ThienNhien.Net – Theo thống kế rủi ro lâu dài do biến đổi khí hậu, Việt Nam đứng thứ 7 trên toàn cầu với trung bình hàng năm có 392 người chết và thiệt hại hơn 1% GDP do các thảm họa liên quan đến thiên tai.
Do vậy, chỉ có những nỗ lực chung và tích cực giữa các cấp từ cộng đồng, huyện, tỉnh đến trung ương mới có thể giúp các cộng đồng sẵn sàng thích ứng và góp phần làm giảm các nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng Cục trưởng Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, ảnh hưởng của El Nino, những năm qua thiên tai đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho người dân tại nhiều vùng trên cả nước.
Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao kéo dài kỷ lục (60 năm) đã xảy ra trên diện rộng từ Bắc Bộ đến các tỉnh Nam Trung Bộ, khiến hơn 190.000ha bị hạn hán và hơn 44.000 con gia súc, gia cầm bị chết.
Trong khi đó, tại một số địa phương như Quảng Ninh, lại xuất hiện đợt mưa lớn nhất trong lịch sử, gây thiệt hại khoảng 2.700 tỷ đồng. Toàn tỉnh có tới 17 người thiệt mạng, hàng trăm căn nhà bị sập đổ hoàn toàn, hàng ngàn hộ dân bị ngập nước, hàng ngàn hecta lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy-hải sản và nhiều công trình hạ tầng cơ sở bị thiệt hại nặng.
Ngoài ra, hiện tượng sạt lở đất, bờ sông, bờ biển cũng xảy ra ở nhiều nơi; xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn và lấn sâu vào đất liền, tình trạng cạn kiệt nguồn nước trên các dòng sông ngày càng phổ biển (mực nước sông Mê Kông xuống thấp nhất trong vòng 100 năm) đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.
Ông Hoài cũng cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia chịu tác động rất mạnh của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vì thế, ngay từ năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường và sinh kế cho người dân.
Trong việc ứng phó này, cộng đồng quốc tế, trong đó có Australian là một trong những nhà tài trợ lớn đã song hành cùng các tổ chức quốc tế triển khai nhiều dự án ứng phó biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu long. Đến nay, tất cả các dự án đã được thực hiện xong và đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần không nhỏ trong việc tăng nhận thức và phát triển sinh kế cho người dân.
Tại Hội nghị COP 21 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định trong điều kiện khó khăn về nguồn lực nhưng Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai Chiến lược, Chương trình, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của các quốc gia, các tổ chức quốc tế dành cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng.
“Tôi nghĩ rằng, sau Hội nghị COP 21, những nước đang phát triển như Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Trước đó, Việt Nam cũng đã có nhiều kế hoạch cởi mở, thể hiện quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai,” ông Hoài nhấn mạnh.