ThienNhien.Net – Hàng trăm nghìn người dân Brazil bị ảnh hưởng bởi vụ tai nạn vỡ đập nước chắn bùn chứa chất thải độc hại tại bang Minas Gerais, miền Đông Nam Brazil, đã không có nước sạch để sinh hoạt trong hơn một tháng qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trong một thông cáo báo chí ngày 8/12, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc, ông Léo Heller đã hối thúc Chính phủ Brazil khẩn trương xử lý thảm họa môi trường này nhằm đảm bảo cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Ông Heller nhấn mạnh Brazil cần hành động ngay và bảo đảm đủ nước sạch và hệ thống vệ sinh thay thế cho người dân khu vực này.
Ông Heller cho biết một tháng đã trôi qua mà hàng nghìn người dân tại các bang Minas Gerais và Espirito Santo vẫn không có đủ nước sạch để dùng.
Theo ông, việc phân phối nước thiếu sự tổ chức, cũng như không có đủ nước sạch cung cấp đã khiến người dân phải đợi hàng giờ mới nhận được một chút nước sạch, không đủ để dùng. Các nhóm người dễ bị tổn thương cũng không nhận được sự ưu tiên nào.
Lo ngại về nguồn nước chính tại sông Doce có các thành tố độc vượt quá mức độ an toàn, ông Léo Heller cũng yêu cầu Chính phủ Brazil cần tăng cường giám sát cả nguồn nước tự nhiên và nước đã qua xử lý, cải thiện kỹ thuật xử lý nước, công bố thông tin cụ thể tới người dân nhằm bảo vệ quyền được uống nước sạch và tiếp cận hệ thống vệ sinh sạch của người dân.
Vụ tai nạn vỡ 2 đập chứa chất thải độc hại của công ty khoáng sản Samarco hôm 5/11, khiến 10 người chết và 15 người bị mất tích được cho là thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử nước Nam Mỹ này.
Các chuyên gia cho rằng chi phí để giải quyết thiệt hại lên tới 1 tỷ USD. Các nhà bảo vệ môi trường nhận định phải mất một thế kỷ mới có thể xử lý xong những tác hại đối với môi trường.
Ước tính có 64 triệu m3 bùn đất cùng nước có chứa chất thải độc hại đã tràn ra, gây ô nhiễm 500 km sông Rio Doce ở phía Đông Nam Minas Gerais và bang Espirito Sant làm hư hại rau màu, ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản và giết chết nhiều sinh vật khác.
Samarco, công ty liên doanh giữa BHP Billiton của Anh và Australia cùng với công ty Vale của Brazil, đã cam kết bồi thường ít nhất 260 triệu USD để khắc phục hậu quả sự cố, đồng thời cũng đang phải đối mặt với một loạt án phạt từ Chính phủ Brazil.