ThienNhien.Net – Mới đây, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Biểu thuế tài nguyên mới, trong đó bảo lưu cơ bản những đề xuất tăng thuế suất hầu hết các loại khoáng sản và nước thiên nhiên mà Bộ Tài chính đã đưa ra hồi tháng 7-2015.
Đóng góp nguồn thu ổn định
Trong tờ trình, Chính phủ nhấn mạnh: Thuế tài nguyên là một trong những công cụ tài chính, thể hiện vai trò sở hữu Nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của tổ chức, cá nhân. Thuế suất thuế tài nguyên thể hiện mức độ điều tiết của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên. Luật Thuế tài nguyên đã quy định Biểu khung thuế suất và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên chịu thuế.
Ngay sau khi Luật được thông qua, năm 2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Biểu thuế tài nguyên đầu tiên. Năm 2013, Biểu thuế này được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 712/2013/NQ-UBTVQH13 và đến nay vẫn đang được áp dụng với những mức thuế suất cụ thể cho từng loại tài nguyên trên cơ sở Biểu khung thuế suất đã được Quốc hội phê duyệt.
Theo đánh giá của Chính phủ, cho đến nay, về cơ bản, việc áp dụng thuế tài nguyên đã đạt được những mục tiêu, yêu cầu đề ra khi ban hành. Đó là góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu không khuyến khích khai thác tài nguyên không tái tạo, có giá trị kinh tế lớn; góp phần đảm bảo khai thác tài nguyên tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân nơi có tài nguyên được khai thác… Việc áp dụng thuế tài nguyên cũng là công cụ quan trọng để cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác tài nguyên; đồng thời đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước với số thu thuế ổn định qua các năm.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2011, số thu thuế tài nguyên là 39.299 tỷ đồng, chiếm 5,4% tổng thu ngân sách; năm 2012 là 41.312 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng thu; năm 2013 là 37.875 tỷ đồng, chiếm 4,6% tổng thu; năm 2014 là 38.048 tỷ đồng, chiếm 4,4% tổng thu. Trong đó, số thu từ dầu thô thường chiếm 79% trên tổng số thu thuế tài nguyên.
Đặc biệt, với việc điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên tại Nghị quyết số 712 đã khắc phục những tồn tại, hạn chế về mức thuế suất thuế tài nguyên trong giai đoạn đầu triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với tài nguyên nói chung và bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia nói riêng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính- đơn vị quản lý trực tiếp, mức thuế suất thuế tài nguyên hiện hành vẫn chưa đủ để góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên; chưa phù hợp với tiến trình đổi mới cơ chế quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển rừng. Mức thuế này trên thực tế còn thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật về nguồn thu ngân sách Nhà nước. Theo Bộ Tài chính, cùng với bối cảnh hội nhập quốc tế, thuế XK sẽ dần bị xóa bỏ, việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên là cần thiết để đảm bảo thực hiện mục tiêu không khuyến khích khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị lớn, góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Vẫn đảm bảo lợi ích của DN
Tờ trình Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ bản vẫn bảo lưu những phương án điều chỉnh theo 4 nhóm mặt hàng mà Bộ Tài chính đã đưa ra xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, DN hồi tháng 7-2015.
Cụ thể, đối với khoáng sản không kim loại- nhóm có đóng góp thu khá lớn (khoảng 5.628,3 tỷ đồng), Chính phủ đề nghị tăng thuế suất đá hoa trắng, cát, cát làm thủy tinh, đất làm gạch, granit đồng loạt tăng lên mức trần 15%; tăng từ 7% lên 10% đối với than antraxit hầm lò, than khác và tăng từ 9% lên 12% đối với than antraxit lộ thiên, than nâu, than mỡ… Với phương án này, số thu thuế từ nhóm này sẽ tăng khoảng 2.171,5 tỷ đồng so với năm 2014. Phương án này vốn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi xây dựng dự thảo do phần lớn các khoáng sản trong nhóm này là nguyên liệu đầu vào phục vụ quá trình sản xuất, một số khác là vật liệu không thể thiếu của ngành xây dựng. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cho rằng, cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, nhu cầu sử dụng than cho sản xuất điện và vật liệu phục vụ xây dựng sẽ ngày càng tăng. Do đó, để góp phần khai thác, sử dụng tài nguyên, tiết kiệm, có hiệu quả, cần phải tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với nhóm này để hạn chế khai thác. Cơ quan soạn thảo cũng khẳng định, các mức thuế mới đã được đưa ra trên cơ sở tính toán phù hợp với thực tế và vẫn đảm bảo lợi ích của DN.
Tương tự với nhóm khoáng sản kim loại, Chính phủ đề xuất tăng thuế tài nguyên đối với sắt từ 12% lên 14%; titan từ 16% lên 18%; vàng từ 15% lên 17%; wolfram, antimoan từ 18% lên 20%; đồng từ 13% lên 15%; mangan từ 11% lên 14%; bạch kim, bạc, thiếc từ 10% lên 12%; chì, kẽm từ 10% lên 15%; đất hiếm từ 15% lên 18%,… Riêng nhôm, boxit và niken không điều chỉnh thuế suất.
Dự tính, với các mức tăng như trên, số thu thuế tài nguyên từ khoáng sản kim loại sẽ tăng thêm khoảng 125 tỷ đồng so với số thu năm 2014.
Trước đó, nhiều DN đã đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đề xuất này vì hoạt động khai thác, chế biến các loại kháng sản kim loại đang gặp nhiều khó khăn, giá giảm và phải cạnh tranh gay gắt với nguồn hàng NK rẻ. Tuy vậy, đề xuất này vẫn được cơ quan soạn thảo giữ trong dự thảo mới vì đây là loại tài nguyên không tái tạo, có giá trị kinh tế lớn nhưng việc khai thác vẫn chưa hiệu quả, chưa áp dụng công nghệ tiên tiến, gây lãng phí tài nguyên; đa số các khoáng sản kim loại chưa được chế biến sâu. Theo Bộ Tài chính, phương án nêu trên cũng đã được tính toán để đảm bảo lợi ích của DN.
Một nhóm tài nguyên nữa cũng đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt là nước thiên nhiên. Theo Chính phủ, hiện nay, nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, trong khi tình trạng khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước còn lãng phí, hiệu quả sử dụng nước thấp, thiếu bền vững gây suy giảm nguồn tài nguyên nước. Do vậy, Chính phủ dự kiến tăng thuế nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp từ 8% lên 10%; nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện tăng từ 4% lên 5% (mức trần); nước thiên nhiên dùng cho sản xuất kinh doanh – nước dưới đất sử dụng cho sản xuất nước sạch và cho mục đích khác tăng tương ứng từ 3% lên 5% và từ 5% lên 8% (mức trần). Với mức thuế suất sau khi điều chỉnh, số thu sẽ tăng thêm 887,7 tỷ đồng so với năm 2014.
Giảm thuế đối với gỗ rừng tự nhiên
Nhóm cuối cùng mà Chính phủ đề nghị điều chỉnh thuế là các sản phẩm từ rừng tự nhiên. Theo Chính phủ, đầu năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Theo đó, việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển rừng tự nhiên trong thời gian tới được thực hiện theo phương thức quản lý rừng bền vững, chỉ thực hiện khai thác rừng tự nhiên tại các khu vực đã được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và việc khai thác tận thu, tận dụng trên diện tích rừng sản xuất được Nhà nước giao với mục tiêu là tăng trưởng sản lượng rừng, hạn chế mất và suy giảm chất lượng rừng. Một trong nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu nêu trên là giảm thuế tài nguyên đối với gỗ khai thác rừng tự nhiên. Thực hiện chỉ đạo này và cũng nhằm khuyến khích, thu hút các chủ rừng tích cực tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, Chính phủ dự kiến giảm thuế gỗ nhóm I từ 35% xuống 25%; gỗ nhóm II từ 30% xuống 20%; gỗ nhóm III, IV từ 20% xuống 15%; gỗ nhóm V, VI, VII, VIII và các loại gỗ khác từ 15% xuống 10%. Các sản phẩm còn lại được giữ như hiện hành. Việc giảm thuế này không gây ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước do số thu thuế tài nguyên của các sản phẩm này chỉ khoảng 155 tỷ đồng/năm và giảm dần qua các năm. |