ThienNhien.Net – Những ngày này núi rừng A Vao tiếp tục bị đào xới bởi một nậu vàng người địa phương. Nậu vàng này có đến 5 người vợ, 16 đứa con cùng sống chung một nhà. Tại bãi vàng ở A Vao, chúng tôi chứng kiến nậu vàng sử dụng cả trẻ em làm phu vàng.
Đất đá bị xới tung, núi bị khoét thành địa đạo hun hút, suối vàng đục, khê nồng hóa chất, dân mắc bệnh do ô nhiễm…, là thực tế đang diễn ra ở xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị bởi nạn khai thác vàng trái phép. Ông Hồ Văn Tam, Phó Chủ tịch UBND xã A Vao, cho biết khai thác vàng trái phép ở xã này đã có từ 14 năm nay. Năm 2015, địa phương tổ chức tổng cộng 15 cuộc truy quét nhưng không ngăn được các đầu nậu làm vàng.
Trẻ em làm phu vàng
Từ trụ sở UBND xã A Vao đến các bãi vàng trái phép chỉ mất khoảng nửa ngày vừa đi xe máy vừa lội bộ trong rừng. Khoảng cuối năm 2015, chúng tôi đến khu vực làm vàng nằm lưng chừng một ngọn núi cao và chứng kiến cảnh làm vàng vô cùng tàn khốc. Mất hơn 2 giờ đeo bám vào cành cây, dây leo, chúng tôi mới lên được lưng chừng núi có lán trại làm vàng.
Đập vào mắt chúng tôi là cỗ máy xay đá, chạy hết công suất. Đất đá qua máy xay được nhóm phu vàng phun nước cho chảy vào máng lắng, tràn xuống con suối dưới chân núi. Dòng nước suối đục vàng màu bệnh hoạn. Sau lưng cỗ máy xay là đường hầm khoét sâu vào lòng núi. Đều đặn trong khoảng thời gian trên dưới 30 phút, miệng hầm hầm lại ló ra khuôn mặt mệt mỏi của một phu vàng mà theo phỏng đoán của chúng tôi, chỉ khoảng 15, 16 tuổi. Cậu bé đổ mẻ đất đá vừa được khoét vào máy xay rồi lại lầm lũi quay lưng biến vào miệng hầm hun hút.
Trèo tiếp qua triền núi bên kia, cảnh tượng còn kinh hoàng hơn với một đường hầm không biết đâu là đáy. Chui thử vào khoảng hơn 10 mét, chúng tôi phải vội vã quay ra vì mùi ẩm nồng ngột ngạt. Vách hầm không gì chống đỡ, hun hút tối om, lãnh lẽo ghê người. Mất khoảng nửa tiếng ngồi đợi ở cửa hầm, chúng tôi mới nghe tiếng động phát ra từ bên trong báo có người đang đẩy đất đá ra. Cũng như ở miệng hầm mà chúng tôi gặp đầu tiên, phu vàng đẩy xe ba bánh chui ra từ lòng núi còn đang ở độ tuổi thiếu niên. Gặng hỏi tên tuổi, thiếu niên buồn buồn nhìn xuống đất nói rằng mình là người địa phương A Vao, được ông chủ thuê lên đây làm vàng.
Từ miệng hầm theo mấy lối mòn chênh vênh, chúng tôi di chuyển đến một bờ núi khác. Bờ núi này cũng có cỗ máy xay vàng cùng các ống nước to. Bên một con khe là dãy lán trại tạm bợ của phu vàng. Nhiều phu vàng còn rất trẻ là người địa phương, hình như đã được chủ nậu vàng dặn trước nên đều có thái độ cảnh giác trước khách lạ.
Tại thời điểm nói trên, khu vực làm vàng trên ngọn núi cao ngất của A Vao có đến vài chủ nậu cùng đứng ra khai thác. Thời tiết không thuận lợi nên đến nay các nậu vàng đã tạm rút quân. Nậu vàng nơi khác rút đi, núi rừng A Vao lại bị đào xới bởi một nậu vàng là người địa phương.
