ThienNhien.Net – Để có thể xác định rõ ràng và lên phương án bảo tồn, cần phải có quá trình nghiên cứu hoàn chỉnh.
Như VTC News đã thông tin về sự việc gây chấn động dư luận khi đàn thú quý hiếm “bỗng dưng” xuất hiện và sinh sống trên bãi bồi sông Hồng suốt hai chục năm qua. Theo như cách gọi của lão nông Phạm Văn Sơn (Văn Khê, Văn Quán, Mê Linh, Hà Nội), thì hiện tại đàn báo mèo này ngày càng sinh sôi phát triển, và rất nhiều người dân Văn Khê đã nhìn thấy. Một mặt khác, đàn thú hoang này đang đứng trước nguy cơ bị săn bắt.
Đã có rất nhiều ý kiến suy đoán và khẳng định về việc những con báo mèo này thuộc chủng loại nào, và mức độ quý hiếm của nó đến đâu?
Ngay sau khi 2 kỳ phóng sự đăng tải, chúng tôi đã nhận được liên hệ của anh Trần Quang Phương, kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình, đồng thời cũng đang là người quản lý của Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê Việt Nam.
Chưa thể xác định đó là loài nào
Tại buổi làm việc, anh Phương cho biết, căn cứ vào những hình ảnh chúng tôi được người dân cung cấp. Mặc dù chụp qua điện thoại, hình ảnh không được rõ nét, nhưng phần lớn có thể khẳng định đó là loài mèo rừng. Còn báo mèo như cách gọi của người dân Văn Khê thì đó là vì nó vừa giống con báo lại vừa giống mèo, chứ thực ra cách gọi đó không hề có trong từ điển.
Mèo rừng mỗi năm đẻ 2 đến 3 lứa, mỗi lứa 3 – 5 con. Và nếu như vậy, tính từ năm 1994 khi lần đầu tiên phát hiện ra sự có mặt của chủng loại này giữa thủ đô Hà Nội, số lượng của chúng đã lên đến hàng chục con.
Mèo rừng có ở hầu hết các khu rừng ở Việt Nam, nó là một loài khá phổ biến. Nhưng trước vấn nạn săn bắt như hiện nay, chủng loại này cũng được xếp vào loại quý hiếm, cấm săn bắt và buôn bán.
Anh Phương bảo, mèo rừng có cân nặng tối đa tầm 3 đến 4kg, chỉ to bằng mèo nhà và rất giống mèo nhà, thức ăn chủ yếu của nó là chuột.
Tuy nhiên, theo như rất nhiều người dân Văn Khê đã từng bắt gặp cả đàn và khẳng định, những con báo mèo ở bãi bồi sông Hồng phải to gấp 2, gấp 3 lần mèo nhà, bằng con chó.
Mặt khác, có những con từng bị bắt có cân nặng tầm 8 đến 9 kg, thậm chí là cả chục cân. Đó là chưa kể không ai có thể bắt được hai con báo mèo bố mẹ, khả năng có thể còn to hơn nhiều. Người quản lý của Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê Việt Nam khẳng định, bản thân anh cũng như các nhà khoa học chưa bao giờ nghe nói đến con mèo rừng nào nặng 8kg.
Một già thiết khác cho rằng những con báo mèo này thuộc chủng loại mèo cá. Mèo cá khi lớn nặng trung bình tầm 12- 15 cân. Nó lại là loài sống gần sông nước. Giống loài này có màu lông nhạt nhạt, bạc bạc, và đúng như lời mô tả của những người dân Văn Khê đã từng bắt gặp: “Mới nhìn thoáng qua thì nó giống con mèo, nhưng nhìn kỹ thì lại thấy cái mặt có vẻ giống con báo hơn, cho nên chúng tôi gọi nó là con báo mèo”.
Sẽ quá ngạc nhiên nếu những con báo mèo ở bãi bồi sông Hồng thuộc giống mèo cá. Bởi loài mèo này thuộc loại hiếm đến nguy cấp. Tuy chưa đến nỗi tuyệt chủng nhưng hiện tại ở Việt Nam, chỉ còn một số ít tập trung ở khu vực rừng U Minh, rừng ngập nước, U Minh Thượng, U Minh Hạ ở miền nam, chứ miền bắc chưa thấy ghi nhận sự xuất hiện của loài mèo cá. Nếu đúng sự thật, đó là một phát hiện gây chấn động, hướng bảo tồn sẽ tập trung vào khu vực Văn Khê.
