ThienNhien.Net – Báo cáo mới nhất về các kịch bản của Kế hoạch phát triển lưu vực sông Mê Kông (MRC) của nhóm tác giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu – Đào tạo quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên thuộc Đại học Mae Fah Luang (Thái Lan) vừa công bố cho thấy việc xây dựng nhiều dự án thủy điện làm lượng phù sa và giá trị dinh dưỡng của vùng đồng bằng sông Mê Kông giảm gần 50%, làm thiệt hại lên tới 1 tỷ USD/năm.
Theo số liệu mới, lượng phù sa ở sông Mê Kông trước đây ước tính khoảng 160-165 triệu tấn/năm, cung cấp tương đương 26.000 tấn Phosphate/năm cho vùng đồng bằng sông Mê Kông. Tuy nhiên, lượng phù sa và giá trị dinh dưỡng của nó đã bị giảm gần 50%, hiện xuống còn 80 -82,5 triệu tấn/năm bởi các dự án khu vực thượng lưu sông Mê Kông ở Trung Quốc. Các nghiên cứu gần đây kết luận rằng, với việc xây dựng tất cả các đập dự kiến trên dòng chính thì tổng lượng phù sa tích tụ sẽ giảm khoảng từ 56 đến 96% (tùy nghiên cứu khác nhau), dẫn đến sự thay đổi rất lớn về sinh thái cốt lõi. Lượng phù sa bị mất đi trị giá khoảng 100 triệu tới 1 tỉ USD/năm.
Theo ước tính của nhóm tác giả Thái Lan, với kịch bản xây dựng 6 đập sẽ làm thiệt hại khoảng 100 triệu USD/năm và 200 triệu USD/năm đối với kịch bản 11 đập; trong đó, Việt Nam mất đi 70% lượng phù sa và dinh dưỡng. Việt Nam và Campuchia sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực hơn cả trong cả 2 kịch bản trên; trong khi ở kịch bản 11 đập thì Thái Lan cũng sẽ rơi vào nhóm này. Kết quả này khác biệt đáng kể so với báo cáo trước đây.
Báo cáo này cũng gợi ý, các nước hạ nguồn Mê Kông (Thái Lan, Việt Nam và Campuchia) nên chi trả một khoản tiền nhất định như “phí dịch vụ sinh thái” cho Lào trong 30 năm tới để “bồi thường” cho việc Lào không tiếp tục phát triển thủy điện trên dòng chính. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế sẽ hỗ trợ tất cả hoạt động nghiên cứu cần thiết để phát triển các giải pháp khả thi khác. Con số được đề xuất là mỗi năm Lào sẽ nhận được tổng cộng 300 triệu USD.