Venezuela: Nhiều loài lưỡng cư bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng

ThienNhien.Net – Các nhà khoa học Venezuela cho biết đang xây dựng tại trung tâm thủ đô Caracas một phòng thí nghiệm nhằm tái tạo điều kiện sống tự nhiên và môi trường sinh sản cho khoảng 20 loài lưỡng cư đang có nguy cơ tuyệt chủng tại quốc gia Nam Mỹ này.

Theo thống kê của Sách Đỏ Venezuela, các loài lưỡng cư là những loài động vật có số lượng sụt giảm nghiệm trọng nhất kể từ năm 1995 tại quốc gian Mỹ này, chủ yếu do sự lây lan của một loài nấm độc và mức độ ô nhiễm môi trường gia tăng.

Venezuela là 1 trong 10 nước có đa dạng lưỡng cư lớn nhất thế giới.

Một loài ếch có màu sắc sặc sỡ sinh sống ở một hồ cạn tại Caracas (Ảnh: Reuters)
Một loài ếch có màu sắc sặc sỡ sinh sống ở một hồ cạn tại Caracas (Ảnh: Reuters)

Bác sỹ thú y Luis Merlo, người chỉ đạo dự án này, cho biết trong giai đoạn đầu, trung tâm bảo tồn lưỡng cư đầu tiên của Venezuela tập trung phân tích và mô phỏng các điều kiện sinh học và cách thức sống tự nhiên của các loài ít bị đe dọa hơn, giúp chúng sản sinh trong môi trường khép kín để trả về các khu vực sinh sống vốn có của chúng ngoài tự nhiên.

Với kết quả ban đầu khả quan, các nhà sinh học sẽ tiến tới thực hiện giai đoạn 2, hay áp dụng các phương pháp trên đối với các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Do có chuỗi hạch chạy trên khắp cơ thể và hô hấp qua da – có mức độ thẩm thấu nước cao – các loài lưỡng cư rất nhạy cảm với các thay đổi trong môi trường sống xung quanh và lây nhiễm các loại bệnh ngoài da.

Chính do đặc điểm này, từ vài năm qua, một loài nấm độc mang tên khoa học Batrachochytrium dentrobatidis đang gây ra dịch bệnh trên quy mô toàn cầu đối với các loài lưỡng cư, đặc biệt là họ atelopus – đặc chủng của vùng núi Venezuela.

Hiện có khoảng 15 loài trong họ này – gồm các giống ếch nhái nhỏ có màu sắc rất sặc sỡ – đã không được nhìn thấy trong vòng 30 năm qua.

Làn sóng tuyệt chủng của các loài lưỡng cư bắt đầu từ Mexico và kéo xuống tận Nam Mỹ, buộc nhiều nước phải bảo tồn chúng trong môi trường khép kín, dù đây là biện pháp ít khi được sử dụng đối với các loài sinh vực rừng núi do quá tốn kém.

Cho tới nay, giới khoa học vẫn chưa xác định được nguồn gốc của loài nấm độc hại này, nhưng có giả thuyết cho rằng có thể loài nấm trên vẫn thường tồn tại trên cơ thể của một số loài ếch nhái, nhưng do biến đổi khí hậu và nhiệt độ trung bình tăng cao làm giảm sức đề kháng và khiến chúng trở nên dễ nhiễm bệnh hơn.

Nguồn: