ThienNhien.Net – Độ che phủ của rừng tăng từ 39,7% (năm 2011) lên 40,43% năm 2014, dự kiến năm 2015 đạt 40,73% nhưng kết quả không đạt so với mục tiêu.
Thông tin này được đưa ra Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (2011-2015) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 9/12, tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng mặc dù độ che phủ rừng không đạt kế hoạch, kết quả trồng rừng không đồng đều giữa các địa phương, công tác trồng rừng thay thế chưa đạt được mục tiêu đề ra nhưng ngành lâm nghiệp đã thay đổi được nhận thức của toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng, khi đã lấy rừng thì phải trồng bù rừng.
Trước tình trạng khu vực Tây Nguyên có diện tích rừng giảm khoảng 300.000ha, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng điều này cho thấy công tác kiểm kê, đo đạc rừng đã bị sai số rất lớn do quản lý thủ công. Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải hoàn thành công tác kiểm kê bằng số hóa.
“Nếu không rà soát quy hoạch, hoàn thành kiểm kê rừng; nếu số liệu không chính xác thì cũng sẽ không có được các giải pháp đúng,” Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, mặc dù vẫn có mô hình sản xuất lâm nghiệp đạt được 30-40 triệu đồng/ha thậm chí hàng trăm triệu đồng/ha nhưng đây vẫn là các mô hình đơn lẻ, nhiều nơi người dân vẫn chưa sống được bằng nghề rừng. Bên cạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất tốt, ngành cần kêu gọi doanh nghiệp, xã hội quan tâm đầu tư hơn nữa vào lâm nghiệp.
“Vẫn còn dư địa cho khối doanh nghiệp đầu tư vào lâm nghiệp. Khi doanh nghiệp vào, họ vừa có tư duy thị trường, vừa có vốn và sẽ có sự hợp tác với người dân,” Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ.
Sau hơn 5 năm triển khai Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, ngành lâm nghiệp đã có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng xấp xỉ 2 lần so với giai đoạn 2006-2010, bình quân đạt 5,95%/năm, so với 3,1%/năm giai đoạn 2006-2010. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng xấp xỉ 1,5 lần, ước đạt khoảng 6,8-7,0 tỷ USD vào năm 2015.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, nguyên nhân là do kết quả điều tra, kiểm kê rừng 5 tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương bị lệch so với số liệu báo cáo năm 2013 khi tổng diện tích rừng bị giảm 157.949 ha, tương ứng khoảng 0,53% độ che phủ rừng toàn quốc.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá chất lượng rừng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên vẫn còn suy giảm ở một số địa phương. Sản lượng gỗ rừng trồng bình quân 70-80 m3/ha/chu kỳ khai thác (4-6 năm), giá trị thu nhập trên 1ha rừng trồng thấp, bình quân chỉ đạt khoảng 7-8 triệu đồng/ha/năm. Bởi vậy, đời sống của người dân làm nghề rừng còn thấp, tỷ trọng thu nhập từ lâm nghiệp chỉ chiếm 25% trong tổng thu nhập của nông dân.
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng trên đơn vị diện tích; chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng của ngành theo hướng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh; từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy, ván nhân tạo, đáp ứng nhu cầu gỗ, củi và các lâm đặc sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 7%/năm; kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt khoảng 9,5 tỷ USD vào năm 2020.
Ngành đặt mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững đối với 100% diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới. Đến năm 2020, diện tích rừng đạt khoảng 14,87 triệu ha, giảm căn bản tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; phát huy có hiệu quả các chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và tính đa dạng sinh học của rừng.
Mục tiêu đặt ra là diện tích rừng bị thiệt hại và số vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm 30-35% so với giai đoạn 2011-2015; độ che phủ rừng nâng lên 42-43% vào năm 2020, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biển đổi khí hậu.