Bài 1: Sóng ngầm vùng giáp ranh
ThienNhien.Net – Thời gian qua, trên tuyến biên giới phía Nam và các tỉnh Tây Nguyên, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng gỗ qua biên giới vẫn liên tục diễn ra.
Lúc trầm lắng, khi sôi động nhưng hoạt động này vẫn “bền bỉ” do nhu cầu trong nội địa luôn cao. Song song đó, các doanh nghiệp vẫn liên tiếp nhập khẩu gỗ về Việt Nam và công tác giám sát, làm thủ tục hải quan đối với mặt hàng này gặp nhiều khó khăn.
Mặt hàng gỗ không ồn ào, sôi động như thuốc lá hay đường kết tinh nhưng “nó” âm thầm qua biên giới bằng nhiều hình thức với nhiều thủ đoạn tinh vi. Gỗ là mặt hàng có giá trị và nhu cầu tiêu thụ trong nước đang rất cao nên các cửu vạn, đầu nậu luôn tìm cách mua bán, vận chuyển trái phép qua biên giới để kiếm lời.
Hiện nay, tuyến biên giới Long An và Tây Ninh, giáp ranh với TP.HCM gỗ lậu vẫn qua biên giới, nhất là mặt hàng gỗ trắc. Từ đầu năm 2015, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam (Công ước về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp) đã ngừng cấp giấy phép nhập khẩu gỗ trắc có nguồn gốc từ Thái Lan và Campuchia. Đối với gỗ trắc từ Lào, cơ quan CITES Việt Nam chỉ xem xét cấp nhập khẩu khi có xác nhận hợp pháp từ cơ quan CITES Lào nên việc buôn lậu mặt hàng gỗ trắc qua biên giới càng tăng. Các đối tượng trong nước thường tổ chức móc nối với những người hoạt động bên kia biên giới để tổ chức những chuyến hàng riêng lẻ hoặc thành đường dây, có tổ chức. Gỗ lậu thường được các đối tượng tập kết bên kia Campuchia tại các cánh rừng rậm hoặc nhận chìm dưới các bãi bùn vì đây cũng là mặt hàng nhà chức trách Campuchia kiểm soát rất chặt chẽ. Việc bắt giữ gỗ lậu qua biên giới rất khó khăn do lực lượng hải quan quá mỏng, bố trí nắm thông tin nội, ngoại biên gần như bất khả thi do các cơ sở ngại bị trả thù…
Tinh vi ở biên giới Long An
Theo thông tin từ Cục Hải quan Long An, hoạt động buôn lậu gỗ tại biên giới Long An tập trung địa bàn huyện Vĩnh Hưng, chủ yếu là gỗ nhóm 1 có giá trị cao như: Trắc, cẩm lai. Chủ các lô hàng thường là người TP.HCM, thuê người địa phương vận chuyển theo chuyến, giá trung bình 20.000.000 đồng/chuyến, nếu bị bắt thì người vận chuyển phải bồi thường cho chủ hàng. Do là người địa phương nên họ rất am hiểu về các tuyến đường vận chuyển để tránh lực lượng chống buôn lậu nên hiệu quả bắt giữ còn hạn chế. Khi vận chuyển, các đối tượng thường sử dụng xe ô tô tải và điều đặc biệt là biển số xe sẽ thay đổi khi đã lên hàng, còn biển số sơn trên thành xe họ dùng bạt xe xổ xuống che kín nên khó xác định. Nếu có người lạ xuất hiện thì họ không cho xe đi.
Một cán bộ hải quan từng tham gia bắt giữ một vụ vận chuyển gỗ lậu qua biên giới cho biết thêm, việc theo dõi, bắt giữ các vụ buôn lậu gỗ qua biên giới cực kỳ khó khăn và phức tạp. Các trùm gỗ lậu thường “ẩn mình” tại Campuchia và chỉ giao dịch qua điện thoại. Nếu thấy có dấu hiệu không an toàn, họ nhanh chóng dừng lại hoặc thay đổi địa điểm giao hàng rất nhanh khiến công tác trao đổi thông tin, phối hợp bắt giữ khó theo kịp, mặt khác không loại trừ trường hợp họ thuê các đối tượng manh động để bảo vệ hàng.
Tại khu vực biên giới Long An, tháng 6 vừa qua Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan Long An đã tiến hành mật phục trong địa bàn xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An và phát hiện xe tải biển kiểm soát 62C-02851 đang di chuyển từ hướng biên giới vào trong nội địa theo như tin báo đã tiến hành truy đuổi. Cuộc truy đuổi kéo dài đến địa phận huyện Thạnh Hóa thì áp sát được xe và yêu cầu lái xe dừng lại để kiểm tra với sự tham gia phối hợp Đội Quản lý thị trường số 5. Người điểu khiển phương tiện đã không xuất trình các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc lô gỗ. Qua kiểm tra thực tế, số gỗ nói trên có số lượng tổng cộng là 8 m3 gỗ vừa gỗ trắc và cẩm lai, trị giá trên 900 triệu đồng.
