Home Chuyện Môi trường Vụ kiểm lâm bất lực nhìn lâm tặc xẻ gỗ tại Gia...

Vụ kiểm lâm bất lực nhìn lâm tặc xẻ gỗ tại Gia Lai – Kỳ 1

Kỳ 1: Sở “đùa” với tỉnh

ThienNhien.Net – Báo Lao Động các số 286, 289 phản ánh tình trạng lâm tặc tàn phá rừng tại lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai (Krông Pa). Tuy nhiên, thay vì báo cáo UBND tỉnh Gia Lai trung thực, Sở NNPTNT lại né tránh trách nhiệm khi cho rằng: “Việc phá rừng nhỏ, lẻ và không nghiêm trọng”. PV Lao Động vào rừng lần 2, ghi nhận, lâm tặc công khai dựng lán trại, xẻ gỗ như “đại công trường”.

Kiểm tra kiểu… tiếp tay

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Gia Lai sau bài viết: “Kiểm lâm bất lực nhìn lâm tặc xẻ gỗ”, Sở NNPTNT đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm, UBND huyện Krông Pa, Đội KLCĐ&PCCCR số 3, Hạt Kiểm lâm và Ban QLRPH Ia Rsai kiểm tra việc phá rừng mà báo Lao Động phản ánh. Báo cáo số 290/BC-SNN của Sở NNPTNT Gia Lai nêu kết quả: Đã có 98 cây với tổng khối lượng 14,764m3 gỗ bị thiệt hại, khối lượng gỗ còn lại hiện trường chỉ là 1,954m3. Việc khai thác rừng trái phép được khẳng định xuất hiện từ đầu năm 2015. Trong quá trình kiểm tra, đoàn còn phát một diện tích rừng 8.800m2 tại lô 3, khoảnh 6, tiểu khu 1325 bị phá vào tháng 11.2015. Vụ việc được giao Hạt KL Krông Pa lập hồ sơ, tiếp tục điều tra, xử lý.

Quá trình xâm nhập, PV phát hiện việc phá rừng công khai, lộ liễu bởi đã được tiếp tay. Tuy nhiên, thay vì đưa toàn bộ các điểm phá rừng, PV chỉ đưa sự việc xảy ra ở hai tiểu khu 1307 (xã Ia Rsai) và 1325 (xã Chư Rcăm). Còn tiểu khu 1321 – nơi lâm tặc dựng lán trại xẻ gỗ, thì PV “ém lại”. Bởi T – người dẫn đường cảnh báo “cấp trên” đã bao che, tang vật sẽ bị tẩu tán trước khi đoàn liên ngành xuất hiện. Đây chính là cơ sở để kiểm chứng Sở NNPTNT Gia Lai có bảo kê, bao che hay không (!). Đúng như dự đoán, tiểu khu 1321 đã được đoàn liên ngành sở NNPTNT “lờ” đi một cách khó hiểu. Tại đây, rừng bị tàn phá dữ dội. Gỗ hộp được xẻ vuông vức nằm rải đều dưới suối, thân gỗ ứa nhựa, bột cưa mới tinh. Cành, bìa, ngọn tách khỏi thân cây nằm la liệt, cũ mới trộn lẫn. Trên bộ, lâm tặc ung dung vác cưa lốc tìm cây to, gỗ tốt để đốn hạ, tiếng cưa vang cả khu vực.

Gỗ xẻ hộp chưa kịp tẩu tán (Ảnh: Đ.V)
Gỗ xẻ hộp chưa kịp tẩu tán (Ảnh: Đ.V)

Báo cáo đối phó UBND tỉnh

Dù rằng, báo cáo 290/BC-SNN ngày 24.12.2015 của Sở NNPTNT Gia Lai thừa nhận, việc phá rừng tại lâm phần Ban QLRPH Ia Rsai là có. Nhưng bao biện khi kết luận mức độ tàn phá là: “Nhỏ, lẻ và không nghiêm trọng”.

Báo cáo đổ lỗi: “Đối tượng phá rừng là người đồng bào dân tộc thiểu số, khai thác gỗ về làm nhà, trụ hàng rào, mồ mả không nhằm mục đích mua bán; “Gỗ không có giá trị kinh tế cao, không có gỗ đường kính 1m”; “Gỗ bị khai thác là gỗ tạp, không có gỗ quý”. Báo cáo còn lộ liễu khi tự khẳng định: “Không có dấu vết vận chuyển lâm sản bằng xe độ chế, máy cày”. Trong khi hình ảnh, clip xe độ chế vận chuyển gỗ lậu đều được PV Lao Động ghi lại cận cảnh. Để tuồn gỗ ra khỏi rừng, buộc phải dùng xe độ chế, điều này ai cũng hiểu, riêng Sở NNPTNT Gia Lai là không.

PV đặt câu hỏi nghi vấn “có sự mua chuộc”? “(?)” khi diễn tả: Bên ngoài, lâm tặc chạy xe gỗ ào ào mặc hai trụ sở UBND xã Ia Rsai và BQLRPH Ia Rsai đối diện hai bên. Thay vì điều tra, làm rõ thì Sở NNPTNT Gia Lai lại cho các đơn vị này tự nhận định: “Lãnh đạo hai xã tự khẳng định không có chuyện tiếp tay, không bị mua chuộc”.

Nhận báo cáo từ tỉnh Gia Lai, nắm rõ Sở NNPTNT Gia Lai “bỏ sót” tiểu khu 1321 thuộc lâm phần BQLRPH Ia Rsai. PV Lao Động đã quay vào rừng lần 2, chứng kiến cảnh phá rừng quy mô. Lán trại dựng lên, “đại công trường” xẻ gỗ tự hình thành, lâm tặc ung dung phá nát rừng như chốn không người. Từ đây, lộ ra nhiều điều bất minh khi huyện Krông Pa quyết liệt xử lý, còn Sở NNPTNT Gia Lai lại làm ngơ cho lâm tặc.

G-29DEB5NF3T