ThienNhien.Net – Lực lượng chức năng của tỉnh kết luận cá chết có thể do thiếu ôxy hoặc nuôi không đúng cách nhưng theo người dân, điều đó không thể xảy ra
Theo Phòng Kinh tế TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm hiện tại, có trên 150 hộ nuôi cá ở xã Hiệp Hòa bị ảnh hưởng với số lượng cá chết lên đến gần 130 tấn, thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Trong khi đó, kết quả quan trắc và những phân tích đi kèm từ phía Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Đồng Nai kết luận cá chết do ngộp thở vì hàm lượng ôxy trong nước vào thời điểm xảy ra vụ việc quá thấp, dao động từ mức 1,51-1,92 mg/l (hàm lượng ôxy theo tiêu chuẩn quốc gia để thủy sinh tồn tại là trên 4 mg/l).
“Mật độ nuôi cá quá dày đặc, khoảng cách bè chật chội đã làm giảm không gian sống của cá; thức ăn thừa tồn đọng dưới bè lâu ngày tạo vi khuẩn có hại làm giảm lượng ôxy hòa tan khiến cá chết” – bà Võ Niệm Tường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai, khẳng định.
Dù Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Đồng Nai không đồng tình với kết luận này song một cán bộ ngành TN-MT tỉnh Đồng Nai vẫn khăng khăng: “Kết quả phân tích ban đầu cho thấy nguyên nhân hoàn toàn do chủ quan. Từ trước tới nay, các cán bộ nuôi trồng thủy sản luôn khuyến cáo người dân phải nuôi cá với tỉ lệ hợp lý, tạo không gian cho cá phát triển; nếu nuôi không đúng tiêu chuẩn thì có thể dẫn đến tình trạng cá chết hoàn toàn”.
Ngày 11-1, chúng tôi trở lại làng bè – nơi xảy ra “đại họa”. Người dân chưa hết ủ dột nhưng phải tất bật với đàn cá còn sót lại. Ông Trần Văn Tình, vừa bị thiệt hại 5 tấn cá, cho biết nhà ông cũng như nhiều hộ khác đều là những người di cư từ miền Bắc vào, vay mượn tiền để nuôi cá với số vốn lên tới hàng tỉ đồng. “Thế nên, mỗi đợt cá chết gần hết như thế này, coi như chúng tôi sạt nghiệp” – ông Tình than thở.
Hộ ông Vũ Đình Doanh thì may mắn cứu được nửa đàn cá. Khi nghe cơ quan chức năng kết luận ban đầu về nguyên nhân cá chết, ông Doanh liền phản ứng: “Chúng tôi có kinh nghiệm nuôi cá nhiều năm, nếu vì mật độ dày quá thì cá đã chết lâu rồi chứ không phải bây giờ mới chết. Thêm nữa, thức ăn đắt đỏ, người nuôi đâu dễ cho ăn phí phạm, dư thừa… như mấy “ông” TN-MT nhận định”.
Ngoài ra, nhiều hộ dân ở làng bè này khẳng định khi sự việc xảy ra, cá tôm tự nhiên ở khu vực cũng chết, do đó không thể khẳng định do kỹ thuật nuôi. “Chúng tôi được biết cứ dịp cuối năm là các xí nghiệp trong những KCN làm vệ sinh nhà máy, nước thải độc hại có thể theo thủy triều mà lên, gây ô nhiễm. Chúng tôi mong Cục Cảnh sát Môi trường (C49) – Bộ Công an sớm làm rõ” – ông Nguyễn Văn Dương, một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt vừa qua, bức xúc.
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, cho biết vụ việc đang được UBND TP Biên Hòa cùng các bên liên quan tiếp tục khảo sát, đánh giá để báo cáo lên UBND tỉnh Đồng Nai.
Vũng Tàu: Làm thủ tục kiện các doanh nghiệp xả thải
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý – Sở Tư pháp tỉnh tổ chức buổi gặp gỡ các hộ dân nuôi trồng thủy sản tại xã Long Sơn (TP Vũng Tàu) để hỗ trợ các thủ tục pháp lý giúp người dân khởi kiện 14 doanh nghiệp chế biến hải sản tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành xả thải ra sông Chà Và khiến cá chết hàng loạt. Trước đó, UBND tỉnh đã 2 lần đối thoại với 14 doanh nghiệp về bồi thường cho người dân. Theo đó, với mức ô nhiễm là hơn 76%, tổng số tiền các doanh nghiệp phải đền bù là hơn 13 tỉ đồng. N.Giang |
C49 – Bộ Công an đã vào cuộc, khảo sát khu vực làng bè nhằm ghi nhận, nắm bắt tình hình nuôi cá của người dân. Theo C49, không loại trừ cá chết vì ô nhiễm do xả thải. |