ThienNhien.Net – Những người hành nghề Y học cổ truyền (YHCT) trẻ tại Việt Nam đang tạo ra một phong trào mới về bảo vệ động thực vật nguy cấp với cam kết không sử dụng động thực vật hoang dã nguy cấp trong hành nghề. Cam kết này được đưa ra bởi các nhà khoa học, giảng viên và hơn 600 học viên đến từ 11 cơ sở đào tạo về YHCT hàng đầu Việt Nam, trong hai buổi tập huấn do Mạng lưới Giám sát buôn bán Động thực vật Hoang dã TRAFFIC phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung Ương (T5G), Bộ Y tế, tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại những quốc gia phổ biến việc khám chữa bệnh bằng YHCT, ví dụ như Việt Nam, nhu cầu đối với sản phẩm ĐTVHD đang làm suy giảm nghiêm trọng các quần thể động vật hiếm. Nạn săn trộm hiện đang tiếp diễn bất kể việc pháp luật Việt Nam nghiêm cấm săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã nguy cấp: năm 2011, loài Tê giác Java chính thức bị tuyên bố tuyệt chủng tại Việt Nam, năm 2014, chỉ riêng tại Nam Phi đã có 1.215 cá thể tê giác bị săn trộm, tương đương với hơn 3 cá thể bị săn trộm mỗi ngày. Những loài tê giác khác trên thế giới cũng đang phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng của nạn săn trộm lấy sừng. Tê tê tại Châu Phi và Châu Á cũng như Gấu ngựa tại Việt Nam và các nước lân cận cũng đang phải chống chọi với nạn săn trộm để làm thuốc hoặc để thể hiện đẳng cấp.
Sứ mệnh hành nghề chữa bệnh có trách nhiệm và an toàn, qua đó bảo tồn và phát triển nền YHCT Việt Nam có thể được tái khẳng định qua việc đảm bảo các học viên YHCT không tạo ra rủi ro pháp lý cho bản thân hoặc bệnh nhân, cũng như không đẩy các loài động vật hiếm đến bờ vực tuyệt chủng. Thông điệp này hứa hẹn sẽ tiếp tục lan tỏa tới nhiều cơ sở đào tạo YHCT khác trên toàn quốc sau hai buổi tập huấn.
“Y học cổ truyền chú trọng đến sự hài hòa giữa tinh thần và thể chất của con người, giữa con người và thiên nhiên. Để đạt được điều này, YHCT cần không kê đơn thuốc có thành phần từ ĐTVHD nguy cấp, được bảo vệ, ví dụ như sừng tê giác. Có rất nhiều dược liệu có thể thay thế ĐTVHD đảm bảo chất lượng mà vẫn không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thiên nhiên.” GS.BS Hoàng Bảo Châu – Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam khẳng định.