ThienNhien.Net – Nhiều người từng hy vọng Hiệp ước Paris sẽ đặt ra những nhiệm vụ mạnh mẽ để buộc các quốc gia phải đẩy mạnh các mục tiêu cam kết. Tuy nhiên, đây luôn là điều không hề đơn giản bởi có rất nhiều tiếng nói phản đối từ các nhóm nước phát triển và đang phát triển với hàng loạt lý do khác nhau.
Sau thời khắc lịch sử tại Pháp, nơi các bộ trưởng đã cùng nhất trí thông qua một hiệp ước nhằm chống lại tình trạng biến đổi khí hậu, giờ là lúc những khó khăn lớn nhất bắt đầu hiện hữu. Hãng tin “Stratfor” (Mỹ) bình luận rằng COP21 thực chất chỉ là một phần của tiến trình quá độ lớn hơn nhiều đang diễn ra.
Những mâu thuẫn và tranh cãi trong suốt hai tuần đàm phán căng thẳng vừa qua càng phản ánh rõ nét những thách thức về chính trị và kinh tế đang chờ đón phía trước.
Theo giới chuyên gia, phức tạp xung quanh vấn đề phát thải khí carbon gây hiệu ứng nhà kính sẽ nhanh chóng làm lu mờ những lời chúc mừng về thành công của hội nghị tại Paris vừa qua.
Cần hành động mạnh mẽ
Theo Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, được ký ngày 12/12 – ngày kéo dài hơn so với kế hoạch để nỗ lực đạt được thỏa thuận – 195 quốc gia thành viên COP21 đã nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp, và sẽ cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ C. Đây là điểm quan trọng nhất về mục tiêu cần đạt được của COP21.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của Tổ chức Khí tượng học Quốc tế hồi tháng trước, cho đến nay con người đã khiến nhiệt độ trên bề mặt Trái đất tăng 1 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp, và trên thực tế, cam kết của 195 quốc gia về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính – ngay cả trong trường hợp được tuân thủ nghiêm túc – thì cũng sẽ có thể khiến nhiệt độ trên bề mặt Trái đất tăng thêm 3 độ C trong thời gian tới. Tia hy vọng duy nhất là những hỗ trợ đã được đề cập trong thỏa thuận nhằm khuyến khích các quốc gia tích cực hành động để đạt được mục tiêu 2 độ C.
Chuyên gia về khí hậu Tasneem Essop của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) trao đổi với AFP: “Điều cốt lõi là cần đảm bảo các nước có những hành động mạnh mẽ hơn để chúng ta có thể đạt được mục tiêu 2 độ C và thấp hơn nữa”. 2 độ C là ngưỡng mà các chính trị gia cho là có thể giúp con người tránh khỏi những tác động tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu như bão lốc, hạn hán, mực nước biển dâng cao, cuộc chiến tranh giành nguồn nước, hay các cuộc di cư quy mô lớn và dịch bệnh tràn lan.
Hiệp ước Paris thừa nhận thực tế quan ngại rằng các kế hoạch quốc gia hiện là chưa đủ để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Bởi vậy, theo hiệp ước, hàng loạt cơ chế kiểm soát để nỗ lực và giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp đã được thiết lập.
Đây là các cơ chế sẽ giúp “đẩy nhanh tiến độ” các hoạt động chống biến đổi khí hậu, và là nhân tố quan trọng trong Hiệp ước Paris, nơi các cam kết về cắt giảm khí thải carbon được đề ra trên tinh thần tự nguyện. Giới khoa học cho rằng việc thiếu một quy định chung và thời gian biểu cụ thể cho việc đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải CO2 là một lỗ hổng lớn của hiệp ước dài 31 trang này.
Lộ trình nhiều… trở ngại
Hiệp ước Paris quy định lộ trình đầu tiên là đến năm 2018, hai năm trước khi thỏa thuận này chính thức có hiệu lực, các nước phải có đánh giá về tác động toàn diện trong hoạt động ngăn chặn sự tăng nhiệt toàn cầu, từ việc các quốc gia dần dần giảm sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá và khí đốt để chuyển sang những nguồn năng lượng tái sinh như mặt trời và gió.
Các nước cũng sẽ đệ trình kế hoạch cụ thể về cắt giảm khí carbon khi thỏa thuận COP21 có hiệu lực vào năm 2020. Sau thời gian này, cứ mỗi 5 năm, tính từ năm 2023, các quốc gia sẽ rà soát lại các mục tiêu đã đề ra để “cải thiện và nâng cấp” các cam kết của mình. Một số nước đã đưa ra mục tiêu về lượng khí thải cắt giảm vào năm 2025, thậm chí đến năm 2030, trong lộ trình đầu tiên.
Nhiều người từng hy vọng Hiệp ước Paris sẽ đặt ra những nhiệm vụ mạnh mẽ để buộc các quốc gia phải đẩy mạnh các mục tiêu cam kết. Tuy nhiên, đây luôn là điều không hề đơn giản bởi có rất nhiều tiếng nói phản đối từ các nhóm nước phát triển và đang phát triển với hàng loạt lý do khác nhau.
Ví dụ, Mỹ muốn các nước tự nguyện đưa ra cam kết của mình để tránh phải đệ trình thỏa thuận chờ Quốc hội, hiện do đảng Cộng hòa đứng đầu, thông qua… Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước đang phát triển khác muốn cam kết của họ được xây dựng dựa trên các đảm bảo về tài chính với hàng tỷ USD được đầu tư trong các thập kỷ để chuyển từ các nguồn nhiên liệu rẻ và dồi dào sang các nguồn năng lượng xanh đắt đỏ.
Một trong những vấn đề khác của hội nghị Paris lần này là ám ảnh từ thất bại ở Copenhagen vào năm 2009, khi các bên không thể tiến tới ký kết một thỏa thuận quy mô toàn cầu. Thay vì đề ra mục tiêu chung về cắt giảm khí thải theo lộ trình nhất định, Hiệp ước Paris để ngỏ lựa chọn cho các quốc gia, cho phép các nước này tự đặt ra mục tiêu và thời hạn thực hiện.
Cơ quan nghiên cứu khí hậu của Liên Hợp quốc (LHQ) cho biết lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính phải giảm từ 40-70% trong giai đoạn từ 2010-2050 và xuống bằng 0 vào năm 2100. Nhiều người hy vọng các tranh cãi sẽ dịu dần khi công nghệ phát thải ít khí thải carbon được phát triển mạnh mẽ hơn giúp giảm chi phí, và ích lợi từ việc cắt giảm khí carbon bắt đầu được ghi nhận.
Thách thức lớn của nước nghèo
Trong khi đó, quá trình quá độ sang kỷ nguyên năng lượng mới sẽ kéo dài và không đơn giản. Những tính toán về kinh tế, xã hội cũng như sự phát triển của các công nghệ khác sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tốc độ và hướng đi của thời kỳ quá độ. Chẳng hạn như, các hình thức lưu trữ năng lượng như pin và ắc quy đang được cải tiến để bù đắp cho việc năng lượng mặt trời và năng lượng gió ngày càng khó cạnh tranh về giá với nhiên liệu hóa thạch. Nhờ chi phí ắc quy tiếp tục giảm, năng lượng mặt trời có thể trở thành nguồn năng lượng thông dụng cho các hộ gia đình.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, gần một nửa công suất năng lượng mới của toàn cầu trong năm 2014 là từ “năng lượng tái sinh”. Tiến trình quá độ sắp tới thậm chí có thể còn không hướng tới một nguồn năng lượng duy nhất, mà thay vào đó sẽ cùng lúc nổi lên nhiều nguồn khác nhau, cạnh tranh thị phần lẫn nhau trên thị trường năng lượng.
Nhà đàm phán của Ấn Độ Ajay Mathur nói với AFP rằng, chi phí đắt đỏ dành cho các dự án đầu tư năng lượng xanh đang là rào cản lớn là bởi nhiều quốc gia, trong đó có Ấn Độ, vẫn đang phải chật vật tìm lời giải cho bài toán đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Ông nói: “Thách thức lớn nhất nằm ở chỗ đây phải là một mục tiêu khả thi”.
