ThienNhien.Net – Lực lượng kiểm lâm và chính quyền phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đều cho rằng mình vô can đối với các trường hợp xây trái phép trên đất rừng.
UBND TP Đà Nẵng vừa có quyết định giao rừng và đất lâm nghiệp từ Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu cho UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với tổng diện tích gần 1.632 ha. Tuy nhiên, trong quá trình bàn giao, UBND phường Hòa Hiệp Bắc kiên quyết không nhận diện tích khoảng 127 ha thuộc 49 hồ sơ do có nhiều công trình xây trái phép.
Cất nhà trái phép 20 năm
Theo quyết định ngày 14-10-2014 do ông Phùng Tấn Viết – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – ký, trong tổng diện tích đất gần 1.632 ha có 572 ha diện tích rừng, đất rừng sản xuất và 1.059 ha đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng.
Ông Bùi Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, cho biết vào tháng 8-2015, Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu đã bàn giao giấy tờ, hồ sơ đất nhưng phường từ chối tiếp nhận 49 hồ sơ với tổng diện tích 127 ha và đề nghị Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu hoàn thiện hồ sơ.
Theo ông Hải, đây là đất của 49 hộ dân đang làm kinh tế rừng. Các hồ sơ này thiếu nhiều thủ tục như thiếu giấy tờ bàn giao đất, có công trình xây dựng trái phép… nên phường không tiếp nhận. Đáng chú ý, vị trí diện tích đất này nằm ở bìa rừng Nam Hải Vân và chỉ cách Trạm Kiểm lâm Suối Lương (Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu) chừng 300 m.
Tại đây, một khu đất rộng khoảng 15.000 m2 được xây tường rào, cổng ngõ, nhà rường và trồng các loại cây cảnh để tạo cảnh quan cũng như lấy bóng mát. Nhìn bên ngoài, khu đất mang dáng dấp của khu nghỉ mát đã xây dựng nhiều năm. Bên trong khuôn viên xây dựng 2 nhà bê tông lợp ngói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, diện tích đất trên thuộc sở hữu của ông Lê Tiến Dũng (trú quận Liên Chiểu). Ông Hải cho hay đây là công trình xây dựng thuộc diện lấn chiếm và chuyển nhượng trái phép. Ngoài ra, còn có nhiều công trình khác cũng xây trái phép trên diện tích đất mà phường Hòa Hiệp Bắc từ chối tiếp nhận.
Phường và kiểm lâm đều “không nắm rõ”
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Truyền, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, khẳng định công trình của ông Dũng không thuộc diện giao khoán theo nghị định Chính phủ. Do ông vừa đảm nhiệm chức vụ hạt trưởng khoảng 1 năm nay nên chưa nắm rõ vấn đề.
“Diện tích đất này cũng như 127 ha mà UBND phường Hòa Hiệp Bắc từ chối tiếp nhận trước đây thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân (đã giải thể). Công trình của ông Dũng có từ trước, gần 20 năm rồi” – ông Truyền nói.
Theo ông Truyền, ông cũng không thể khẳng định những công trình này xây có phép hay không nhưng chắc chắn việc giải quyết không thuộc thẩm quyền của hạt kiểm lâm.
“Luật Bảo vệ rừng không có văn bản nào cho phép kiểm lâm xử lý tình trạng xây dựng trái phép trên đất rừng. Kiểm lâm không có chế tài xử lý. Kiểm lâm chỉ chịu trách nhiệm với lâm sản trên đất rừng, đấu tranh với lâm tặc, chữa cháy rừng… Đất thuộc quyền quản lý thuộc Luật Đất đai, kiểm lâm không quản lý” – ông Truyền nhấn mạnh.
Ngược lại với ông Truyền, ông Bùi Nguyễn Hồng Hải cho rằng khi các công trình xây dựng trái phép trên đất rừng thì phóng viên phải hỏi Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu để nắm thông tin. Do các công trình này xây trái phép trước khi đất được chuyển giao cho phường quản lý nên phường không nắm rõ.
“Quan điểm địa phương là trách nhiệm của chủ rừng. Phân cấp quản lý như thế nào thì do cấp trên chứ phường không trả lời. UBND tiếp nhận phân cấp quản lý nhà nước còn tồn tại vướng mắc của Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu để lại thì họ phải có trách nhiệm xử lý. Quan điểm của phường là đất rừng phải sử dụng đúng mục đích còn sai như thế nào phải xử lý tùy theo mức độ” – ông Hải nói.
Riêng về diện tích 127 ha của 49 hộ dân, ông Hải khẳng định chỉ tiếp nhận khi hồ sơ đã đầy đủ, trong đó có yếu tố tiên quyết là các công trình trái phép phải xử lý xong.
Ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, cũng cho rằng những công trình trái phép thuộc địa bàn quản lý của phường nhưng hạt kiểm lâm chưa bàn giao nên trách nhiệm là của hạt kiểm lâm. “Trước đây là rừng cấm, rừng đặc dụng do kiểm lâm quản lý nên bây giờ để xảy ra vi phạm thì họ giải quyết” – ông Việt nhấn mạnh.
Sai phạm đã rõ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, cho hay ông cũng vừa nghe thông tin về việc phát hiện công trình trái phép của ông Lê Tiến Dũng. Hiện vụ việc đang được Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu tìm hiểu và xử lý. Ông Lương khẳng định ông Dũng cũng được giao khoán đất để trồng rừng từ rất lâu. Theo ông Lương, đất cấp để sản xuất, trồng rừng mà xây dựng công trình là trái với quy định nhưng chưa rõ ở mức độ nào. Cách đây 7-8 năm, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và cho tháo dỡ 3 công trình trái phép như trên. |