ThienNhien.Net – Du lịch văn hóa-sinh thái Bản Đôn nằm dọc dòng sông Sê-rê-pốc đoạn qua xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đác Lắc vốn nổi tiếng bởi dòng sông, cánh rừng thơ mộng và những thác nước hùng vĩ ngày đêm ầm ào cuộn chảy. Đây là dòng sông có lưu lượng nước lớn nhất nhì Tây Nguyên. Thế nhưng, trong ba năm gần đây kể từ khi Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Sê-rê-pốc 4A được xây dựng đã nắn dòng chảy của con sông theo một con kênh khác làm cho cả một đoạn sông dài khoảng 22 km ở hạ lưu bị cạn kiệt nguồn nước, khiến hoạt động du lịch văn hóa-sinh thái ở đây lâm vào cảnh khó khăn.
Nếu các cấp, các ngành chức năng ở Đác Lắc không sớm tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng này thì không lâu nữa du lịch văn hóa-sinh thái Bản Đôn chỉ còn là huyền thoại.
Hiện nay, mặc dù mới bước vào mùa khô Tây Nguyên nhưng sông Sê-rê-pốc đoạn qua địa bàn xã Ea Huar, Ea Wer và Krông Na, huyện Buôn Đôn đã cạn kiệt nguồn nước. Tại điểm du lịch thác Bảy nhánh do Công ty TNHH du lịch sinh thái Bản Đôn quản lý khai thác du lịch, trước đây quanh năm dòng sông nước cuồn cuộn tạo thành một thác nước gồm bảy nhánh ngày đêm nước ầm ào cuộc chảy tung bọt trắng xóa dưới những rặng cây si tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp, thơ mộng.
Trên những rặng cây si già, Công ty TNHH du lịch sinh thái Bản Đôn đã bắc những cầu treo để phục vụ du khách đến vui chơi, thưởng ngoạm cảnh đẹp trên dòng Sê-rê-pốc. Thế nhưng bây giờ, nước sông đã khô cạn khiến cho thác Bảy nhánh này chỉ còn là những bãi đá lởm chởm và những cầu treo trở nên lạc lỏng, chơ vơ trên những rặng cây si già tàn úa.
Đứng ở bờ sông Sê-rê-pốc, nhìn dòng sông khô cạn, cây cối đang chết dần, chết mòn, môi trường, sinh thái bị hủy hoại, bà Lê Thị Thanh Hà, Giám đốc Công ty TNHH du lịch sinh thái Bản Đôn than thở: “Dòng sông, thác nước, cánh rừng… là những yếu tố thiết yếu để làm nên sản phẩm đặc thù của loại hình du lịch văn hóa-sinh thái nơi đây. Đây là thế mạnh của du lịch văn hóa, sinh thái Bản Đôn, loại hình du lịch ngày càng được du khách trong và ngoài nước yêu thích, tìm đến. Thế nhưng, kể từ ngày NMTĐ Sê-rê-pốc 4A ngăn dòng khiến cả đoạn sông dài ở hạ lưu trơ đáy, thác Bảy nhánh khô cạn hoàn toàn, cảnh tượng thơ mộng, hùng vĩ và quyến rũ trước đây không còn. Vì vậy, lượng khách đến với điểm du lịch này ngày càng giảm sụt mạnh. Trước năm 2013, bình quân mỗi năm công ty đón khoảng 21.000 lượt khách đến tham quan nhưng kể từ khi nguồn nước sông bị cạn kiệt đến nay mỗi năm chỉ đón khoảng 10.000 lượt khách. Không những vậy, du khách khi đến đây đều tỏ ra không hài lòng trước tình trạng môi trường bị hủy hoại do những tác động tiêu cực từ các công trình thủy điện, nên thời gian lưu trú của du khách cũng ngắn hơn khiến doanh thu sụt giảm đẩy công ty vào hoàn cảnh khó khăn”.
Tại điểm du lịch sinh thái do Công ty TNHH du lịch sinh thái Bản Đôn quản lý, chúng tôi gặp anh Bạch Anh Kiệt, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh đang cùng người thân thăm qua, ngắm cảnh ở đây. Trò chuyện với chúng tôi, anh Kiệt tâm sự: “Qua tìm hiểu trên mạng internet, tôi thấy khu du lịch văn hóa, sinh thái Bản Đôn rất đẹp nên trong kỳ nghỉ phép năm nay tôi quyết định lên đây du lịch. Nhưng khi đến nơi, thực tế lại khác, môi trường sinh thái ở đây đang bị hủy hoại mạnh, đặc biệt là nguồn nước sông Sê-rê-pốc bị các nhà máy thủy điện xây dựng ở thượng nguồn chặn dòng khiến ở hạ lưu dòng sông khô cạn nên du lịch văn hóa, sinh thái Bản Đôn không còn đẹp, hấp dẫn như trước nữa. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục thì tôi sẽ không quay lại đây nữa”.
