ThienNhien.Net – Chú tê giác trắng cái Thandi là một trong những trường hợp hiếm hoi may mắn sống sót sau khi bị cưa sừng. Sự sống sót này thật kỳ diệu, nhưng nếu không có nạn săn trộm sừng tê giác, Thandi cũng không phải trải qua quãng thời gian đấu tranh giữa sự sống và cái chết đầy đau đớn. Sau gần 3 năm, vượt qua nỗi đau và sợ hãi, Thandi sinh hạ một tê giác con xinh đẹp. Câu chuyện về chú tê giác Thandi không sừng đặt dấu hỏi lớn cho công tác ngăn chặn nạn săn trộm và buôn bán trái phép sừng tê giác.
Ngày 2 tháng 3 năm 2012, Thandi cùng hai cá thể tê giác đực khác đã được kiểm lâm tìm thấy ở khu vực thuộc tỉnh Eastern Cape (Nam Phi) trong tình trạng bị tấn công bởi một loại thuốc mê cực mạnh và phần sừng bị cưa mất. Khi nhân viên cứu hộ tới nơi đã chứng kiến một cảnh tượng đáng sợ. Một cá thể tê giác đực lớn nhất đã chết, Thandi và Thema (một trong hai cá thể đực) vẫn còn sống nhưng không còn sừng và nửa khuôn mặt, do các tên cưa trộm cố gắng khoét sâu để lấy cả phần chân sừng.
Hai chú tê giác này bị mất quá nhiều máu và rơi vào hôn mê sâu. Theo các bác sĩ thú y, loại thuốc mê mà các đối tượng săn trộm sử dụng ảnh hưởng xấu tới hai chú tê giác hơn cả việc chảy máu do vết thương vì thuốc mê liều cao sẽ làm giảm khả năng hô hấp, giảm lượng oxy trong máu cung cấp cho các cơ quan quan trọng, dẫn tới tê liệt thần kinh và chết mô. Do vậy, ưu tiên hàng đầu đối với các bác sĩ vào thời điểm đó là giúp các chú tê giác tỉnh táo lại thật nhanh.
Sau thời gian cấp cứu, một chân của Themba bị khập khiễng và gặp khó khăn trong việc đi lại, trong khi Thandi gần như không có cơ hội sống sót. Thandi rất yếu, mất gần 20 lít máu, sừng bị cưa sâu vào sọ, đường mũi bị hở và gặp khó khăn cả trong việc thở. Dịch chảy ra từ các hốc xoang và lỗ mũi khá lớn gây khó khăn cho các bác sĩ. Thandi bắt đầu có phản ứng khi được bác sĩ cho uống thuốc giải độc. Đó giống như cảm giác thức dậy và phát hiện ra bị thiếu mất một chân.
Những tuần tiếp theo, cả hai chú tê giác được theo dõi cả ngày lẫn đêm. Bác sĩ tiếp tục chữa trị những vết thương dù vẫn hoài nghi khả năng cứu sống hai chú tê giác này.
Tình trạng của Themba có vẻ khả quan hơn khiến các bác sĩ tin rằng có thể cứu sống chú tê giác này. Tuy nhiên, 23 ngày sau vụ tấn công, Themba đã bị trượt chân xuống hồ khi đang uống nước và không thể thoát lên được vì còn yếu và chân khập khiễng. Đội cứu hộ đã cố gắng giữ đầu Themba khỏi mặt nước nhưng không đưa được nó lên vì quá nặng. Themba đã ra đi trong sự tiếc nuối của các nhân viên cứu hộ. Trong quá trình mổ khám nghiệm, các bác sĩ phát hiện các khớp chân của Themba đã bị nhiễm trùng do nằm một chỗ quá lâu. Sự ra đi của Themba khiến đội cứu hộ quyết tâm không thể để mất thêm Thandi.
Với vô số lần điều trị trong vòng một năm, Thandi đã có những dấu hiệu hồi phục đáng kể cả về thể trạng và tâm lý. Phần mặt của Thandi đã liền lại và nó bắt đầu quay lại những thói quen cũ. Tháng 5 năm 2013, một cá thể đực 10 tuổi đã được đưa tới để giao phối với Thandi. Nhưng vài tuần sau đó, hai cá thể này đã xảy ra ẩu đả, lớp da mũi yếu ớt mới lành của Thandi lại bị bong trầy. Một nhóm bác sĩ thú ý lại được tập hợp để điều trị cho Thandi.
Trong hơn một năm điều trị cho Thandi, các chuyên gia đã thử nghiệm và phát triển thành công kỹ thuật cấy ghép da ở tê giác hiệu quả nhất. Bốn phương pháp cấy ghép da đã được áp dụng với phần mặt bị tổn thương của Thandi bao gồm chia tách da (tách một phần biểu mô và đặt vào vùng mô tổn thương), kẹp sinh thiết (cắt một phần da và cài vào vùng tổn thương), vá da (lấy một mảng da từ tai và vá vào vùng tổn thương) và một kỹ thuật lai giữa 2 phương pháp kẹp sinh thiết và vá da.
Tuy nhiên, Thandi không phải một bệnh nhân chịu nghe lời và liên tục trà xát vùng da non nớt mới được cấy ghép. Các bác sĩ đã phải theo dõi rất chặt chẽ tình trạng của Thandi và hy vọng rằng một số mô sừng sẽ phát triển. Điều này không chỉ giúp khôi phục vẻ ngoài của Thandi mà còn giúp nó hòa nhập với cuộc sống bình thường trong tự nhiên, đóng góp cho chính loài tê giác trắng bằng việc sinh một chú tê giác con vào đầu tháng 1 năm nay.
Những kinh nghiệm thu được từ việc cứu chữa thành công cho Thandi hiện được áp dụng để điều trị cho nhiều trường hợp tê giác bị cưa trộm sừng khác, đóng góp cho khoa học phẫu thuật động vật hoang dã và công tác bảo tồn thiên nhiên của nhân loại. Diện mạo của Thandi đã hoàn toàn thay đổi khi không còn sừng, hình ảnh này chính là hình ảnh biểu tượng về tình trạng đáng thương của loài tê giác hiện tại do chính nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác, chủ yếu là ở một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam gây ra.