ThienNhien.Net – Ngoài phát hiện gà tiền mặt vàng, mèo rừng, sóc bay…, Ban quản lý còn phát hiện loài Mang lớn quý hiếm phân hạng nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam.
Ngày 6/1, thông tin từ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (Thanh Hóa) cho biết, qua quá trình điều tra, giám sát một số loài động thực vật quý hiếm đã phát hiện loài Mang lớn (Muntiacus vuquangensis), có trong sách đỏ Việt Nam, phân hạng nguy cấp và danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm.
Theo đó, trong năm 2015, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu đã phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES) – Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện chương trình “Điều tra, giám sát một số loài động thực quý hiếm” tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Thanh Hóa.
Trong quá trình điều tra, giám sát đã phát hiện các loại động vật quý hiếm như: Gà tiền mặt vàng, mèo rừng, sóc bay… Đặc biệt, Ban quản lý còn phát hiện loài Mang lớn (Muntiacus vuquangensis), đã được các nhà khoa học công bố từ năm 1994 tại Vũ Quang – Hà Tĩnh.
Đây là loài Mang có trong Sách đỏ Việt Nam (2000), phân hạng nguy cấp (EN) và danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (thuộc nhóm 1b, Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ).
Việc phát hiện được 2 cá thể Mang lớn (một đực, một cái), tại cùng một địa điểm, trong gần một khoảng thời gian (cách nhau 10 phút), đã chứng minh cho phát triển của loài Mang và có thể khẳng định có sự tồn tại của các quần thể Mang lớn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu.
Đây là một trong những phát hiện quan trọng trong hoạt bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn giá trị đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Thanh Hóa.