Nậu vàng 5 vợ, 16 đứa con
Ở A Vao và ở Đakrông, ai cũng biết nậu vàng Hồ Văn Thanh với “thành tích” rất đặc biệt là có 5 vợ và 16 đứa con sống chung dưới một mái nhà ở. Thượng tá Lê Văn Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ba Lin đóng tại xã A Vao xác nhận Hồ Văn Thanh có 5 vợ nhưng số con thì chưa đếm được. Có lần Thượng tá Hùng vào nhà Hồ Văn Thanh đúng bữa ăn và đếm được ngoài 5 người vợ, mâm cơm có xấp xỉ gần 20 đứa trẻ con.
Ông Hồ Văn Tam, Phó Chủ tịch UBND xã A Vao cho biết, vợ đầu của Hồ Văn Thanh tên là Hồ Thị Xư. UBND xã chỉ cấp chứng nhận kết hôn cho Hồ Văn Thanh với người vợ đầu còn các cô vợ sau thì tự anh ta đưa về sống như vợ chồng. Phó Chủ tịch xã Hồ Văn Thanh bấm ngón tay đếm được người vợ đầu có với Hồ Văn Thanh 5 đứa con (đứa lớn nhất sinh khoảng năm 1995).
Vợ thứ 2 cũng sinh được 5 con. Vợ thứ 3 sinh được 3 đứa con. Vợ thứ 4 sinh 2 đứa. Vợ thứ 5 tên là Hồ Thị Khẩy (năm nay khoảng 21 tuổi) sinh được 1 đứa con. Hồ Thị Khẩy là người xã Tà Rụt chưa chuyển khẩu về A Vào nên chính quyền chưa thể cấp giấy khai sinh cho đứa con chung của Hồ Thị Khẩy với Hồ Văn Thanh.
Ông Hồ Văn Tam và ông Hồ Văn Nghiệp (cũng là Phó Chủ tịch UBND xã A Vao) cho biết thêm, năm 2015 Hồ Văn Thanh có 4 vợ cùng đẻ, trong đó có 1 vợ đẻ sinh đôi. Cán bộ xã A Vao tạm thống kê, Thanh có tổng cộng 16 đứa con với 5 người vợ. Tất cả vợ, con của Thanh đều chung sống dưới một mái nhà.
Cán bộ xã A Vao cho biết, Hồ Văn Thanh hiện đang trong thời gian chấp hành án vì vi phạm pháp luật. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hồ Văn Thanh bị phạt tù vì tội sử dụng lao động trẻ em khai thác vàng từ năm 2011. Đang trong giai đoạn thử thách, chưa thực sự được xóa án tích nhưng hiện nậu vàng Hồ Văn Thanh (nhà ở thôn Tân Đi 1) vẫn ngang nhiên tổ chức khai thác vàng trái phép tại khe Ka ê (cạnh thôn Tân Đi 3) với nhiều máy móc thiết bị cùng nhiều lao động người địa phương.
Khai thác vàng trái phép ở A Vao đã gây ra những hệ lụy trong sản xuất, đời sống của 363 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu nhưng cho đến nay vẫn chưa có giải pháp gì ngăn chặn. Thượng tá Lê Văn Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ba Lin cho biết năm 2015 đơn vị tổ chức 12 đợt truy quét khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn A Vao, phá hủy 7 máy nổ, 7 lán trại, 1 máy hơi, đẩy đuổi được 38 người (chủ yếu là dân địa phương) ra khỏi khu vực khai thác. Những ngày đầu tháng 1/2016 chúng tôi đến A Vao và được lãnh đạo UBND xã thống kê trong năm 2015 địa phương tổ chức đến 15 cuộc truy quét, tuy nhiên khai thác vàng trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại.