ThienNhien.Net – Việc lâm tặc ngang nhiên đốn hạ và tàn phá rừng một cách vô tội vạ đã diễn ra trên địa bàn huyện Lâm Bình trong một thời gian dài nhưng các cơ quan chức năng không hề hay biết.
Những cánh rừng “kêu cứu”
Việc “xẻ thịt” rừng xanh để khai thác gỗ rừng trái phép đã diễn ra trong một khoảng thời gian rất dài trên địa bàn huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.
Những khu vực đã bị lâm tặc tàn phá… nhiều cây gỗ bị hạ đổ nhưng bị bỏ lại để cho mục rũa, nhiều cây bị xẻ thịt và vận chuyển gần hết chỉ còn những khúc “đầu thừa, đuôi thẹo” không có giá trị.
Rừng xanh là lá phổi của nhân loại, chúng có nhiều tác dụng không chỉ cung cấp oxi mà còn là tấm lá chăn thép giúp ngăn chặn lũ quét. Vậy nhưng, màu xanh trên những cánh rừng đại ngàn đang dần bị bàn tay con người tàn phá không thương tiếc. Vì lợi ích cá nhân, và lợi ích nhóm mà những tên lâm tặc sẵn sàng đón hạ những cây gỗ trong rừng một cách phi pháp.
Trong khi đó, Nhà nước không ngừng tuyên truyền về việc phải bảo vệ rừng, bảo vệ lá phổi xanh của sự sống thì tại địa phương này công tác quản lý và bảo vệ rừng lại được thực hiện một cách rất lỏng lẻo.
Bằng chứng cho sự lỏng lẻo này là việc lâm tặc ngang nhiên khai thác gỗ rừng trái phép và qua mặt các cơ quan chức năng nhưng đội ngũ cán bộ bảo vệ rừng lại không hề hay biết.
Người dân tại địa phương chia sẻ, lâm tặc vào rừng như chỗ không người và vận chuyển gỗ ra bên ngoài rất nhiều nhưng vì một lý do nào đó mà việc vận chuyển vẫn trót lọt. Hiếm lắm mới thấy cán bộ quản lý đi tuần rừng hoặc có đi nhưng không đi vào sâu bên trong nên có khi lâm tặc khai thác bên trong, cán bộ cũng không biết.
Lỏng lẻo trong việc quản lý
Việc lâm tặc ngang nhiên đốn hạ và tàn phá rừng một cách vô tội vạ đã diễn ra trên địa bàn huyện Lâm Bình trong một thời gian dài. Thế nhưng sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mới là nguyên nhân khiến cho tình trạng phá rừng không ngừng thuyên giảm.
Đem những thắc mắc tìm đến gặp ông Nông Giang Nam – Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lâm Bình thì ông Nam mới ngã ngửa: “Khu vực mà lâm tặc khai thác ở chỗ nào vậy, để tôi cho người đi kiểm tra. Tuần nào Hạt cũng cử cán bộ đi tuần rừng 2 lần/tuần nhưng sao không thấy chỗ mà em nói là lâm tặc đang khai thác trái phép. Chắc chỗ đó ở xa lắm, nên cán bộ Hạt mới không thấy…”.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: “Phải chăng công tác quản lý và bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đang “có vấn đề”? nên lâm tặc mới có cơ hội chặt phá rừng” thì ông Nam phân trần: “Cán bộ làm việc tại Hạt kiểm lâm huyện Lâm Bình có tất cả 26 người/8 xã. Lực lượng mỏng, trong khi diện tích quản lý quá lớn nên không thể lúc nào cũng đi kiểm tra và ngăn chặn việc chặt phá rừng được. Trong khi đó, các đối tượng lâm tặc lại rất manh động và lươn lẹo nên hễ thấy bóng dáng cán bộ là chúng đã tẩu tán gỗ khai thác và bỏ trốn hết rồi”.
Trong khi rừng tại khu vực Lũng Lừa, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình đã bị các đối tượng lâm tặc chặt hạ từ nhiều tháng nay thì vị cán bộ Hạt kiểm lâm này mới dứt khoát: “Cái này để bọn anh cử người đi kiểm tra và sẽ báo cáo lại sau”.
Cũng về vấn đề này ông Đặng Văn Sình – Phó chủ tịch huyện Lâm Bình được biết: “Tài sản lớn nhất ở Lâm Bình chỉ còn những cánh rừng. Riêng về việc bảo vệ rừng thì huyện Lâm Bình làm rất quyết liệt. Hàng tuần, UBND huyện thường giao ban với Hạt kiểm lâm và lắng nghe báo cáo thường xuyên về công tác bảo vệ rừng. Sự việc này, UBND huyện sẽ cho người kiểm tra và trả lời sau”.
Không biết những cây nghiến cổ thụ ngàn năm tuổi trong những cánh rừng phòng hộ và rừng đặc dụng tại các khu vực bảo tồn của huyện Lâm Bình có đợi được những người làm công tác quản lý và bảo vệ rừng hay không. Chỉ biết rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời thì một ngày không xa những cây gỗ quý nghìn năm tuổi chỉ còn được ghi trên các tập tài liệu.
Còn nữa…