy điện đã làm diễn tiến này nhanh hơn, dữ dội hơn. “Đành rằng Elnino làm giảm mưa, thiếu nước, nhưng chính vì thế mà các đập thủy điện phía thượng nguồn gia tăng các biện pháp tích và giữ nước để duy trì hoạt động… càng khiến cho sự thiếu hụt nước trên hạ lưu sông Mê Kông vốn đã gay gắt nay càng gay gắt hơn”, Giám đốc Đài Khí tượng – Thủy văn An Giang Lưu Văn Ninh chia sẻ.
Sự kết hợp này không chỉ làm gia tăng chi phí, gia tăng thiệt hại (mặn xâm nhập sâu), mà còn gia tăng nguy cơ giảm năng suất cây trồng. Tuy nhiên điều lo hơn là trong lúc chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu nạn “giặc ngoài” thì trong “nhà” đã tự đốt cháy mình. Bởi không chỉ thiếu các công trình điều tiết để tích ngọt, bẫy mặn tại các cửa biển nên nước mặn tự do ra – vào nội đồng trước sự bất lực của người dân. Thậm chí ngay trong tư duy nông nghiệp, các địa phương, ngành trung ương cũng nặng với cây lúa. Trong khi đó những chính sách điều hành tiêu thụ lúa – gạo chưa đảm bảo cho giá mua bán lúa đúng giá trị thực.
Sự trái khoáy này được ví như hành động châm ngòi đốt cháy đồng đất. “Các nghiên cứu đã chứng minh, lúa là loại cây trồng sử dụng nhiều nước (trên 10.000m3/ha), không thích hợp trồng trong mùa nắng hạn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và bùng nổ đập thủy điện. Vì vậy họ đề xuất chuyển đổi sang cây màu vừa sử dụng ít nước, vừa chịu được nhiệt độ cao, ít sâu bệnh, giá trị kinh tế cao như đậu phọng, mè…”, ThS Nguyễn Phước Tuyên, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết.
Tại nhiều nghị trường, cơ quan chức năng cũng bày tỏ sự đồng thuận, quyết tâm cao nhưng nhiều năm rồi sự chuyển đổi vẫn ì ạch tại chỗ. Theo ThS Tuyên, chủ yếu là “do thiếu đủ thứ”. Gần như hệ thống thủy lợi hiện có được thiết kế cho cây lúa, nên chưa thể đáp ứng đặc thù sinh thái cây màu. Ngoài ra, đàng sau cây màu là “khoảng trống đáng sợ”, như: máy móc, thiết bị, kỹ thuật trước, trong và sau thu hoạch, mạng lưới thu mua…
Chưa có cơ sở tạo sự an tâm, nông dân chưa dám tạo ra cuộc bứt phá mới với cây màu nên vẫn cứ bám vào cây lúa dù biết rằng trong hoàn cảnh này, đó là “hôn phối” không mang lại hạnh phúc cho cả đôi đàng. Trong khi đó mỗi năm cả nước lại chi hàng tỷ đô la để nhập màu (bắp, đậu nành) phục vụ chăn nuôi vì trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu về sản lượng lẫn chất lượng.