Gia tăng thương mại sẽ ảnh hưởng lớn tới môi trường

ThienNhien.Net – Bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế là hai yếu tố cốt lõi của phát triển bền vững, song không phải lúc nào hai mục tiêu này cũng song hành thuận lợi mà trong nhiều trường hợp lợi ích kinh tế được đặt lên hàng ưu tiên hơn so với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Hệ quả là môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm; đa dạng sinh học ngày càng nghèo nàn.

Để đảm bảo cán cân phát triển bền vững, duy trì an ninh môi trường sinh thái, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế cần đặc biệt lưu ý đến nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Đây cũng là xu hướng phát triển chung của các quốc gia trên thế giới bởi trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, tác động từ hội nhập kinh tế, tự do thương mại sẽ ảnh hưởng rất lớn tới lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Cần phải hiểu rõ tính hai mặt của những tác động này để có bước đi  phù hợp với sự phát triển của thế giới.

Trước tiên đó là những tác động tích cực. Việc gia tăng hội nhập sẽ thúc đẩy các điều kiện tốt hơn cho hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường thông qua quá trình đàm phán song phương và/hoặc đa phương. Các cam kết hợp tác này sẽ tác động tích cực tới nhu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về môi trường của mỗi quốc gia. Tiếp đến, hoạt động thương mại sẽ mở ra cơ hội cho việc sản xuất và ứng dụng các công nghệ ít gây tổn hại tới môi trường với nhiều sản phẩm xanh và sạch. Các sản phẩm thân thiện với môi trường hiện đang có xu hướng mở rộng và trong tương lai chắc chắn sẽ lấn át các sản phẩm không tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng về cả thị trường và giá cả. Tác động kép của xu thế này sẽ đưa đến cơ hội cải thiện đáng kể hình ảnh cũng như tình trạng quản lý chung của doanh nghiệp hiện nay, đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa: PanNature
Ảnh minh họa: PanNature

Bên cạnh những mặt lợi nêu trên, các quốc gia ký kết các hiệp định thương mại tự do, trong đó Việt Nam cũng cần nhận thức rõ những tác động bất lợi về mặt môi trường từ hoạt động hội nhập. Tác động rõ nhất có thể nhận thấy là tự do thương mại khuyến khích các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển khai thác ngày càng nhiều các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, phát triển trong các lĩnh vực kinh tế. Hệ quả là nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả tài nguyên đa dạng sinh học ngày càng suy thoái, cạn kiệt hơn. Theo đánh giá của WWF, hiện con người trên hành tinh đang tiêu dùng hơn 20% nguồn tài nguyên thiên nhiên mà trái đất không có khả năng sản sinh.

Không chỉ đáng lo ngại về nguồn tài nguyên quý giá sẽ bị mai một, hoạt động thương mại còn thúc đẩy cơ chế luân chuyển hàng hóa và dịch vụ từ địa điểm này sang địa điểm khác. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ được hưởng thụ nhiều sản phẩm mà quốc gia mình chưa có hoặc chưa sản xuất được. Tuy nhiên, nếu các hàng hóa xuất khẩu được sản xuất ồ ạt theo cách thức phá hủy môi trường nhiều hơn các loại hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng trong nước thì sẽ gây ra hậu quả xấu cho môi trường. Đơn cử như một phần lớn số lượng bông gieo trồng trên thế giới được dùng vào mục đích xuất khẩu và sử dụng tới hơn 25% tổng số lượng thuốc trừ sâu.

Song song với đó, hoạt động tự do thương mại cũng sẽ làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm không khí do cháy rừng, phát thải; ô nhiễm do nhập khẩu công nghệ lạc hậu, hàng hóa không đảm bảo hay việc du nhập các loài động thực vật ngoại lai, chất thải độc hại cùng nạn buôn bán trái phép các loại động, thực vật hoang dã quý hiếm…

Đặc biệt, quá trình phát triển kinh tế còn làm phát sinh nhiều nguồn phát thải khí nhà kính – yếu tố then chốt gây biến đổi khí hậu trên toàn cầu, trong đó Việt Nam được xem là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Thời gian gần đây, tần suất xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai… trên khắp châu lục ngày càng nhiều, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của mỗi quốc gia. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam và các quốc gia trên thế giới cần đặc biệt lưu tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu trong những thập kỷ tới.

Riêng với Việt Nam, ngoài việc thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, cần đặc biệt cần chú trọng quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có; tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cần thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia nhằm giải quyết vấn đề môi trường xuyên biên giới, đồng thời nỗ lực thu hút nguồn tài chính từ quốc tế cho mục tiêu khắc phục và cải thiện môi trường.

PGS.TS. Nguyễn Đức Khiển, nguyên Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ – Môi trường Hà Nội

Nguồn: