ThienNhien.Net – Theo thống kê chưa đầy đủ, lượng gỗ nhập khẩu về các cửa khẩu đường bộ các tỉnh phía Nam, làm thủ tục hải quan tại các Cục Hải quan Gia Lai- Kon Tum, Tây Ninh, Long An từ đầu năm đến nay tăng khá mạnh. Từ đó, việc quản lý, làm thủ tục nhập khẩu của các đơn vị Hải quan cũng gặp không ít khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Từ ngày 1-1-2015 đến 30-11-2015, Cục Hải quan Tây Ninh đã làm thủ tục cho trên 170.500 m3, tăng trên 81% so với năm 2014; Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum đã làm thủ tục cho gần 300.000 m3 gỗ nhập khẩu, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân do các doanh nghiệp tranh thủ nhập khẩu gỗ từ Lào về trước quý III-2015, trước khi Chính phủ Lào có quy định cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ có xuất xứ từ Lào; nhu cầu gỗ nhập từ thị trường Ấn Độ gia tăng đột biến. Mặt khác, UBND các tỉnh cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ qua một số cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn cũng góp phần tăng khối lượng gỗ nhập khẩu so với năm 2014.
Trong tháng 11, Tổng cục Hải quan đã liên tiếp ban hành 2 văn bản để hướng dẫn Hải quan các địa phương về thực hiện thủ tục hải quan đối với nhập khẩu gỗ trắc từ Lào quá cảnh sang Campuchia vào Việt Nam.
Mới đây nhất, ngày 7-12, theo công văn từ Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia, Tổng cục Hải quan đã đề nghị Cơ quan CITES Việt Nam tăng cường việc kiểm tra, cấp giấy phép nhập khẩu, chỉ đạo Hải quan các địa phương tiếp giáp biên giới Campuchia tăng cường công tác quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng giấy phép CITES để đưa gỗ khai thác không hợp pháp từ Campuchia về Việt Nam. |
Căn cứ theo các quy định hiện hành, UBND các tỉnh có biên giới đã ban hành các quyết định cho phép doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu gỗ qua các cửa khẩu phụ, lối mở đối với từng trường hợp cụ thể. Việc này một mặt đã tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của doanh nghiệp, mặt khác việc quyết định này cũng đặt ra yêu cầu cho các lực lượng chức năng trong việc đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới. Một vấn đề đặt ra là dọc theo tuyến biên giới có rất nhiều cửa khẩu chính, có đầy đủ điều kiện tập kết hàng hoá, bến bãi để kiểm tra cũng như điều kiện để giám sát hàng hoá, sao doanh nghiệp không làm thủ tục lại đi xin nhập khẩu nơi xa xôi thiếu rất nhiều điều kiện cho doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng làm thủ tục?
Việc UBND các tỉnh mở quá nhiều cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới, cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ trong thời gian quá dài dẫn đến cơ quan Hải quan gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý do không đủ nhân lực và phương tiện để kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại các cửa khẩu phụ, lối mở. Hiện nay, tại các cửa khẩu phụ, lối mở vẫn còn một số bãi tập kết hàng rào còn sơ sài, chưa đủ ánh sáng theo quy định; có bãi tập kết nằm cách xa nơi lực lượng chức năng làm việc, gây khó khăn cho công tác giám sát vận chuyển, tập kết gỗ nhập khẩu, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi doanh nghiệp cố tình vi phạm, nguy cơ gian lận là hoàn toàn có thể xảy ra.
Mặc dù Hải quan các địa phương đều liên tục đề nghị doanh nghiệp được cấp phép phải đảm bảo nơi tập kết hàng hoá, điều kiện kiểm tra, giám sát và cả thời gian nhập khẩu, tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp không tuân thủ các quy định trong việc nhập khẩu gỗ qua các cửa khẩu phụ, lỗi mở như kế hoạch, lộ trình vận chuyển, tập kết gỗ gửi các ngành liên quan còn chung chung, gây khó khăn cho các ngành liên quan trong việc chủ động bố trí lực lượng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, quản lý việc vận chuyển, nhập khẩu gỗ theo quy định. Vận chuyển, tập kết hàng hóa không đúng lộ trình và địa điểm, không có sự giám sát của cơ quan Hải quan.
