Thủy điện Mê Công không mang lại lợi ích kinh tế

ThienNhien.Net – Những lợi ích kinh tế từ chuỗi đập dòng chính trên sông Mê Công không thể bù đắp nổi những thiệt hại về kinh tế – Một báo cáo mới được công bố của 3 tác giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo quản lý Môi trường và Tài Nguyên Thiên Nhiên thuộc Đại học Mae Fah Luang (Thái Lan) đã khẳng định.

Được hiệu chỉnh và chắt lọc lại từ báo cáo Phương hướng hoạch định việc phát triển nguồn tài nguyên nước nước ở hạ lưu sông Mê Công do Đại học bang Portland và Đại học Mae Fah Luang, Chiang Rai (Robert Costanza, 2011) thực hiện, Báo cáo nghiên cứu Tác động của việc phát triển thuỷ điện đến kinh tế, môi trường và xã hội ở hạ lưu sông Mê Kông tập trung vào việc xem xét phát triển thủy điện trên sông Mê Công theo hai kịch bản: kịch bản phát triển 6 đập và kịch bản 11 đập trên dòng chính (cùng với 30 đập dòng nhánh dự kiến ở cả hai kịch bản).

Kết luận của Báo cáo có khác biệt lớn so với các nghiên cứu kinh tế khác về các dự án thủy điện đang được đề xuất trên dòng Mê Công và đi ngược lại một số giả định và kết luận của Kế hoạch Phát triển lưu vực Pha 2 (BDP2) do Ủy hội sông Mê Công công bố năm 2011.

Sông Mê Công (Ảnh bìa báo cáo)
Sông Mê Công (Ảnh bìa báo cáo)

Đập thủy điện không khả thi về kinh tế

Tiếp nối kết luận của Báo cáo Costanza, Báo cáo này đã tái khẳng định rằng, bằng việc thay đổi một số giả định chính trong BDP2 (mức giảm giá thấp đối với nguồn lợi tự nhiên, giá cá khoảng 3$/kg) thì các kết luận trong BDP2 sẽ hoàn toàn thay đổi; tính khả thi kinh tế của các dự án đập thủy điện dự kiến sẽ chuyển từ dương trong BDP2 thành âm.

Tác động kinh tế từ việc sụt giảm thủy sản đánh bắt theo dự báo (dựa trên loài cá di cư) là lớn hơn nhiều so với lợi nhuận từ thủy điện. Theo Báo cáo, giá trị hiện tại thuần (NPV)* của thuỷ sản đánh bắt trong BDP2 là dưới mức thực tế (lượng mất đi theo tấn/năm và giá cá quá thấp) và giá trị NPV lợi nhuận từ thủy điện trong BDP2 lại quá cao so với thực tế (vốn đầu tư quá thấp, lợi nhuận từ bán điện của nước chủ nhà quá cao).

Trong khi đó, các tác động kinh tế từ các vấn đề văn hóa/xã hội do phát triển thủy điện lại không được tính tới trong BDP2 nhưng có thể cần tới các chi phí giảm thiểu tác động lên đến 5-12% vốn đầu tư và có thể ảnh hưởng ngược lại tính khả thi của dự án.

Với việc giả định chia 30% lợi nhuận từ thủy điện cho nước chủ nhà và 70% cho quốc gia tài trợ dự án và nhập khẩu điện, thì Thái Lan và Lào là những nước hưởng lợi từ các dự án thủy điện dự kiến trong khi Campuchia và Việt Nam sẽ chịu tổn thất. Điều này cũng cho thấy rõ ràng là các nhà phát triển dự án và nhập khẩu điện sẽ có lợi nhưng cộng động đánh bắt thuỷ sản sẽ là người chịu tổn thất.

Trong khi đó, theo Báo cáo, kể cả khi các dự án thuỷ điện trên dòng chính không được triển khai, rủi ro về an ninh điện năng hạ lưu vực cũng ở mức tối thiểu và có thể đáp ứng được nhờ các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, gió, sinh khối và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.

Bù đắp cho Lào để không phát triển thủy điện

Theo Báo cáo thì Lào sẽ có NPV dương ở cả 2 kịch bản, do vậy các tác giả đề xuất rằng Thái Lan, Campuchia và Việt Nam mỗi nước nên chi trả cho Lào mỗi năm khoảng 100 triệu USD trong 30 năm tới thông qua hình thức “chi trả dịch vụ sinh thái” để bồi thường cho việc Lào không tiếp tục phát triển thuỷ điện trên dòng chính. Số chi trả này xét cho cùng theo các tác giả có thể vẫn ít hơn lượng thuỷ sản đánh bắt mất đi ở Campuchia và Việt Nam. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ tất cả hoạt động nghiên cứu cần thiết để phát triển các giải pháp giảm thiểu khả thi và chấp nhận được trong suốt khoảng thời gian này.

Ngoài ra, các tác giả cũng kiến nghị cần đánh giá độ rủi ro toàn diện và yêu cầu các nhà phát triển đập công bố trái khoán bảo hiểm phục hồi đủ lớn để chi trả các thiệt hại trong trường hợp xấu.

Cuối cùng, Báo cáo khuyến nghị tất cả các dự án phát triển thủy điện phải tính đến chi phí và lợi ích của các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường, xã hội. Theo đó, chi phí mua bán điện sẽ phản ánh chi phí thực của phát triển thủy điện.

Kết luận của Báo cáo đã củng cố các kết quả của báo cáo Costanza và các khuyến nghị từ báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược (MRC, 2010) về việc hoãn các dự án đập thủy điện trên dòng chính để tiếp tục thực hiện các nghiên cứu chi tiết về tác động xã hội và độ rủi ro của dự án.

* Giá trị hiện tại thuần (NPV) của một dự án là tổng tất cả các dòng tiền mặt chiết khấu của dự án trong tương lai (chi phí đầu tư, doanh thu, chi phí, khoản vay) trong suốt thời kỳ đánh giá dự án. Dòng tiền mặt tương lai được quy đổi theo thời điểm hiện tại bằng các hiệu số chiết khấu liên quan đến đến tỉ lệ lãi suất. Tỉ lệ chiết khấu 10% thường được dùng cho việc đánh giá dự án. Nếu NPV(10) của dự án là dương, dự án được xem là khả thi; nếu NPV(10) của dự án là âm, dự án được xem là không khả thi. (Theo Báo cáo).

Bạch Dương

Nguồn: