Thủy điện Thượng Kon Tum “bức tử” các dòng sông trong mùa khô?

ThienNhien.Net – Thủy điện Thượng Kon Tum dự kiến sẽ hoàn thành và phát điện vào cuối năm 2018 nhưng người dân Kon Tum đang hết sức lo lắng bởi nguy cơ các dòng sông Đăk Bla, sông Đăk Snghé bị “bức tử” vào mùa khô, do công trình thủy điện này sẽ chuyển một lượng lớn nước từ sông Đăk Snghé (Kon Tum) về dòng sông Trà Khúc của tỉnh Quảng Ngãi.

181215_thuydien

Chặn dòng từ đầu nguồn

Theo tự nhiên, lượng nước đổ về sông Đăk BLa đoạn chảy qua thành phố Kon Tum (nơi cung cấp nguồn nước chính cho toàn thành phố) được lấy từ nhiều nguồn, trong đó có sông Đăk Snghé bắt nguồn từ huyện Kon Plông, chảy tới huyện Kon Rẫy hợp lưu với dòng Đăk BLa.

Lượng nước từ sông Đăk Snghé khi hợp lưu sẽ chiếm hơn 35% lượng nước của sông Đăk BLa.

Khi Thủy điện Thượng Kon Tum hoàn thành việc ngăn đập, chặn dòng Đăk Snghé từ đầu nguồn sẽ tạo ra một mặt hồ rộng 7km2, có thể chứa gần 150 triệu mét khối nước.

Tuy nhiên, điều lo lắng là Thủy điện Thượng Kon Tum được thiết kế theo kiểu “ngược” truyền thống, nghĩa là nước từ dòng Đăk Snghé sẽ chảy qua hệ thống hầm nhà máy (dài 17km) trước khi về tỉnh Quảng Ngãi chứ không trả nước về dòng sông chính là Đăk Snghé.

Theo thiết kế thì Thủy điện Thượng Kon Tum có một cột nước cao hơn 800 mét, chảy qua một đường hầm dài gần 20km. Việc dẫn nước từ thượng nguồn của sông Đăk Snghé (tỉnh Kon Tum) về Quảng Ngãi giúp chủ đầu tư (Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh) tận dụng được độ cao của cột nước, từ hồ tới các tuabin nhà máy để có thể tăng hiệu quả hơn công suất máy, sử dụng nước ít hơn.

Nhờ trả nước về Quảng Ngãi, mỗi năm sản lượng điện của nhà máy theo tính toán sẽ tăng thêm 150 triệu kWh (so với trả về sông Đăk Snghé), tương đương với một nhà máy thủy điện có công suất khoảng 35MW, doanh thu mỗi năm hơn 100 tỷ đồng.

Việc chặn nước từ đầu nguồn của tỉnh Kon Tum và dẫn ngược về Quảng Ngãi tạo lo lắng về việc liệu Thủy điện Thượng Kon Tum có “bức tử” sông Đăk Snghé, Đăk Bla vào mùa khô và các địa phương có dòng sông đi qua như Kon Plông, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum ở hạ nguồn con sông hay không?

Nhiều cuộc họp, hội thảo ở trong và ngoài tỉnh Kon Tum đã đề cập đến vụ việc trên. Tỉnh Kon Tum cũng đã có kiến nghị đến các cấp, các ngành xem xét lại dự án nhằm bảo đảm môi trường sinh thái của sông Đăk Snghé và Đăk Bla.

Để những dòng sông “sống” cùng thủy điện

Trước thực trạng trên, chủ đầu tư công trình cũng đã có điều chỉnh thiết kế của dự án, theo đó, dự án đã giảm công suất từ 250MW xuống còn 220MW. Điều chỉnh cao trình từ 1.177m xuống còn 1.163m. Ngoài ra, dự án còn điều chỉnh diện tích rừng bị ngập từ 400ha xuống còn 280ha. Bên cạnh đó, diện tích nông nghiệp, hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án cũng giảm theo…

Ngoài ra, chủ đầu tư còn dự tính sẽ xả nước lên 3m3/giây, cao hơn con số 0,5m3/giây như báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh An, Phó Ban quản lý dự án Thủy điện Thượng Kon Tum, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Sê San (Quyết định số 1182/QD-TTg ngày 17/7/2014 ), theo đó, dự án Thủy điện Thượng Kon Tum phải xả nước về hạ lưu vào mùa khô ở các tháng 2, 3, 4 là không nhỏ hơn 5,8 m3/giây. Các tháng 12, 1, 5 lượng nước xả không nhỏ hơn 3,3m3/giây.

“Với mức xả này vào mùa khô còn lớn hơn lượng nước đến trong hồ (khoảng 3m3/giây) nên việc chuyển dòng này chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến sông Đăk Snghé, sông Đăk Bla,” ông Huỳnh An khẳng định.

Theo số liệu quan trắc của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Kon Tum đo trên sông Đăk Snghé là 3,4m3/giây (2012), 1,06m3 nước/giây (năm 2013), đây là số liệu lượng nước đo ở mùa khô kiệt. Lượng nước trung bình vào mùa khô của sông Đăk Snghé là từ 5-6m3/giây.

“Với số liệu trên, cùng với lượng nước xả vào mùa khô theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa thì dự án sẽ ảnh hưởng không nhiều đến dòng chảy sinh thái ở hạ lưu sông Đăk Snghé,” ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum khẳng định. Ngoài ra, ở cuối sông Đăk Snghé còn hợp lưu ở hai con suối khác là Đăk Pône và Đăk Kôi với lượng nước 1-2,2 m3/giây vào mùa khô.

Việc xả nước của Thủy điện Thượng Kon Tum theo quy định vận hành liên hồ chứa sẽ hạn chế được nhiều ảnh hưởng của dự án. Tuy nhiên, ai sẽ giám sát việc xả nước này?

Theo ông Bùi Văn Cư, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, khi nhà máy chính thức vận hành thì cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ việc xả nước của nhà máy.

Về quản lý Nhà nước thì Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương giám sát. Tuy nhiên, vai trò chính quyền địa phương là quan trọng nhất vì họ là người chịu ảnh hưởng trực tiếp, quan sát hàng ngày được. Ngoài ra, còn có thể giám sát bằng các kỹ thuật khác.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Huy thì giám sát việc xả nước từ thủy điện trên không khó. “Muốn giám sát việc xả nước thì chỉ cần đặt một trạm đo thủy văn tự động phía dưới đập có cập nhật số liệu theo từng giờ, từng phút tùy mình đặt chế độ. Chi phí lắp đặt của trạm cũng không lớn.”

Với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của địa phương sau khi dự án đi vào hoạt động thì các ảnh hưởng của Thủy điện Thượng Kon Tum đối với vùng hạ lưu sẽ được giảm thiểu nhiều.

Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum có công suất thiết kế là 220MW. Dự án được khởi công từ năm 2009 và dự kiến hoàn thành năm 2014.

Tuy nhiên, sau khi nhà thầu xây dựng đường hầm dẫn nước (nhà thầu Trung Quốc) bỏ thi công, đến nay các gói thầu này đã giao cho các doanh nghiệp và ngoài nước (Mỹ) triển khai thực hiện. Dự kiến phải đến cuối năm 2018 thì dự án mới có thể phát điện.