Từ điểm du lịch thác Bảy nhánh xuôi theo sông Sê-rê-pốc về phía hạ lưu khoảng 5 km là đến khu du lịch văn hóa, sinh thái do Trung tâm du lịch Bản Đôn thuộc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 Đác Lắc quản lý, kinh doanh từ nhiều năm nay. Do dòng sông bị cạn kiệt nguồn nước nên hoạt động kinh doanh du lịch ở đây cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đức, Giám đốc Trung tâm du lịch Bản Đôn dẫn chúng tôi ra tận giữa dòng sông Sê-rê-pốc, trước đây là dòng nước chạy cuồn cuộn, là nơi hàng năm tổ chức đua thuyền, đua voi qua sông, lướt ván… thì nay dòng sông đã cạn trơ đáy, giữa lòng sông nổi lên những cồn đất, tảng đá lớn bạc phếch, cây cối cằn cỗi.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đức chia sẻ: Lâu nay, nói đến du lịch văn hóa, sinh thái Bản Đôn là người ta nghĩ ngay đến cầu treo bắt trên những gốc cây si già ưỡn mình trên dòng Sê-rê-pốc; phía dưới cầu treo là hàng nghìn rễ cây si bám chặt vào lòng sông quanh năm nước chảy lửng lờ, róc rách tạo ra những cảnh quan tuyệt đẹp và thơ mộng. Ngoài ra, dọc hai bên bờ sông là những cánh rừng nguyên sinh của Vườn quốc gia Yóc Đôn và những buôn làng cổ của đồng bào Ê đê, M’nông, Lào… Chính từ những điều kiện tự nhiên này, Trung tâm du lịch Bản Đôn đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như: thăm quan cầu treo, cưỡi voi lội sông Sê-rê-pốc, đi thăm buôn làng, nhà sàn cổ, khu văn hóa nhà mồ, dã ngoại sinh thái, cắm trại, giao lưu cồng chiêng, nghe thuyết minh về sự hình thành của Bản Đôn, nghề săn bắt và thuần dưỡng voi của người dân địa phương. Đặc biệt, trung tâm đã có kế hoạch tổ chức tour du lịch mạo hiểm thả thuyền theo sông từ trung tâm buôn Trí A, xã Krông Na đến thác Đrăng Phốc, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách khi đến với Bản Đôn…
Thế nhưng, từ năm 2013 trở lại đây, khi NMTĐ Sê-rê-pốc 4A ngăn dòng phát điện đã làm cạn kiệt nguồn nước trên sông Sê-rê-pốc, ảnh hưởng lớn đến môi trường, sinh thái của khu du lịch này. Các sản phẩm, tour, tuyến du lịch ở đây cũng ngày càng teo tóp lại. Bên cạnh đó, nước sông cạn kiệt còn làm đảo lộn cuộc sống của đồng bào dân tộc bản địa sinh sống hai bên bờ sông bao đời nay.
Những cảnh tượng thơ mộng như người dân chèo xuồng đi làm rẫy trên sông Sê-rê-pốc hay đi đánh bắt cá mỗi khi chiều về được rất nhiều du khách yêu thích nhưng hiện nay cũng biến mất.
Hướng ánh mắt về phía dòng sông khô cạn, già làng Ma An ở buôn Trí A, xã Krông Na buồn rầu kể: “Đã bao đời nay, bà con ở các buôn Trí A, Trí B, Buôn Đôn, Jang Lành đều dựa vào nguồn nước sông Sê-rê-pốc để sinh sống. Nhưng từ ngày NMTĐ Sê-rê-pốc 4A chặn dòng đến nay dòng sông khô cạn, nguồn nước tù đọng, bị ô nhiễm không còn tắm, giặt hay lấy nước về sinh hoạt được nữa. Không có nguồn nước sinh hoạt, nhiều gia đình trong buôn đã đầu tư khoan giếng lấy nước sinh hoạt nhưng khoan sâu 50 đến 60m vẫn không có nước. Mặc dù bà con buôn làng đã nhiều lần kiến nghị với các cấp, các ngành yêu cầu nhà máy thủy điện trả lại nguồn nước cho dòng sông nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn nước sông Sê-rê-pốc đoạn qua khu du lịch văn hóa, sinh thái Bản Đôn bị khô cạn là do NMTĐ Sê-rê-pốc 4A chặn dòng phát điện vào năm 2013. NMTĐ Sê-rê-pốc 4A do Công ty cổ phần thủy điện Buôn Đôn làm chủ đầu tư với công suất 64 MW.
Theo thiết kế, NMTĐ Sê-rê-pốc 4A lấy lại toàn bộ lưu lượng nước được trả về cho môi trường từ NMTĐ Sê-rê-pốc 4 là 135 m3/giây và chỉ trả lại cho môi trường với lưu lượng 8,3 m3/giây, khiến cho đoạn sông ở hạ lưu bị cạn kiệt nước, nhất là vào những tháng mùa khô. Dòng sông cạn kiệt nguồn nước không chỉ làm đảo lộn đời sống của người dân sinh sống hai bên bờ mà cảnh quan, môi trường sinh thái trên đoạn sông này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng khiến các hoạt động du lịch văn hóa, sinh thái ở đây đình trệ, ngắc ngoải. Mặc dù trước khi quy hoạch, xây dựng NMTĐ Sê-rê-pốc 4A, những nhà môi trường và doanh nghiệp làm du lịch ở Đác Lắc đã cảnh báo nếu quy hoạch, xây dựng NMTĐ Sê-rê-pốc 4A thì môi trường, cảnh quan chung quanh sẽ có những tác động tiêu cực cho ngành du lịch địa phương. Bởi vì đoạn sông Sê-rê-pốc chảy qua địa bàn Buôn Đôn đóng vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái quý giá cho vùng đất này. Thế nhưng vì lợi ích kinh tế, bất chấp mọi cảnh báo, cuối cùng NMTĐ Sê-rê-pốc 4A vẫn được xây dựng.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đác Lắc Trương Công Hồng cho biết: NMTĐ Sê-rê-pốc 4A có công suất lớn lại được xây dựng trên dòng sông nằm giữa hai tỉnh Đác Lắc và Đác Nông nên việc cấp phép xây dựng hay công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường đều do các bộ ngành Trung ương thực hiện. Nếu đánh giá về mặt kinh tế thì xây dựng NMTĐ Sê-rê-pốc 4A mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều, bình quân mỗi năm NMTĐ này làm ra trên 200 tỷ đồng, trong khi khai thác hoạt động du lịch ở đây chưa thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra tình trạng cạn kiệt nguồn nước ở hạ lưu sông Sê-rê-pốc, ảnh hưởng đến môi trường-sinh thái và tác động bất lợi đến hoạt động du lịch ở đây, UBND tỉnh Đác Lắc giao Sở Công thương chủ trì phối hợp các sở ngành chức năng giải quyết, nhưng mãi đến tháng 8-2015 mới thực hiện được việc yêu cầu chủ đầu tư NMTĐ Sê-rê-pốc 4A trả lại nước cho dòng sông từ 8,3m3/giây lên 28m3/giây theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy lượng nước được trả lại dòng sông cao hơn nhưng trong năm 2015, lượng mưa trên địa bàn ít, các hồ thủy điện trên sông Sê-rê-pốc tích không đủ nước nên phía hạ lưu không có nước. Vì vậy, với lưu lượng nước 28m3/giây trả lại dòng sông cũng chỉ đủ thấm vào đất chứ không đủ “cứu sống” dòng sông.
Không riêng gì các đơn vị đang khai thác, kinh doanh du lịch ở Bản Đôn mà trong những năm qua, những đơn vị làm du lịch trên địa bàn tỉnh Đác Lắc và Đác Nông cũng tỏ thái độ không đồng tình với việc quy hoạch và phát triển nguồn điện năng trên hệ thống sông Sê-rê-pốc theo kiểu “đánh đổi” như vậy. Trên dòng sông Sê-rê-pốc hiện có 10 NMTĐ được xây dựng và đưa vào khai thác không những vắt kiệt lượng nước tự nhiên rất lớn của dòng sông, mà nhiều đoạn do dòng chảy bị uốn nắn để phục vụ phát điện khiến cho những thác nước hùng vĩ và danh lam thắng cảnh nổi tiếng, môi trường sinh thái trên dòng sông này bị “chết dần” khó có thể khôi phục được. Đây là sự đánh đổi quá lớn, đặc biệt với sự biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và khắc nghiệt như hiện nay thì môi trường, sinh thái trên dòng sông này càng bị tác động lớn hơn. Dẫu biết rằng được ngành này thì mất ngành khác nhưng với sự đánh đổi như vậy thì ngành du lịch Đác Lắc khó trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030 như mục tiêu mà tỉnh Đác Lắc đề ra.