ThienNhien.Net – Tạp chí Science vừa cho đăng tải kết quả nghiên cứu đánh giá các kế hoạch xây dựng thủy điện trên sông Amazon, Congo và Mê Công. Được thực hiện bởi các nhà khoa học từ 30 viện nghiên cứu, cơ quan chính phủ và tổ chức bảo tồn tại 8 quốc gia, nghiên cứu kết luận rằng các công ty xây dựng đập thủy điện “thường cường điệu hóa lợi ích kinh tế, trong khi xem nhẹ các tác động sâu rộng của đập đối với đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên cá nước ngọt vô cùng quan trọng.”
Dựa trên một loạt các nghiên cứu điểm, nghiên cứu này đã xác nhận thông điệp mà Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) và nhiều nhà khoa học đã và đang cố gắng truyền tải trong nhiều năm qua.
Theo nghiên cứu mới này, những công trình đập lớn luôn làm giảm đa dạng loài cá, đồng thời chặn đường di chuyển, cản trở cá hoàn thiện vòng đời, dẫn đến nguy cơ triệt phá tài nguyên cá, đặc biệt ở những dòng sông nhiệt đới, nơi hầu hết các loài cá có giá trị là những loài di cư hàng trăm km để thích ứng với nhịp lũ theo mùa.
Ngoài ra, không chỉ tác động đến dòng sông, các tác động sinh thái học còn ảnh hưởng tới lượng phù sa, đến dòng dinh dưỡng và các chu kỳ địa hóa sinh khác tại các hệ sinh thái đồng bằng, khu vực cửa sông, bề mặt đại dương và tác động trở lại ngành nông nghiệp, thủy sản và các khu vực dân cư.
Các tác giả đã dẫn dự án đập Belo Monte trên sông Xingu, một nhánh sông Amazon như một bằng chứng phá hủy môi trường điển hình. 50 loài cá sống tại hạ lưu Xingu có thể “không còn tìm thấy tại bất cứ nơi đâu trên Trái đất”, và con đập Belo Monte sẽ thay đổi hoàn toàn dòng sông cùng với hệ sinh thái và cuộc sống của những người dân địa phương nơi đây.
Điều đáng nói là đó không phải là trường hợp hiếm hoi. Cùng với Amazon, sông Congo và Mê Công là nơi sinh sống của hơn 4.000 loài cá – tương đương một phần ba tổng số loài cá nước ngọt trên toàn thế giới, cũng đang phải đối mặt với “cuộc tấn công” của khoảng 450 con đập đã được đề xuất xây dựng. Vấn đề thậm chí càng trở nên tồi tệ khi nhiều con đập được đề xuất tại các khu vực đặc biệt nhạy cảm sinh thái, như trên dòng chính Congo và Mê Công, hay gần các thác nước.
Các đơn vị xây đập thường phản ứng trước các thách thức sinh thái học theo hai cách: tiến hành đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và thực hiện các phương pháp giảm thiểu tác động như xây dựng cầu thang cá. Tuy nhiên, nghiên cứu mới này chỉ ra rằng những tiếp cận này hoàn toàn không phù hợp, đồng thời cảnh báo rằng rất nhiều báo cáo ĐTM “trên thực tế không hề thay đổi các tham số thiết kế” của các dự án, còn cầu thang cá thì “đã được chứng minh là không hề có tác dụng mà thậm chí còn gây hại.”
Các tác giả khuyến nghị cần tìm ra một sự cân bằng mới “giữa khai thác tiềm năng thủy điện và bảo tồn bền vững các tài nguyên thiên nhiên trọng yếu.” Đặc biệt, “các cơ quan cấp phép và tài trợ cho phát triển thủy điện cần phải yêu cầu các phân tích tác động ở cấp lưu vực, có tính đến tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh khuyến cáo từ nghiên cứu này, IR cũng bổ sung thêm khuyến nghị rằng các chính phủ và đơn vị đầu tư tài chính cũng cần so sánh các chi phí và lợi ích của thủy điện với các dự án điện gió và quang năng, từ đó có thể hạn chế xây dựng những con đập có tác động tiêu cực ngay từ giai đoạn đầu.
Nhiều nghiên cứu trước đó cũng đã chỉ ra rằng đập thủy điện làm suy giảm trầm trọng đa dạng sinh học tại các khu rừng nhiệt đới, gây ra hơn 1 triệu ca sốt xuất huyết riêng tại Châu Phi. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh với chi phí trung bình vượt quá 96% chi phí dự kiến, hầu hết các đập thủy điện không hề mang lại lợi ích kinh tế, và 85% các công trình phải giảm công suất phát điện do biến đổi khí hậu. Báo cáo vừa được công bố này bổ sung thêm vào hàng loạt bằng chứng trước đó, đặt nghi vấn cho việc phát triển thủy điện khi các đập thủy điện không hề là nguồn điện năng sạch, xanh và rẻ như thường được quảng bá.