ThienNhien.Net – Biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện xa vời nữa, khi hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng khắc nghiệt. Cảnh báo 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng bị ngập vào cuối thế kỷ này có nguy cơ trở thành hiện thực.
Những tín hiệu tích cực
Một trong 10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2015 vừa được TTXVN bình chọn, đó là thỏa thuận lịch sử về đối phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, ngày 12/12/2015 vừa qua, 195 nước dự Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đối khí hậu (COP21) tại Pháp đã thông qua thỏa thuận nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu, được đánh giá là mạnh mẽ và thể hiện sự hợp tác quốc tế rộng rãi nhất từ trước tới nay.
Thỏa thuận đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2oC vào năm 2100 so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp. Các nước phát triển cam kết chi tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thực tế, biến đổi khí hậu đang là vấn đề được nhiều người quan tâm trên toàn cầu. Trong đó, tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng, thể hiện qua nhiệt độ không khí trung bình tăng cao, đến năm 2100 đạt 3oC; tần suất các cơn bão ngày càng tăng và có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam; lũ lụt xảy ra khốc liệt hơn; hạn hán cũng gay gắt hơn; nước mặn thâm nhập sâu vào đất liền hàng chục km tại các vùng cửa sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp; mực nước biển dâng cao trung bình 2,5 – 3,0 cm trong 10 năm.
Hơn nữa, theo kịch bản cao của biến đổi khí hậu, tới cuối thế kỷ này trung bình nước biển dâng 78 – 95 cm ở nước ta. Nếu nước biển dâng như vậy thì sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng bị ngập.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học
Ngay từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 158/2008/QĐ – TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai “Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 – 2015”.
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã nỗ lực tăng cường năng lực, thể chế thông qua việc xây dựng và ban hành các chiến lược, chương trình hành động như Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, chiến lược quốc gia về tài nguyên đến năm 2020… và các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) ứng phó với BĐKH, CTMTQG sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như phê chuẩn một số hiệp ước quốc tế và hiệp định liên quan… |
Mục tiêu của chương trình là xác lập cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, thiết kế hệ thống giám sát và cảnh báo sớm về khí hậu và biến đổi khí hậu và các đối tượng dễ bị tác động nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ và năng lực quản lý trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Xác định được cơ sở khoa học cho việc tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào quy trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chương trình phát triển…, chú trọng phân tích và đánh giá chi phí/hiệu quả (kinh tế – xã hội – môi trường), nhằm cung cấp công cụ quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu…
Để thực hiện chương trình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì và phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, các tổ chức nghiên cứu là các viện, trường, trung tâm triển khai thực hiện 48 đề tài cấp quốc gia với tổng kinh phí là gần 220 tỷ đồng. Thông qua việc triển khai thực hiện các đề tài đã huy động được trên 1.000 lượt cán bộ khoa học từ gần 100 tổ chức khoa học công nghệ trong cả nước tham gia nghiên cứu. Công bố được hàng trăm bài báo trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.
Các kết quả nghiên cứu được công bố dưới nhiều hình thức đã góp phần nâng cao trình độ nhận thức xã hội, làm tăng nhu cầu sử dụng kết quả nghiên cứu góp phần hoạch định đường lối chính sách đồng thời phát triển kinh tế – xã hội.
Sau gần 5 năm triển khai, Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã và đang góp phần đánh giá và dự báo các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời đó cũng là cơ sở để đề ra các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu đối với Việt Nam.
5 nội dung của Chương trình KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu
Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đối với một số ngành, lĩnh vực dễ bị tổn thương; Nghiên cứu bản chất khoa học của biến đổi khí hậu, đánh giá thực trạng và mức độ của biến đổi khí hậu ở Việt Nam; Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghiên cứu cơ chế chính sách, định hướng công nghệ để giảm nhẹ biến đổi khí hậu (cụ thể là làm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính), tận dụng các cơ hội để phát triển hướng tới nền kinh tế ít cacbon phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam; Nghiên cứu cơ sở khoa học để tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chương trình phát triển KT – XH, phát triển ngành, địa phương. |