Ở tấm ảnh trên internet mà lão nông Phạm Văn Sơn đã xác nhận là nhìn thấy xuất hiện ở Văn Khê, anh Phương khẳng định đó là loài báo hoa mai, nhưng chủng loại này khác hẳn với miêu tả của những nhân chứng đã từng bắt gặp ở bãi bồi. Chúng dài từ 1 đến gần 2 mét, cân nặng từ 30 đến 90 kg, là một kẻ săn mồi nguy hiểm đáng sợ.
Cần nghiên cứu và lên phương án bảo tồn
– Ông đã có những nhận định ban đầu như thế nào về quần thể thú hoang dã mới phát hiện ở bãi bồi Văn Khê?
Ông Trần Quang Phương: Trước tiên, chúng ta phải biết đó là loài thú gì. Qua miêu tả thì đã có khả nhiều giả thuyết được đưa ra, và chỉ còn cách điều tra cụ thể, phỏng vấn người dân, đặt bẫy ảnh, xác định chính xác vị trí của những con thú đó. Nếu là mèo cá thì cần phải có một phương án bảo vệ cao hơn. Các nhóm chuyên gia bảo tồn loài mèo, họ rất quan tâm đến chủng loại mèo cá trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, nơi có sự phân bổ của loài này.
– Chúng ta cần phải làm gì với quần thể thú hoang mới được phát hiện ở Hà Nội?
Đối với vấn đề bảo tồn thì hiện tại, việc di chuyển quần thể đó vào trong những khu rừng tự nhiên rất khó. Nếu như tổ chức đặt bẫy rồi đưa nó vào rừng thì cũng không phải đơn giản mà chưa chắc lại tốt cho việc bảo tồn.
Đề xuất tốt nhất cho những con “báo mèo” này là chúng ta cần tăng cường công tác bảo vệ, tuyên truyền cho người dân ở đó để họ không đi săn bắt và có lực lượng kiểm sát, tuần tra. Nhiệm vụ bảo vệ quần thể đó thuộc về ngành kiểm lâm Hà Nội.
Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê Việt Nam sẽ lên phương án bảo tồn loài vật đó. Vài ngày nữa chúng tôi sẽ có một nhóm chuyên gia lên Văn Khê để thực địa điều tra.
– Khi những thông tin về loài vật này được công bố, có khi nào người dân hiểu rằng nó quý hiếm và sẽ săn bắt, liệu đó có phải là tiêu cực không? Và chúng ta cần làm gì để việc tuyên truyền được tốt hơn?
Thực ra, chúng ta phải hiểu, nó chỉ quý hiếm về giá trị bảo tồn chứ không hẳn là quý hiếm về giá trị kinh tế. Một mặt khác, việc săn bắt, buôn bán các loài mèo ở Việt Nam đều là hành vi phạm pháp, và có thể bị xử lý hình sự.
Nếu đó là mèo cá, về cơ bản, mức độ bảo tồn loài này trên các khu vực Đông Nam Á được xếp vào loại hiếm, đến nguy cấp. Chỉ còn 2 cấp nữa là đến tuyệt chủng. Chúng ta cần tăng cường phổ biến, giáo dục ý thức bảo tồn cho người dân Văn Khê về giá trị của quần thể thú hoang dã này. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuần tra và khoanh vùng bảo vệ.
Trường hợp có phát hiện ra một cá thể nào đó đang bị nuôi nhốt, chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng kiểm lâm và công an, trước tiên là vận động họ giao nộp, hoặc cao hơn sẽ tịch thu chứ không mua. Bởi nếu mua và thả nó về môi trường tự nhiên, có lúc nào đó lại có tác dụng ngược như việc họ sẽ tăng cường săn bắt và bán lại, đó là điều chúng tôi cực lực phản đối.
Xin cảm ơn ông!