ThienNhien.Net – Trong một kế hoạch phát triển khiến Chính phủ Ấn Độ quan ngại, tuần qua Tổng Công ty Thủy điện Tam Điệp (CTGC) của Trung Quốc đã giành được quyền xây dựng dự án thủy điện khổng lồ tại vùng Kashmir như một phần của Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC).
Nằm phía tây bắc của tiểu lục địa Ấn Độ, Kashmir là vùng đất tranh chấp và hiện Pakistan đang kiểm soát.
Theo thông tin từ hãng thông tấn Xinghua, dự án Thủy điện Kohala, khoản đầu tư lớn nhất của CTGC vào thị trường thủy điện Pakistan, dự kiến sẽ có công suất 1,1 triệu Kw.
Công trình đập tràn này sẽ được xây dựng trên sông Jhelum với tổng chi phí khoảng 2,4 tỷ USD, theo Thời báo Hydro World.
Dự án là một phần của Hành lang CPEC, một mạng lưới 3.000 km đường bộ, đường sắt và cơ sở hạ tầng năng lượng, dự kiến sẽ thúc đẩy phát triển tại Pakistan và miền Tây Trung Quốc.
Theo trang thông tin Hydor World, năm 2014, Công ty Vận tải và Chuyển phát Quốc gia Pakistan cùng Tập đoàn Điện và Nguồn nước Quốc tế Trung Quốc (CWE) – một chi nhánh của CTGC – đã cùng đồng thuận mức thuế 7,9 cents/đơn vị điện sản xuất từ dự án Kohala trong vòng 30 năm. Theo đó, CWE được yêu cầu xây dựng dự án dựa trên cơ sở Xây dựng – Sở hữu – Vận hành – Chuyển giao.
Năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong chuyến thăm Trung Quốc, đã bày tỏ phản ứng mạnh mẽ trước việc CPEC chạy qua vùng Kashmir và cho đó là hành động không thể chấp nhận được.