ThienNhien.Net – Báo Đại Đoàn Kết số 332 ra ngày 28/11, phản ánh công trình đập thuỷ lợi bản Chanh, xã Sơn Thuỷ, huyện vùng cao Quan Sơn (Thanh Hoá) được đầu tư hơn 3 tỷ đồng, đã xây dựng xong nhưng không phát huy tác dụng. Liên quan đến sự việc này, phía đơn vị tư vấn thiết kế đổ lỗi cho nhà thầu, nhà thầu đổ lỗi cho Sở NN&PTNT Thanh Hoá kết luận sai. Trong khi đó, công trình vẫn đang bỏ mặc cho thiên nhiên huỷ hoại, còn cánh đồng trồng lúa rộng hơn 12ha đất của người dân bản Chanh phải bỏ hoang hoá.
Xã không được tự quyết
Trước việc công trình đập thủy lợi bản Chanh không phát huy tác dụng, ông Hà Xuân Tân – Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết: UBND xã Sơn Thủy (chủ đầu tư) đã có báo cáo số 50/BC-UBND gửi UBND huyện Quan Sơn. Ông Tân nhận định, con đập được thiết kế rất lạ. Theo quy luật, đập được xây dựng để ngăn lấy nước từ cùng con suối Mương Dò đều phải cao hơn dòng chảy tự nhiên, khi đưa vào khai thác đều phát huy hiệu quả. Riêng đập Mương Dò lại thiết kế dưới dòng chảy tự nhiên khoảng 60-70cm, do đó nếu có được thanh thải đất, đá thì cũng chỉ lấy được nước vào mùa khô.
Vào mùa mưa lũ, con đập này sẽ không có tác dụng vì sau một cơn mưa, thân đập bị bồi lấp hết. Ngoài ra, thiết kế đặt đường ống dẫn nước không đảm bảo tính kiên cố, kiểu thiết kế lạ này rất có thể gây lãng phí tiền của Nhà nước, rất thiệt thòi cho nhân dân đang mong mỏi được hưởng lợi từ công trình.
Ông Hà Xuân Tân nói: “Sau khi, UBND xã Sơn Thủy có văn bản, đại diện nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, Phòng quản lý chất lượng công trình thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã lên kiểm tra. Tuy nhiên, các bên đổ lỗi cho nhau. Bên thi công nói “chúng tôi đã làm đúng thiết kế”. Bên thiết kế lại khẳng định: “tại anh thi công không thực hiện đầy đủ các hạng mục”. Theo kinh nghiệm, nhìn bằng trực quan, tiếng là đập nhưng nó không ra hình thù của cái đập. Nhân dân thì trông chờ hàng ngày, song ruộng đồng phải bỏ hoang 8-9 năm nay rồi”.
Nói về việc lựa chọn nhà thầu, ông Hà Xuân Tân thật thà: Huyện giới thiệu đơn vị tư vấn thiết kế, giới thiệu nhà thầu. Tiếng xã là chủ đầu tư nhưng không được tự quyết bất cứ việc gì. Họ đến nộp hồ sơ, đủ tiêu chuẩn cả, song thực sự chính quyền địa phương không hay biết năng lực của hai đơn vị này ra sao. “Tôi thấy thiết kế không đạt yêu cầu nhưng vẫn phải cho thi công bởi đã có thẩm định của Sở NN&PTNT Thanh Hóa rồi. Nói về lý thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Nhưng thực tế, chọn ai đều có chỉ đạo của huyện hết”- ông Tân bức xúc.
Cần làm rõ trách nhiệm
Để làm rõ nguyên nhân công trình đập thuỷ lợi bản Chanh không phát huy tác dụng, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã làm việc với ông Nguyễn Văn Kiên – Giám đốc Cty CP tư vấn xây dựng Sông Chu (Cty TVXD Sông Chu), ông Kiên chối bỏ trách nhiệm ngay lập tức. “Riêng đối với đập thủy lợi, mỗi cái một khác nhau, không thể áp đặt giữa đập này với đập khác. Hơn thế, đơn vị thi công chưa hoàn thiện một số hạng mục đúng như thiết kế!”- ông Kiên nói.
Trong khi đó, ông Cao Duy Bạ – Giám đốc Cty TNHH Thành Công (đơn vị thi công) lại tỏ ra bức xúc trước kết luận của Sở NN&PTNT Thanh Hóa về những thiếu sót, sai phạm trong quá trình thi công. Ông Cao Duy Bạ nói: “Sở NN&PTNT Thanh Hóa ban hành kết luận quá vội vàng. Chúng tôi thi công đúng với bản thiết kế của Cty TVXD Sông Chu. Cty TNHH Thành Công sẽ có văn bản phản hồi Sở NN&PTNT Thanh Hóa và gửi báo Đại Đoàn Kết. Vậy nhưng, thời gian trôi qua đã khá lâu, báo Đại Đoàn Kết vẫn chưa nhận được phúc đáp của Cty TNHH Thành Công.
Các đơn vị liên quan đang đổ lỗi cho nhau, còn công trình trị giá hơn 3 tỷ đồng ở xã Sơn Thủy vẫn đang mặc cho dòng nước hủy hoại mỗi ngày. Những biện bạch của đơn vị thiết kế, đơn vị thi công không thể che được sự hiện hữu của một công trình thủy lợi vừa xây dựng xong đã phải bỏ hoang. Việc này cần được Sở NN&PTNT Thanh Hóa kiểm tra làm rõ trách nhiệm thuộc về đơn vị nào và có biện pháp xử lý dứt điểm, tránh làm mất niềm tin trong nhân dân.