Những công nghệ tiết kiệm năng lượng đang gây tác động ngày càng lớn lên thị trường năng lượng. Bằng cách giảm bớt lượng năng lượng cần thiết để vận hành máy móc, các công nghệ mới sẽ giúp các quốc gia dễ dàng thực hiện các mục tiêu về khí hậu mà không phải hy sinh tăng trưởng kinh tế. Dù các nguồn năng lượng mới trở nên thông dụng thì dầu cũng sẽ không hoàn toàn biến mất, tương tự như than đá cho tới nay vẫn chưa bị triệt tiêu.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của dầu sẽ giảm cũng như vị thế của những nước sản xuất dầu. Trong lịch sử, những khu vực sở hữu những trữ lượng dầu lớn thường chiếm vị thế nổi bật trên thế giới. Trung Đông đã là tâm điểm chú ý của quốc tế khi kỷ nguyên dầu lửa bắt đầu. Do đó, tương tự những khu vực khác của thế giới cuối cùng cũng sẽ “thế chỗ” của các quốc gia dầu lửa, trở thành tâm điểm của thế giới khi thị trường năng lượng thay đổi.
Trong bối cảnh những thay đổi chính sách ở cấp quốc gia hoặc quốc tế có thể đẩy nhanh tiến trình quá độ vốn đang diễn ra, thế giới đang tiến đến tương lai không phải phụ thuộc vào dầu lửa. Felipe Calderon – Chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế và Khí hậu – cho rằng, nhiều quốc gia đã sẵn sàng chuyển sang một nền kinh tế phát thải ít khí carbon, và quyết tâm này sẽ càng được củng cố với một thỏa thuận kêu gọi cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch “càng sớm càng tốt”.
Ông nói: “Từ nay, những nguồn đầu tư thông minh sẽ không đổ vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch mà sẽ được dùng để phát triển năng lượng sạch, đầu tư vào các thành phố thông minh và các hoạt động sử dụng đất bền vững hơn”.
Các cuộc tranh cãi tại Paris trong gần 2 tuần qua đã cho thấy rõ nhiều vấn đề đang cản trở cộng đồng quốc tế đạt được những tiến triển trong chính sách biến đổi khí hậu. Một trong những điểm gây bất đồng lớn nhất là khoảng cách giữa các mục tiêu của các nước phát triển và những cái giá mà những mục tiêu đó buộc các đối tác đang phát triển phải hứng chịu.
Trong bối cảnh khả năng công nghệ còn nhiều hạn chế, cộng đồng quốc tế khó có thể thu hẹp được khoảng cách này để đáp ứng những mục tiêu to tát của COP21 trong ngắn hạn.
Khía cạnh độc đáo nhất của các cuộc đàm phán tại Paris là từng quốc gia đều sẵn sàng đề ra những mục tiêu mà trên lý thuyết là khả thi. Thế giới dường như đã sẵn sàng thay đổi và các quốc gia tự nguyện có những bước đi đầu tiên để tạo ra một kỷ nguyên năng lượng mới…
Hoan nghênh kết quả COP21
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi thỏa thuận khí hậu đạt được tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) ở Paris (Pháp) là mạnh mẽ và mang tính lịch sử, đồng thời gọi đây là cơ hội tốt nhất để bảo vệ trái đất trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ông Obama nhấn mạnh: “Thỏa thuận này là cơ hội tốt nhất mà chúng ta có để bảo vệ một trái đất mà chúng ta đang có”. Còn Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javadekar khẳng định: “Chúng ta không chỉ thông qua một thỏa thuận mà chúng ta còn viết lên một chương mới về hi vọng trong cuộc sống của 7 tỷ người trên trái đất”. Trong khi đó, đại diện Trung Quốc tham dự COP21 Giải Chấn Hoa cho rằng thỏa thuận này chứng kiến các nước trên thế giới “đang có những bước tiến lịch sử về phía trước”. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thì nhận định: “Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là một thành công vĩ đại đối với trái đất và người dân địa cầu”. |