ThienNhien.Net – Các con sông đang bị khai thác quá mức và trở nên suy thoái, gây sức ép lớn tới sinh kế và nguồn nước sạch của các cộng đồng sống ven sông. Đây là thực tế được báo động tại Tọa đàm “Sông ngòi và những thách thức” do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam tổ chức ngày 11/12 tại Hà Nội.
Tại Tọa đàm, Bà Trần Thị Lệ Anh, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, nhận định quá trình phát triển kinh tế xã hội đã gây ra nhiều tác động xấu tới môi trường nước. Hiện nay, ngoài nguồn nước khai thác cho sinh hoạt, sông ngòi đang bị khai thác để phát triển các công trình thủy lợi, thủy điện, nuôi trồng thủy sản, phát triển công nông nghiệp, khai khoáng, vận tải thủy. Đây đồng thời cũng là nguồn gây ô nhiễm chủ yếu cho sông ngòi hiện nay.
Theo bà Lệ Anh, chất lượng nước sông đang bị suy thoái ở nhiều nơi, đặc biệt ở các đoạn sông chảy qua các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề với mức độ nghiêm trọng nhất vào mùa khô. Đặc biệt nổi cộm nhất về tình trạng ô nhiễm môi trường là tại ba lưu vực sông: sông Cầu, sông Nhuệ-sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai.
Đơn cử, trên dòng sông Cầu hiện tại tổng lượng thải của các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp và cụm công nghiệp là 80.390 m3/ngày đêm; tổng lượng nước thải làng nghề là trên 86.560 m3 ngày đêm, trong đó lượng nước thải phát sinh từ các làng nghề chế biến nông sản và thực phẩm là lớn nhất, chiếm tới 57.484 m3/ngày và 66,4% tổng lưu lượng thải; các làng nghề sản xuất giấy là 18.057 m3/ngày đêm. Điều đáng quan ngại là chất lượng nước các sông trên toàn lưu vực sông Cầu trong thời gian gần đây có xu hướng ô nhiễm gia tăng, chỉ số chất lượng nước sông năm 2015 có dấu hiệu kém hơn so với các năm trước.
Lý giải về những lỗ hổng trong cơ chế quản lý nguồn nước, một phần nguyên nhân dẫn đến hiện trạng sông ngòi hiện nay, bà Lệ Anh cho rằng một trong những bất cập là do vai trò chủ đạo về quản lý tài nguyên nước và môi trường nước trên lưu vực sông đã được giao cho Bộ TN&MT nhưng đầu mối khai thác, sử dụng lại thuộc rất nhiều bộ ngành chủ quản khác nhau. Trong khi đó, các bộ ngành chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất và chủ động để tạo ra những hiệu quả tích cực về kinh tế và môi trường khi sử dụng khai thác tài nguyên nước trên lưu vực sông. Hiện nay mỗi bộ ngành lại có chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh riêng; khó phân định trách nhiệm, thẩm quyền rõ ràng giữa các bộ ngành; không quy định trách nhiệm các Bộ ngành cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông Nguyễn Hồng Toàn, nguyên Tổng Thư ký Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam cũng đồng tình với nhận định này khi cho rằng một trong những thách thức nổi bật hiện nay đối với quản lý nguồn nước là thách thức về thể chế. Một dẫn chứng là dù đã có Nghị định 120/2008 NĐ-CP về quản lý lưu vực sông, theo đó sẽ có các Ủy ban Lưu vực sông được thành lập để quản lý tổng hợp tài nguyên nước trong lưu vực sông lớn và liên tỉnh, song đến nay chưa có Ủy ban Lưu vực sông nào được thành lập. Ngoài ra, theo ông Toàn, một vấn đề quan trọng cũng cần được thúc đẩy trong quản lý nguồn nước là thể chế hóa vai trò của cộng đồng. Thậm chí, cộng đồng cần phải trở thành một thành viên trong các Ủy ban lưu vực sông trong tương lai.
Để cải thiện tình trạng sông ngòi hiện nay, các đại biểu tại Tọa đàm đã đồng thuận với khuyến nghị cho rằng cần phân định rõ trách nhiệm giữa các bộ ngành; tăng cường vai trò và trách nhiệm của Ủy ban bảo vệ môi trường quản lý môi trường lưu vực sông; tăng cường vai trò và quyền lực cho các cấp; đồng thời tăng cường vai trò của các nhóm cộng đồng.
Bạch Dương