ThienNhien.Net – Tại kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa 8, các đại biểu đã tập trung bàn và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh… Trong những vấn đề liên quan sát sườn đến đời sống người dân thành phố, “nóng” nhất vẫn là chuyện cử tri kiến nghị giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường.
Vẫn “nóng” chuyện ngập nước
Trong các kỳ họp của HĐND thành phố gần đây, lần nào chuyện ngập nước cũng được các đại biểu chất vấn cơ quan chức năng. Vấn đề này, từ năm 2007, Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố đã hứa đến hết năm 2012 xóa xong ngập ở khu vực trung tâm thành phố. Nay đã gần hết năm 2015, nhưng ngành GTVT thành phố cũng chỉ ước sẽ xóa giảm 9 trong số 58 điểm ngập. Các cuộc giám sát của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND thành phố vừa qua đã kết luận “công tác chống ngập đạt được kết quả khiêm tốn”.
Ngập nước ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân, thế nhưng, trong12 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội năm 2016 của UBND thành phố trình HĐND thành phố lại không đề cập việc chống ngập. Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng, người dân thành phố rất quan tâm việc giảm ngập nước, vì vậy, cần cân nhắc khi rút chỉ tiêu này ra khỏi kế hoạch năm và cần có sự giải thích thỏa đáng với người dân. Đại diện Hội Nông dân thành phố thẳng thắn đề nghị các cơ quan chức năng thành phố cần “kiểm tra tính hiệu quả của các dự án chống ngập”, vì các sở, ngành cam kết năm 2013 chấm dứt tình trạng ngập úng.
Lý giải về chuyện ngập nước kéo dài, đại diện Trung tâm Chống ngập thành phố cho biết, trong tổng số hơn 6.000 km cống thoát nước các loại cần lắp đặt, đến nay mới làm được hơn 2.500 km (khoảng 43%). Ngay cả hệ thống đê bao ngăn triều và nước mưa cũng chỉ làm được 64 trong số 149 km ở khu vực sông Sài Gòn. Còn cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè mới làm xong một phần mười khối lượng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đặt thêm cống, làm đê bao sông Sài Gòn, van ngăn triều, xây hồ điều tiết…, để hạn chế tình trạng ngập nước chỉ là các giải pháp tình thế. Cùng với biến đổi khí hậu, tình trạng quản lý đô thị lỏng lẻo, san lấp kênh rạch bừa bãi, cộng với mưa to, triều cường, các nhà máy thủy điện xả lũ, dự báo những năm tới tình trạng ngập nước ở thành phố còn có thể rộng và nặng hơn.
Báo cáo tổng kết Chương trình giảm ngập nước vừa qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã nói rõ, hàng chục năm qua, công tác chống ngập nước của thành phố mới chỉ giải quyết được khoảng 10%. Chống ngập được chỗ này lại đẩy ngập sang chỗ khác. Nhiều công trình chống ngập vừa hoàn thành năm trước thì năm sau lại tái ngập. Tình trạng ngập ở thành phố ngày càng diễn biến phức tạp do điều kiện tự nhiên của TP Hồ Chí Minh; tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; công tác quản lý nhà nước về thoát nước và chống ngập còn nhiều bất cập và nhất là do thiếu vốn, lại chậm giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án chống ngập.
Khu dân cư ô nhiễm môi trường
Từ nhiều năm nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thành phố cam kết sẽ di dời dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường xen cài trong các khu dân cư. Thế nhưng, đến nay vẫn còn hàng chục cơ sở chưa di dời, gây ô nhiễm môi trường, làm người dân sinh sống gần đó rất bức xúc. Các đại biểu HĐND thành phố bức xúc vì lời hứa của đại diện Sở TN-MT từ đầu nhiệm kỳ, nhưng đến cuối nhiệm kỳ vẫn chưa giải quyết xong, ảnh hưởng đến người dân.
Cụ thể, Trại heo giống cấp I (Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn) với quy mô hơn 3.500 con heo nằm giữa khu dân cư, thuộc địa bàn phường Linh Xuân (quận Thủ Đức), từ lâu đã có quyết định di dời, nhưng đến nay chưa thực hiện, gây ô nhiễm nặng môi trường chung quanh. Trước đó, thành phố đã tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của trại này, phát hiện hệ thống xử lý chất thải, nước thải không hoạt động, mùi hôi phát tán ra môi trường. Thành phố đã ra quyết định phạt năm triệu đồng và buộc trại heo di dời đến xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi vào cuối năm 2016.
Nhiều cơ sở sản xuất nằm giữa khu dân cư và thành phố yêu cầu di dời từ năm 2003 như trạm nghiền của Công ty cổ phần Xi-măng Hà Tiên I vẫn sản xuất tại quận Thủ Đức. Theo báo cáo của Sở TN-MT thành phố, trước đây, Công ty Xi-măng Hà Tiên I đề xuất di dời trạm nghiền Thủ Đức về Khu công nghiệp Phú Hữu (quận 9), nhưng đề xuất này không được các sở, ngành chấp nhận vì lo ngại sẽ tiếp tục gây ô nhiễm cho các khu dân cư tại khu vực này. Mặt khác, cũng không phù hợp quy hoạch ngành sản xuất vật liệu xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị của TP Hồ Chí Minh.
Theo Sở TN-MT thành phố, sắp tới, các doanh nghiệp nằm xen cài trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường như: Công ty TNHH Nước mắm Việt Hương Hải, Công ty TNHH MTV Dệt Sài Gòn, Công ty TNHH MTV đóng tàu Bình Triệu, Công ty cổ phần Dệt may Gia Định – Phong Phú và Công ty TNHH sản xuất giấy, bao bì Thăng Long… sẽ buộc phải di dời. Các khu công nghiệp, khu chế xuất và cụm công nghiệp cũng như hệ thống kênh, rạch nằm gần khu dân cư sẽ được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí.
UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở triển khai thực hiện ngay các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường; khẩn trương xây dựng kế hoạch di dời và tiến hành di dời ngay. Từ năm 2016, quyết liệt yêu cầu Khu công nghiệp Lê Minh Xuân tiếp nhận các doanh nghiệp di dời. Đồng thời, xử lý mạnh như phạt cao, thậm chí đóng cửa các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, gây ô nhiễm nặng cho môi trường…