ThienNhien.Net – Tỉnh Đồng Nai sau khi ra văn bản lên tiếng phản đối dự án làm đường xuyên qua vùng lõi Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên vừa cử đoàn cán bộ làm việc trực tiếp với VQG Cát Tiên và đi khảo sát toàn bộ khu vực dự kiến triển khai dự án, nhằm đánh giá toàn bộ trạng thái rừng và đất lâm nghiệp mà dự án đi qua, làm cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai quyết định ủng hộ hay không ủng hộ dự án.
Xuyên rừng khảo sát thực trạng rừng
Động thái này diễn ra sau khi UBND tỉnh Đồng Nai nhận được phản hồi của Bộ NNPTNT, cho rằng dự án chủ yếu chỉ phải chặt bỏ các trảng cỏ, cây bụi thứ sinh và rất ít cây rừng. Dự án có tên “Cải tạo, xây dựng đường giao thông trong vùng lõi VQG Cát Tiên”, được Bộ TNMT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), sẽ phá bỏ gần 11ha rừng và đất rừng nằm trong khu vực vùng lõi VQG.
Tại cuộc họp, đại diện sở ngành tỉnh Đồng Nai chọn bất kỳ một khu vực được xác định là có rừng giàu và một khu vực chỉ có trảng cỏ để xác minh thực địa so với bản mô tả, sau đó chia ra làm 2 đoàn tiến hành khảo sát toàn bộ chiều dài dự án hơn 18km đường rừng. Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, đoạn từ điểm đầu dự án là trạm kiểm lâm Đà Cộ tới khoảng 1km phía trước hầu như là các trảng cỏ, cây nhỏ và đi qua khu vực rừng đang phục hồi. Sau đó, đoàn rẽ sang đi khảo sát bằng đường sông. Từ đây có thể thấy phần rừng nằm ven sông Đồng Nai phần nhiều gồm các cây tre nứa.
Ông Đặng Hồng Tăng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai – cho biết: Mục đích chuyến khảo sát nhằm đánh giá trạng thái rừng và đất lâm nghiệp mà dự án đi qua làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai quyết định ủng hộ hay không ủng hộ dự án. Ông Lê Quang Bình – Phó Giám đốc Sở GTVT – cho biết: Sở GTVT chưa thống nhất về dự án mà mới chỉ góp ý vào thiết kế dự án, phải nắm chắc quy hoạch rừng của tỉnh. Ông Trần Văn Mùi – Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai – cho biết: “Chúng tôi chưa khẳng định việc ủng hộ hay không ủng hộ dự án cho đến khi đi khảo sát thực tế khu vực dự kiến triển khai dự án”.
Trước đó, theo văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai gửi VQG Cát Tiên, ông Võ Văn Chánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – cho biết: Dự án này có chiều dài hơn 18km, rộng 6m, được thiết kế dọc theo ven sông Đồng Nai từ trạm kiểm lâm Đà Cộ đến trạm kiểm lâm Đắk Lua nằm trên 3 tiểu khu 4, 7 và 19 thuộc địa bàn hành chính xã Đắk Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Đối chiếu kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Đồng Nai, kết quả kiểm kê rừng năm 2011 và quy hoạch phát triển và bảo vệ rừng tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2020 có thể thấy các tiểu khu 4, 7, 19 nêu trên thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được lập các tuyến đường mòn chiều rộng tối đa không quá 1,5m. Như vậy, việc quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững VQG Cát Tiên giai đoạn 2010-2020 là không đồng bộ với quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Đồng Nai. Về mục tiêu dự án cải tạo, xây dựng đường giao thông VQG Cát Tiên là chưa cần thiết và chưa mang tính cấp bách.
Làm đường để bảo vệ rừng tốt hơn?
Ông Nguyễn Văn Diện – Giám đốc VQG Cát Tiên – cho biết: Con đường này được phôi thai từ năm 2010, xuất phát từ mục tiêu bảo vệ rừng. Con đường này chạy dọc theo bờ hữu sông Đồng Nai, không chọc thẳng vào rừng nguyên sinh. Phía trong đường là khu vực giàu tài nguyên, nơi diễn ra tình hình xâm nhập khai thác tài nguyên rừng diễn ra phức tạp.
Trong 5 năm qua xảy ra 320 vụ, với 276 người vi phạm, có 143 vụ không bắt được đương sự, có 6 vụ xử lý hình sự, 22 bị can. Nếu không có đường các trạm không hỗ trợ được cho nhau trong bảo vệ rừng, PCCC rừng. Nếu đi đường sông sẽ không có động cơ nhanh, không bí mật được, hiệu quả sẽ thấp.
“Cứ tưởng tượng có đám cháy ở Đạ Lắc, mà di chuyển quân bằng đường sông phải mất vài giờ đồng hồ còn đường bộ chỉ mất 30 phút, với mùa khô của miền Nam, 1 giờ cháy rừng thiệt hại rất lớn. Đặc biệt, trong mùa mưa lũ rất nguy hiểm cho người tuần tra” – ông Diện nói. Ông Diện còn cho rằng: Con đường đi qua phần lớn các trạng thái đất trống, lồ ô, tre, cây bụi, không hủy hoại rừng và diện tích rất nhỏ (0,24% diện tích phân khu dịch vụ hành chính), do đó không chia cắt giữa rừng tự nhiên và sông Đồng Nai, không ảnh hưởng tới việc sinh hoạt của thú rừng.
Hiện nay, quy chế bảo vệ di sản cũng khác quy chế rừng đặc dụng và chưa thống nhất. Ví dụ tại VQG Cát Tiên, các chuyên gia khuyến cáo đây là di sản và không được tác động như cày xới, cải tạo cảnh quan, bãi cỏ, trồng rừng, nhưng thực tế chúng ta đã làm điều đó, và thấy tốt hơn.
Còn theo Bộ NNPTNT: Dự án chỉ phải phá các trảng cỏ 2,2km, trảng cây bụi thứ sinh 7km, rừng tre nứa có cây gỗ rải rác 3,2km, rừng kín cây lá rộng nửa rộng lá 2,8km, đất trồng cây nông nghiệp 2,1km và rừng trồng 0,65 km. Ngoài việc bảo vệ rừng, việc mở tuyến đường đến trạm Đắk Lua còn là để khai thác giá trị lịch sử văn hóa của Di tích Cát Tiên (là điểm di tích về văn hóa phồn thực). Tổng đầu tư cho dự án này là hơn 63 tỉ đồng.