ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, người dân sinh sống hai bên bờ sông Nghèn, huyện Can lộc rất lo lắng khi cây bèo Tây phát triển nhanh và ngày càng lan rộng. Điều này đã gây cản trở dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Sông Nghèn được bắt nguồn từ địa phận xã Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, chảy theo hướng Đông Nam qua huyện Đức Thọ rồi xuôi xuống huyện Can Lộc, Lộc Hà và hợp nhất với sông Hạ Vàng ở huyện Thạch Hà rồi đổ ra biển.
Thời gian gần đây, trên trục sông Nghèn, cây bèo Tây phát triển rất nhanh, mọc dày kín cả dòng sông gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường. Đây là nơi lý tưởng để loài chuột trú ngụ, sinh sôi phát triển và phá hoại mùa màng.
Theo phản ánh của nhiều người dân sống quanh khu vực sông Nghèn, vào những ngày mưa lũ, nước sông chảy mạnh kéo theo những đám bèo nổi dày khắp mặt sông. Nước sông không chảy kịp dễ gây ra tình trạng ngập úng, rác và bèo nổi lềnh bềnh, các động vật thủy sinh chết rất nhiều.
Không dừng lại ở đó, khi bèo quá dày sẽ chết thối, gây ra hiện tượng ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến môi trường sống của các loại thủy sản, nhất là các mô hình nuôi cá lồng trên sông.
Khu vực sông Nghèn, hiện có 32 mô hình nuôi cá lồng của người dân. Tuy nhiên, sự xâm lấn của bèo Tây đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của cá, làm giảm sản lượng thu hoạch: “Bèo mọc rất nhanh, có nhiều thời điểm phủ kín hết cả mặt sông. Khi có mưa lũ, bèo dạt vào cả lồng cá, phải lấy tay vớt bèo ra. Sau này chúng tôi làm rào chắn xung quanh các lồng để hạn chế sự xâm lấn của bèo”. Anh Trần Văn Điền, một hộ dân nuôi cá lồng ở khu vực này cho biết.
Trao đổi với PV, ông Bùi Viết Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nghèn cho biết: “Trước sự phát triển nhanh của bèo Tây trên sông Nghèn, chính quyền địa phương cùng với người dân đã có một số biện pháp để ngăn chặn, tuy nhiên đó cũng chỉ là những giải pháp tạm thời. Do sông Nghèn là nơi cung cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nên việc xử lý bằng hóa học là việc làm không khả thi, nếu xử lý bèo Tây bằng các chất hóa học thì sau khi lượng nước này được đưa vào các đồng ruộng sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người dân”.
Việc giải quyết tình trạng bèo Tây xâm lấn trên sông Nghèn và hạn chế những ảnh hưởng của nó đến môi trường cũng như đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân không phải là việc có thể xử lý dễ dàng. Để làm tốt công tác này cần có sự chỉ đạo kịp thời của các cấp các ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và người dân. Cùng với đó là việc đưa vào nghiên cứu các đề án cải tạo sông Nghèn và thực hiện có hiệu quả các biện pháp xử lý triệt để vấn nạn bèo tây nhằm cải thiện môi trường và đời sống của người dân địa phương.