ThienNhien.Net – Vẫn chưa có lời giải thích cho các hiện tượng thời tiết cực đoan tại Mỹ mấy ngày qua trong khi El Nino được cho là đứng sau cảnh lũ lụt ở Nam Mỹ.
Mỹ, Anh và một số quốc gia Nam Mỹ đang hứng chịu nhiều thiên tai tồi tệ khiến hàng chục người chết và bị thương, nhiều tài sản và nhà cửa bị phá hủy, hàng ngàn người phải sơ tán.
Hàng chục người chết, thiệt hại nặng nề
Bão tuyết, mưa lớn và gió mạnh ập vào miền Nam, Tây Nam và Trung Tây nước Mỹ hôm 27-12 ngay sau khi hàng loạt cơn lốc xoáy vừa quét qua, gây thiệt hại nặng nề. Tổng cộng đã có 43 người chết trong 5 ngày qua vì thiên tai trên khắp nước Mỹ.
Khu vực thiệt hại nặng nhất vì lốc xoáy là bang Texas, với ít nhất 11 người chết và khoảng 1.450 ngôi nhà bị phá hủy. Thống đốc Texas Greg Abbott đã ban bố tình trạng thảm họa ở TP Dallas. Các bang Arkansas, Louisiana, Oklahoma và Mississippi bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy nhưng chỉ bị đặt trong tình trạng báo động.
Thống đốc các bang Missouri, Oklahoma và New Mexico cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Theo dữ liệu thời tiết Mỹ, lốc xoáy thường xảy ra vào mùa xuân và mùa hè ở các bang miền Trung nhưng ít gặp hơn vào mùa đông.
Lốc xoáy vừa tan, phần lớn miền Trung nước Mỹ nhận thêm cảnh báo tuyết lớn, từ bang New Mexico, Texas đến Oklahoma, trong khi cảnh báo lũ quét được đưa ra từ bang Texas tới Indiana.
Cá biệt, TP Roswell ở bang New Mexico ghi nhận lượng tuyết phủ dày hơn 30 cm tối 27-12 (giờ địa phương). Gần 1.500 chuyến bay trên toàn nước Mỹ bị hủy hôm 27-12, bao gồm một nửa số chuyến ở TP Dallas. Khoảng 2.550 hành khách mắc kẹt tại các sân bay ở Dallas. Thời tiết bất lợi khiến số vụ tai nạn đường bộ tăng vọt do đường bị ngập nước. Dự kiến ngày 28-12 (giờ địa phương), bão tan dần nhưng băng tuyết vẫn còn.
Theo đài BBC, vẫn chưa có lời giải thích cho các hiện tượng thời tiết cực đoan tại Mỹ mấy ngày qua. Tuy nhiên, các nhà khí tượng học cho rằng nhiệt độ cao bất thường ở một số khu vực đang khiến các cơn bão trở nên đáng sợ hơn.
Sơ tán hàng trăm ngàn người
Ở miền Bắc nước Anh, bão Eva đổ bộ vào dịp Giáng sinh đã gây ra trận lụt lịch sử, buộc Thủ tướng David Cameron điều thêm 200 binh sĩ tới hỗ trợ người bị nạn cùng 300 nhân viên quân sự đang đóng tại vùng lũ. Hơn 1.000 binh sĩ được lệnh sẵn sàng trợ giúp.
Khoảng 200 cảnh báo và báo động lũ được đưa ra tại nhiều khu vực ở Anh, Xứ Wales và Scotland, trong đó có 24 cảnh báo đặc biệt nghiêm trọng. Hàng ngàn người dân ở hai hạt Yorkshire và Lancashire được sơ tán. Các TP York, Leeds và Manchester cũng bị ảnh hưởng khiến hơn 6.000 ngôi nhà mất điện.
Dù chưa có thông tin về thương vong nhưng theo báo Daily Mail, các chuyên gia tài chính bước đầu ước tính tổn thất do trận lũ mới nhất gây ra có thể lên tới 1,9 tỉ USD. Mới 3 tuần trước, lũ lụt cũng tràn vào hạt Cumbria, miền Bắc nước Anh, do ảnh hưởng nặng nề của bão Desmond.
Cũng chịu đựng lũ lụt như Anh là các quốc gia Nam Mỹ như Paraguay, Argentina, Brazil và Uruguay. Ước tính hơn 100.000 người ở Paraguay phải đi tìm chỗ trú ẩn – bao gồm 90.000 người ở thủ đô Asuncion, nơi mực nước sông Paraguay lên mức 7,82 m, cao nhất từ năm 1992. Tình trạng khẩn cấp được ban bố tại Asuncion và 7 khu vực khác trên cả nước. Bước đầu, Paraguay xác nhận 2 trường hợp tử vong do điện giật và nhiều người thiệt mạng do cây đổ đè trúng.
Tại miền Bắc Argentina, khoảng 20.000 người phải sơ tán sau trận lũ tồi tệ nhất 50 năm trở lại đây. Mưa tại khu vực này đang giảm dần và nước sông đã ngừng tăng. Ở Uruguay, Giám đốc Văn phòng Khẩn cấp Quốc gia Fernando Traversa cho biết khoảng 11.300 người dân đã được di tản trong khi tại miền Nam Brazil, 1.801 gia đình phải sống trong cảnh không nhà cửa.
Hiện tượng El Nino làm tăng đáng kể lượng mưa mùa hè, đẩy nước sông trong khu vực dâng cao. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hiệp Quốc hồi tháng trước đã cảnh báo El Nino năm 2015 là tồi tệ nhất trong hơn 15 năm qua.