Vào giữa tháng 11 qua, Đội Quản lý thị trường số 2 – Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã triển khai công tác chống buôn lậu và phát hiện một vụ tập kết gỗ nhập lậu tại bờ sông thuộc ấp Bờ Môn, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường. Tổng số gỗ trên có trọng lượng 3,8 tấn, trị giá tang vật vi phạm khoảng 700 triệu đồng. Các cửu vạn đã nhanh chân bỏ trốn khi phát hiện lực lượng chức năng.
Phức tạp ở biên giới Tây Ninh
Còn tại biên giới Tây Ninh, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép gỗ qua biên giới có phần phức tạp hơn do địa hình rừng rậm còn nhiều xen kẽ là đồng bằng, sông rạch nên các đối tượng buôn lậu có thể tuỳ cơ ứng biến. Mặt khác, hoạt động nhập khẩu gỗ tại các cửa khẩu như Xa Mát, Chàng Riệc, Vạc Sa khá sôi động, số lượng nhiều nên các đối tượng sẽ dễ dàng trà trộn với các hoạt động nhập khẩu gỗ theo con đường chính thức.
Các đối tượng vận chuyển gỗ lậu tại biên giới Tây Ninh thường tổ chức vận chuyển gỗ vào ban đêm bằng xe thồ đến điểm tập kết sát biên giới, chờ cơ hội thuận tiện để đưa về nội địa. Theo khảo sát địa bàn của các lực lượng chức năng, buôn lậu gỗ tại đây gần như hoạt động thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, việc bắt giữ là cả một vấn đề gian nan vì các đối tượng vận chuyển gỗ trái phép thường cất giấu gỗ dưới hàng hóa khác, thuê người địa phương vận chuyển qua các đường ngang, ngõ tắt khiến cho lực lượng khó kiểm tra phát hiện. Như vụ Công an TP. Tây Ninh kiểm tra ô tô tải 54V-5755; vào tháng 8-2015, ban đầu trên xe là 70 bao vỏ chai nhựa phế liệu nhưng dưới đó là 406 lóng gỗ trắc (gần 6 m3) đang được vận chuyển trái phép từ biên giới Campuchia vào địa phận tỉnh Tây Ninh.
Ngoài người địa phương tham gia vận chuyển gỗ lậu, trên biên giới Tây Ninh cũng xuất hiện một số người đến từ TP.HCM và các tỉnh khác lên biên giới tìm cách móc nối với các chủ hàng, cửu vạn để mua gỗ lậu. Trong tháng 10 vừa qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu Xa Mát- Tây Ninh đã bắt giữ đối tượng tên P.E, ngụ tại Đồng Tháp, cất giấu trong người 15.000 USD đang tìm cách vượt biên sang Campuchia. Đối tượng này khai nhận mang tiền từ Đồng Tháp lên Tây Ninh để sang Campuchia mua gỗ thì bị bắt giữ.
Cuối tháng 10 vừa qua, thêm một vụ gỗ trắc lậu vận chuyển qua biên giới, trị giá hơn 400 triệu đồng bị PC 46- Công an Tây Ninh bắt giữ tại đường 781, ấp Hội An, xã Tân Hội, huyện Tân Châu khi kiểm tra ô tô 70C- 027.68. Các đối tượng khai nhận số gỗ trắc có nguồn gốc từ Campuchia được nhập lậu vào Việt Nam và đang trên đường vận chuyển đi TP.HCM tiêu thụ. Trước đó, cũng tại huyện biên giới Tân Châu, Công an huyện đã bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển trái phép sản phẩm gỗ từ Campuchia về Việt Nam gồm mặt bàn, chân trụ, giường bằng gỗ giáng hương, gỗ gõ đỏ trị giá trên 250 triệu đồng. Hai đối tượng này khai nhận liên lạc với một phụ nữ người Campuchia để đặt hàng, thoả thuận giá cả và địa điểm giao hàng tại đường biên giới thuộc ấp Tân Kiên, xã Tân Hà, huyện Tân Châu để giao hàng và nhận tiền. Tưởng “phi vụ ” trót lọt khi cả hai đã nhận hàng, giao tiền nhưng bị Công an huyện Tân Châu tóm gọn khi về đến khu phố 2, thị trấn Tân Châu.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh cho biết, nhu cầu sử dụng gỗ trắc cũng như các loại gỗ khác để sản xuất các bàn, tủ, giường ghế tại các gia đình khá giả ở TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận đang rất cao. Từ đó, các cơ sở sản xuất đồ gỗ đã tìm cách móc nối với các đầu nậu, cửu vạn để tìm nguyên liệu từ bên Campuchia khiến cho tình trạng nhập lậu gỗ quí hiếm từ biên giới về ngày càng nhiều, chủ yếu tập trung địa bàn 2 huyện biên giới Tân Biên và Tân Châu. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã bắt giữ hàng chục vụ vận chuyển, mua bán gỗ lậu, tang vật tịch thu trên 72 m3 và trên 1.000 kg gỗ thuộc nhóm quý hiếm, trên 114 m3 các loại gỗ khác.
(Bài 2- Phức tạp vùng biển Tây)