ThienNhien.Net – Con số 85 tỷ USD phải bỏ ra để giải quyết hậu quả thiên tai trong năm 2015 được Công ty Tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sỹ công bố hôm 18-12 cho thấy thảm họa thiên tai vẫn là vấn đề lớn mang tính toàn cầu.
Theo nghiên cứu chi tiết, năm 2015, riêng bồi thường thiệt hại về thiên tai lên tới 74 tỷ USD, trong đó trận bão mùa Đông hồi tháng 2-2015 ở Mỹ chiếm kỷ lục bồi thường bảo hiểm lên tới 2,7 tỷ USD. Trong khi đó, trận động đất ở Nepal – khiến 9.000 người thiệt mạng, phá hủy 500.000 căn nhà – ước tính thiệt hại kinh tế tới 6 tỷ USD. Tuy nhiên, các hãng bảo hiểm chỉ phải bồi thường số tiền 160 triệu USD.
Năm 2015 còn được xem là nóng kỷ lục khi có 5.000 người thiệt mạng trên thế giới, trong đó, riêng số người tử vong do thời tiết nóng ở Ấn Độ và Pakistan là 3.000 người khi nhiệt độ lên tới 48 độ C. Trong khi đó, tình trạng mưa ít đã gây hạn hán phá hủy mùa màng và cháy rừng nghiêm trọng ở nhiều nơi.
Thực tế cho thấy, thảm họa do thiên tai gây ra đang ngày càng xảy ra thường xuyên hơn. Riêng trong giai đoạn 2005 – 2014, các dữ liệu cho biết, đã xảy ra 335 thảm họa thiên tai, tăng 14% so với thập kỷ trước và gần gấp đôi con số ghi nhận được trong giai đoạn 1985 – 1994. Còn theo báo cáo của Cơ quan Liên hợp quốc về giảm nhẹ rủi ro thảm họa (UNISDR), trong vòng 20 năm qua, thảm họa do thiên tai đã cướp đi sinh mạng của hơn 600 nghìn người và khiến 4,1 tỷ người bị thương, rơi vào cảnh vô gia cư hoặc ở trong tình trạng cần sự hỗ trợ khẩn cấp.
Nếu như con số 85 tỷ USD chủ yếu liên quan đến việc bồi thường do thiên tai mà các hãng bảo hiểm phải bỏ ra, thì con số thiệt hại tổng thể do thảm họa thiên tai như động đất, lũ lụt, hạn hán và lốc xoáy gây ra với nền kinh tế thế giới là từ 250-300 tỷ USD/năm. Để bù đắp những thiệt hại do thiên tai gây ra, các quốc gia cần khoản dự phòng lên tới 314 tỷ USD/năm.
Thảm họa thiên tai đã trở thành vấn đề có tính toàn cầu. Tuy nhiên, do thiếu nhận thức và hạn hẹp về nguồn tài chính nên nhiều nước vẫn lơ là công tác ngăn ngừa thiên tai, dẫn đến hậu quả là người dân, hạ tầng cơ sở và nền kinh tế dễ bị tổn thương trước những thảm họa tự nhiên. Chẳng hạn, hạn hán đang đẩy rất nhiều người vào cảnh nợ nần, nghèo đói cùng cực.
Chính vì thế, để ngăn chặn tác động tiêu cực từ thiên tai, các quốc gia trên thế giới phải thúc đẩy cam kết đầu tư vào các giải pháp nhằm tăng cường khả năng ứng phó trước các thảm họa. Theo các nhà khoa học, đầu tư vào việc giảm bớt nguy cơ xảy ra thiên tai tuy rất tốn kém, song có thể đạt hiệu quả cao. Chẳng hạn, với khoản đầu tư 6 tỷ USD mỗi năm dành cho các biện pháp giảm thiểu thiên tai, thế giới có thể tránh được thiệt hại lên tới 360 tỷ USD trong vòng 15 năm tới.
Trong nỗ lực chung đối phó với thiên tai, hội nghị toàn cầu lần thứ ba về giảm thiểu rủi ro thiên tai, diễn ra hồi tháng 3-2015 tại thành phố Sendai (Nhật Bản) – nơi từng phải hứng chịu hậu quả nặng nề trong thảm họa sóng thần, đã thông qua kế hoạch mới nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai. Kế hoạch này có 7 mục tiêu, trong đó lần đầu tiên đặt ra mục tiêu giảm số nạn nhân và các thiệt hại về kinh tế, để qua đó đánh giá tiến bộ trong các nỗ lực quốc tế ứng phó với thiên tai.
Ngoài ra, các mục tiêu còn bao gồm giảm thiệt hại do thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tăng số quốc gia có chiến lược chống thảm hoạ và tăng cường viện trợ tài chính cho các nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, “cuộc chiến” ngăn chặn thảm họa thiên tai đòi hỏi thế giới phải có thêm những bước đi tích cực như vậy.