ThienNhien.Net – Nhìn từ xa, sông băng Rhone mang màu trắng tinh khôi thuần khiết nhưng sự thật chỉ được phơi bầy khi trực tiếp mục sở thị, du khách sẽ bàng hoàng nhận ra rằng Rhone được bao bọc bởi những tấm chăn khổng lồ màu trắng, một nỗ lực của Thụy Sĩ để làm chậm lại quá trình băng tan.
Dùng chăn để cứu băng
Lá cờ Thụy Sĩ với hai màu chủ đạo trắng và đỏ là điểm nhấn màu sắc duy nhất tại khu vực sông băng này. Những tấm chăn phủ màu trắng nay đã nhàu nhĩ và điểm khuyết bụi bẩn trải dài bao quanh các khối băng rộng lớn ở sông băng Rhone, cách xa lưỡi băng nơi băng tan chảy xuống hồ.
Khu vực dưới lớp chăn này chính là điểm du lịch hấp dẫn của Thụy Sĩ – hang băng đã được tạo tác tại đây hàng năm kể từ 1870 với bức tường băng màu xanh lóng lánh hút hồn.
David Volken, một chuyên gia về băng hiện đang hợp tác làm việc cùng Bộ Môi trường Thụy Sĩ nêu rõ: “Trong 8 năm trở lại đây, họ đã phải dùng chăn bao phủ hang băng để giảm thiểu tình trạng băng tan”. Trong cuộc phỏng vấn với hãng AFP vào tháng 8, Volken phân tích rằng những tấm chăn hỗ trợ đắc lực và ngăn chặn được tình trạng băng tan tới 70%.
Chính những tấm chăn còn giúp “hãm phanh” quá trình tan băng và góp phần duy trì để hang băng mở cửa cả mùa hè nóng nực.
Ngọn núi đang héo mòn
Tuy vậy, ông Jean-Pierre Guignard, một du khách 76 tuổi người Lausanne (Thụy Sĩ) bộc bạch: “Việc tan băng có thể chững lại trong một đến hai năm nhưng rồi đến một ngày họ sẽ phải từ bỏ lớp chăn này bởi vì các khối băng sẽ dần biến mất”.
Rồi ông Guignard hồi tưởng lại về lần đầu tiên được “gặp gỡ” sông băng Rhone là vào năm 1955. Khi đó lưỡi băng trải dài tới sườn núi. Nay đó là một thác nước chảy từ hồ băng và là thượng nguồn của con sông Rhone thuộc châu Âu.
Ông Guignard buồn bã nói: “Thật đau lòng khi thấy sông băng này bị thu hẹp và tôi càng thấy buồn hơn khi nó bị bao phủ bởi những tấm chăn, đó là một bước đi tuyệt vọng để cứu ngọn núi đang thoi thóp”.
Ngay 1.400 m dưới chân ngọn núi, gần với ngôi làng Gletch là cột trụ bằng gỗ từng được sử dụng để dánh dấu mốc nơi con sông băng Rhone từng “bành trướng” tới vào năm 1856.
Kể từ thời điểm đó cho tới nay sông băng Rhone đã mất gần 350m độ dày của băng và chỉ riêng trong thập kỷ qua đã là 40m. Không chỉ các sông băng quanh dãy núi Alps cảm nhận được nhiệt tăng mà nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 2/3 lượng băng tại núi Alps đã tan biến kể từ năm 1850.
Matthias Huss, nhà nghiên cứu về băng tại trường Đại học Fribourg phân tích: “Sông băng Rhone là một ví dụ điển hình cho tình trạng đang diễn ra tại dãy núi Alps. Ngày càng có ít băng được hình thành trên các đỉnh núi và ngay cả khu vực tầm trung của sông băng cũng đang tan ở mức độ khá nhanh”.
Các đại biểu từ 195 nước tham gia Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) ngày 12/12 đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm của toàn cầu, trong đó đáng chú ý có việc giới hạn nhiệt độ tăng thêm ở mức 2 độ C (cố gắng chỉ trong mức 1,5 độ C).
Tuy nhiên đối với băng trên các đỉnh núi dường như thỏa thuận này đã đến chậm chân bởi dãy núi Alps giống như Bắc Cực và Nam Cực đều đang là những điểm nóng của hiện tượng Trái Đất ấm lên.
Chỉ vận chiếc áo phông dưới ánh mặt trời, Volken nói rằng sông băng Rhone vào mỗi ngày nắng nóng có thể phải “chia tay” với 10-12cm băng.
Với việc một cái hồ mới được hình thành dưới bờ sông băng cũng như việc băng ngày càng tối màu (kết quả của việc có chất bẩn bám vào khi băng tan và đông cứng lại) thì quá trình tan băng sẽ bị đẩy nhanh hơn bởi nó khiến băng hấp thu nhiều bức xạ mặt trời.
Khi đắp chăn cũng không đủ
Volken chỉ lên lớp nhấp nhô đang bao bọc các khối băng rồi nói mỗi năm, độ dày của băng giảm đi từ 5 đến 7 m và trong thập kỷ tới dự kiến nó sẽ mất một nửa lượng băng so với hiện nay.
Volken lo lắng nói: “Đến cuối thế kỷ này, sẽ chỉ còn khoảng 10% lượng băng là còn sót lại”. Tuy nhiên những khối băng trên các đỉnh núi Alps tan sẽ có tác động không lớn tới mực nước biển toàn cầu. Huss dự báo rằng nếu tất cả băng ở khu vực này tan, sẽ chỉ làm tăng 0,3 mm mực nước biển tuy nhiên hiểm họa mà nó gây ra đối với người dân địa phương thì vô cùng nguy hại.
Ngọn núi Alps hoạt động như tháp trữ nước, xả ra lượng nước cần thiết trong những tháng mùa hè nóng và khô. Khi các khối băng trên đỉnh núi nuôi dưỡng những dòng sông chảy khắp châu Âu tan nhanh thì mực nước biển sẽ tăng và kéo theo tình trạng lũ lụt.
Đứng trên bờ dòng sông băng Rhone trước tấm chăn kỳ lạ của nó, du khách người Burkina Faso 37 tuổi Christine Ouedraogo trầm ngâm rồi nói: “Nó thật đẹp nhưng đáng tiếc là nó đang tan dần. Tôi không nghĩ rằng những tấm chăn này sẽ là đủ”.