ThienNhien.Net – Trách nhiệm và bền vững khi xây dựng thủy điện trên sông Mê Kông là vấn đề được đặt ra tại hội nghị Sáng kiến hạ nguồn sông Mê Kông diễn ra ở Hà Nội.
Ngày 15-12, tại Hà Nội đã khai mạc hội nghị Nhóm công tác khu vực Sáng kiến hạ nguồn sông Mê Kông (LMI) lần thứ 8 và hội nghị Những người bạn của Nhóm công tác hạ nguồn sông Mê Kông (FLM) lần thứ nhất.
Hạ tầng cơ sở thông minh
Tại hội nghị, gần 150 đại biểu của 6 thành viên LMI (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam), các thành viên FLM (Úc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản), Ban Thư ký ASEAN, đại diện khu vực tư nhân và các chuyên gia đã triển khai kế hoạch hành động LMI mới, giai đoạn 2016-2020 nhằm hợp tác để giải quyết những thách thức về chính sách và phát triển xuyên quốc gia phức tạp.
Qua thảo luận, các vấn đề bảo tồn bền vững tài nguyên chung thông qua cách tiếp cận liên lĩnh vực giữa an ninh nước – an ninh năng lượng – an ninh lương thực, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ được đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó là việc huy động các nguồn lực, bao gồm cả tài chính cũng như thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn nữa của khu vực tư nhân vào hợp tác LMI.
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Matthew A. Palmer, Vụ trưởng Vụ Đông Á và Thái Bình Dương – Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông Mê Kông là vấn đề trọng tâm của các thảo luận tại hội nghị. Tuy nhiên, ở đây không bàn có nên xây dựng hay không mà là lên kế hoạch xây dựng như thế nào cho có trách nhiệm và bền vững.
Phía Mỹ nêu ra một cơ chế gọi là SIM nhằm xây dựng hạ tầng cơ sở một cách thông minh dọc sông Mê Kông. “Chúng tôi sẽ giới thiệu những nghiên cứu mới nhất để giúp cho việc lên kế hoạch và phát triển thủy điện chỉ tác động nhỏ nhất đối với môi trường. Các nước khi xây dựng nhà máy thủy điện sẽ phải cân nhắc làm sao giảm thiểu chi phí, hư tổn và hậu quả không chỉ với nước họ mà cả các nước ở hạ nguồn sông Mê Kông” – ông Palmer nói.
Phát triển kinh tế công bằng
Chủ trì hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) Vũ Quang Minh nhấn mạnh: “Việc thực hiện thành công kế hoạch tổng thể và chương trình hành động cần tất cả các nước tham gia khẳng định và có cam kết chính trị rất cao, cũng như sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước hạ nguồn sông Mê Kông với tất cả các bên có liên quan. Chúng tôi mong muốn LMI sẽ trở thành một khuôn khổ hợp tác đi đầu trong việc mang đến sự phát triển kinh tế công bằng cho các nước vùng Mê Kông và có thể hỗ trợ các nước thành viên một cách hiệu quả trong việc tìm ra những giải pháp bền vững cho những thách thức khu vực đang đối mặt. Trong quá trình này, những cam kết, nỗ lực của Mỹ và mỗi quốc gia hạ nguồn sông Mê Kông là không thể thiếu”.
Nói về sự khác biệt giữa các nước hạ nguồn sông Mê Kông về trình độ phát triển trong khi cùng chia sẻ nguồn tài nguyên giống nhau, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, bà Susan Sutton, cho biết phía Mỹ cũng như các nước tài trợ khác mong muốn các nước ở khu vực này “ngồi lại với nhau”, đưa ra sáng kiến để xử lý những thách thức, bảo tồn bền vững tài nguyên chung.
Nhận định phát triển kinh tế cần xem xét tác động đến môi trường, ông Palmer cho biết đây cũng là vấn đề trọng tâm của cuộc họp. “LMI đòi hỏi chúng ta phải phối hợp với nhau và Mỹ sẽ là đối tác với tất cả các nước trong khu vực. Trong kế hoạch, ngoài những biện pháp bảo vệ môi trường sẽ có những kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp” – ông Matthew A. Palmer nói. Vụ trưởng Vụ Đông Á và Thái Bình Dương cũng cho biết các dự án và các kế hoạch trong khuôn khổ LMI sẽ áp dụng những công nghệ mới, hiện đại nhất và chia sẻ các chiến lược, đào tạo để đưa đến hoạch định chính sách và những quyết định tốt nhất.
Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Kông được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công bố chính thức lần đầu tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tháng 7-2009 ở Phuket – Thái Lan nhằm đẩy mạnh hợp tác, trợ giúp về môi trường, y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng của Mỹ đối với các nước thuộc khu vực hạ nguồn sông Mê Kông. |