ThienNhien.Net – Sự cố vỡ tấm bêtông đáy bể chứa chất thải chì, kẽm của Công ty trách nhiệm hữu hạn CKC ở thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng xảy ra ngày 5/1 đã khiến hàng trăm m3 nước và bùn thải chì, kẽm tràn ra môi trường và chảy xuống khiến sông Gâm thuộc huyện Bắc Mê bị ô nhiễm nặng.
Sự cố trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân huyện.
Theo ông Hà Việt Hưng, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, trước sự cố nêu trên, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh và huyện Bắc Mê đẩy mạnh công tác thông báo, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có khai thác, sử dụng nguồn nước sông Gâm trong thời gian sự cố chưa được khắc phục xong cần chủ động có biện pháp, kế hoạch khai thác, sử dụng phù hợp để hạn chế tối đa những hậu quả do việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Gâm bị ô nhiễm môi trường.
Theo ông Bùi Minh Tân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Mê, sự cố vỡ tấm bêtông đáy bể chứa chất thải chì, kẽm của Công ty trách nhiệm hữu hạn CKC tràn ra môi trường, chảy xuống sông Gâm đã khiến cho một số hộ sinh sống ở dọc bờ sông Gâm bị thiệt hại về tài sản, hàng trăm kg cá các loại đã bị chết, thiệt hại không nhỏ đến sản xuất và ảnh hưởng tới sinh hoạt của nhân dân.
Trước mắt, để xác định được mức độ ô nhiễm môi trường, các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang cần khẩn trương tiến hành lấy mẫu nước sông Gâm để nghiệm hóa, phân tích và có những khuyến cáo cụ thể với người dân vùng bị ảnh hưởng.
Theo các chuyên gia về môi trường, hàng trăm m3 bùn thải chì, kẽm tràn ra môi trường, chảy xuống sông Gâm rất nguy hiểm, khi kim loại nặng lẫn vào nước và đất sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Để giảm thiểu những thiệt hại do ô nhiễm sông Gâm, huyện Bắc Mê cũng cần khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước sông Gâm để sinh hoạt; khuyến cáo các hộ nuôi cá lồng, cá bè trên sông Gâm khẩn trương di chuyển lồng, bè ra vị trí khác.