ThienNhien.Net – Cả nước đã phát hiện hàng nghìn điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống người dân. Tuy nhiên,việc xử lý triệt để những điểm ô nhiễm nguy hại này gặp nhiều khó khăn.
Nỗi lo từ các điểm tồn lưu hóa chất
Hơn 20 năm nay, hàng chục hộ dân thôn Ngọc Phong, xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) phải sống chung với tình trạng ô nhiễm từ kho thuốc BVTV đã bỏ hoang của HTX Nông nghiệp Hòa Kiến 3. Người dân đã nhiều lần kiến nghị xử lý nhưng chưa được giải quyết.
Gia đình anh Nguyễn Thế Điệp ở cách kho thuốc này khoảng 50 m. Do mùi từ kho thuốc bốc ra quá nặng nên nhà anh Điệp luôn đóng kín cửa ra vào và cửa sổ. Anh Điệp cho biết: “Kho thuốc BVTV rất xuống cấp nên nhất là vào mùa nắng, mùi hôi bốc ra làm cho các hộ dân không dám mở cửa. Ngoài ra, do nguồn nước bị ô nhiễm nặng nên hiện nay nhà tôi và nhiều hộ xung quanh chỉ sử dụng giếng nước để giặt giũ, còn nước uống phải đi xin nơi khác”.
Gia đình anh Điệp là một trong số gần 50 hộ dân ở Ngọc Phong sống cách kho thuốc trong vòng bán kính 100 m hàng ngày phải hít thở mùi hôi từ kho thuốc. Ngoài ra, người dân rất lo lắng và hoang mang khi phải sử dụng nguồn nước giếng bị ô nhiễm tại khu vực này.
Được biết, cuối năm 2008, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên đã trình kế hoạch xử lý tiêu hủy các kho thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí dự toán hơn 780 triệu đồng. Trong đó, riêng kho thuốc của HTX Nông nghiệp Hoà Kiến 3 do đã nhiễm vào đất nên cần phải xử lý bằng giải pháp xúc bỏ toàn bộ phần cát nhiễm hóa chất với khối lượng 22,5 tấn. Tuy nhiên, kế hoạch trên đến nay vẫn chưa thực hiện.
Tình trạng trên không phải là hiếm gặp tại các điểm có thuốc BVTV tồn lưu hiện nay. Theo kết quả thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 6/2015, trên địa bàn toàn quốc có trên 1.560 điểm tồn lưu do hóa chất BVTV trên địa bàn 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, có khoảng 200 điểm trong số này có mức độ rủi ro cao, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Đặc biệt, theo Danh mục 100 khu vực ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 – 2015, Nghệ An và Hà Tĩnh chiếm trên 50% số điểm ô nhiễm nghiêm trọng. Đáng lo ngại là 90% các điểm ô nhiễm do tồn lưu thuốc BVTV tại Nghệ An và Hà Tĩnh đều có dân cư sinh sống.
Nhiều khó khăn trong xử lý
Theo đánh giá của các chuyên gia, hóa chất BVTV đứng đầu trong danh sách các loại hóa chất độc hại nguy hiểm. Trong khi đó, các kho chứa hóa chất BVTV tồn lưu hầu hết được xây dựng từ hàng chục năm trước, không được quan tâm tu sửa nên đều đã và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều kho bị dột nát, rạn nứt, hệ thống thoát nước không có nên khi mưa lớn thì sẽ phát tán thuốc BVTV ra môi trường. Đáng lo ngại, những hóa chất độc hại có thể theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt, hoặc tiềm ẩn trong không khí, thức ăn, nước uống, là một trong những tác nhân gây ung thư điển hình.
Mặc dù có những tác động tiêu cực như vậy nhưng vấn đề xử lý thuốc BVTV tồn lưu vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, công nghệ cũng như nhận thức của người dân và cơ quan quản lý. Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 -2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương mới xử lý được 60 điểm tồn lưu hóa chất BVTV bị ô nhiễm nghiêm trọng, với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đạt gần 250 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã triển khai xử lý thí điểm tiêu hủy hơn 900 tấn hóa chất chứa chất BVTV tồn lưu, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật quản lý các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất này. Nhưng với số lượng các điểm tồn lưu hóa chất BVTV đã phát hiện thì việc xử lý vẫn còn quá khiêm tốn.
Đại diện Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường cũng cho biết thêm, dù kinh phí cho công tác xử lý đã tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Trong quá trình triển khai Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên cả nước, kinh phí cho công tác xử lý, khắc phục ô nhiễm chưa đạt so với yêu cầu. Theo cơ chế tài chính quy định trong Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg, đối với các dự án xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu, Trung ương hỗ trợ 50% kinh phí xử lý, còn lại 50% là kinh phí của địa phương. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương có tồn lưu hóa chất BVTV là các tỉnh khó khăn, không cân đối được ngân sách. Hiện nay chưa có công nghệ hữu hiệu để xử lý đất ô nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu và nhận thức của người dân về tác hại của hóa chất BVTV còn chưa được đầy đủ…
Để xử lý vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các ban, ngành, các địa phương xây dựng và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường. Bộ cũng đang phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) xây dựng dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất BVTV dạng chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy tồn lưu tại Việt Nam” để tiếp tục điều tra, bổ sung các khu vực ô nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu; tiếp tục nghiên cứu công nghệ xử lý, khắc phục ô nhiễm tại các điểm này.