Ông Huỳnh Văn Khanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Kà Tum- Cục Hải quan Tây Ninh cho biết: “Tại cửa khẩu phụ Vạc Sa do Chi cục quản lý, UBND tỉnh Tây Ninh đã cấp phép cho nhiều doanh nghiệp được nhập khẩu gỗ nhưng chưa có địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa nhập khẩu được Tổng cục Hải quan cho phép thành lập. Do đó, doanh nghiệp phải đăng ký tờ khai nhập khẩu trước khi đưa gỗ vào khu vực cửa khẩu gây nhiều khó khăn cho cơ quan Hải quan trong quản lý. Hiện nay có một số bãi tập kết được cơ quan chức năng cho phép phía trước barie khoảng 150m về phía Campuchia nhưng thời gian làm việc chỉ từ 7 giờ đến 17 giờ theo quy định nên khả năng doanh nghiệp tập kết gỗ vào ban đêm mà cơ quan Hải quan không biết là hoàn toàn có thể xảy ra”. Chi cục Hải quan cửa khẩu Kà Tum cũng đã phát hiện 1 vụ doanh nghiệp gian lận hàng chục tấm gỗ trắc ngoài số gỗ khai báo. Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát phát hiện một vụ đối tượng dùng xe lôi vận chuyển gỗ trắc trái phép qua biên giới với số lượng hàng chục lóng. Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum phát hiện một vụ đối tượng “kiếm thêm ” 3,5 m3 gỗ ngoài số lượng gỗ đã làm thủ tục hải quan.
Để việc quản lý, làm thủ tục gỗ nhập khẩu đảm bảo chặt chẽ, Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho địa phương có cửa khẩu phụ, lối mở và các ngành chức năng tăng cường thực hiện công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ngoại tệ qua biên giới tại các khu vực có cửa khẩu phụ, lối mở. Vì lực lượng kiểm tra, giám sát với số lượng cán bộ hạn chế chỉ thực hiện được công tác kiểm tra, giám sát người, phương tiện, hàng hóa trong thời gian làm việc theo quy định, không đủ năng lực, phương tiện thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ngoại tệ qua biên giới. Đối với doanh nghiệp vi phạm pháp luật nhiều lần, gây mất an ninh trật tự biên giới và các doanh nghiệp có năng lực yếu, có số lượng nhập khẩu gỗ ít, thời gian vận chuyển, tập kết kéo dài, trên cơ sở báo cáo của các ngành, đề nghị UBND tỉnh thu hồi văn bản cho phép nhập khẩu của doanh nghiệp qua cửa khẩu phụ, lối mở.
Mặt hàng gỗ nhập khẩu thường phải được tập kết tại một địa điểm nằm trong khu vực cửa khẩu đã được Tổng cục Hải quan cho phép thành lập để thuận lợi cho việc làm thủ tục hải quan. Để đáp ứng yêu cầu trên, Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh đã báo cáo đề xuất UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các huyện biên giới có cửa khẩu tiến hành đầu tư xây dựng các địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới hoặc mời gọi doanh nghiệp kinh doanh kho bãi có khả năng đầu tư xây dựng theo quy định. Báo cáo đề xuất chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp với Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh yêu cầu doanh nghiệp không được tập kết mặt hàng gỗ bên ngoài barie như hiện nay. Gỗ nhập khẩu phải được tập kết vào các địa điểm đã được Tổng cục Hải quan quyết định thành lập hoặc phải đăng ký tờ khai hải quan trước khi tập kết gỗ ở khu vực cửa khẩu để đảm bảo công tác giám sát, quản lý của cơ quan hải quan.
Ngày 24-10-2014, Bộ Công Thương đã có Thông tư số 37/2014/TT-BCT quy định việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia. Tuy nhiên, trong thực tế doanh nghiệp đã lách luật dưới hình thức nhập kinh doanh sau đó xuất kinh doanh sang nước thứ ba. Để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia, Cục Hải quan Tây Ninh kiến nghị Bộ Tài chính nên quy định việc xuất kinh doanh gỗ nguyên liệu từ nguồn nhập khẩu phải chịu thuế xuất khẩu.