ThienNhien.Net – Ăn cơm với khói độc, ngủ cùng bụi, sống chung với ô nhiễm… đó là thảm cảnh mà hàng trăm hộ ở thôn An Tri, xã Bình Trung (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) chịu đựng hơn 4 năm qua. Người dân cho rằng thủ phạm gây ra tình trạng trên chính là Nhà máy xi măng Hồng Phong và Nhà máy sản xuất chì của Công ty cổ phần kim loại màu Bắc Bộ gây ra.
Nhà máy xả thải, dân ngoắc ngoải
Năm 2010, khi dự án nhà máy xi măng Hồng Phong khởi công xây dựng người dân nghèo thôn An Tri rất vui mừng bởi họ luôn hi vọng sau khi nhà máy hoàn thành sẽ giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, thời điểm nhà máy chính thức đi vào hoạt động thì cũng là lúc người dân bị “vỡ mộng” vì con em trong thôn được tuyển vào làm việc ở nhà máy xi măng rất ít. Cũng từ đó cuộc sống người thôn An Tri bắt đầu bị đảo lộn do ô nhiễm môi trường và nổ mìn phá đá của nhà máy xi măng gây ra.
Bước tới khu vực xung quanh nhà máy này, hình ảnh khiến chúng tôi cảm thấy ớn lạnh là làn khói từ ống khói, bụi từ dây chuyền sản xuất, máy nghiền, sàng đá quyện vào nhau khiến bầu khí đặc quánh đến ngộp thở. Tại đây, bụi đá, bụi xi măng phủ trắng từ nhà cửa, vườn tược, cây cối. Để chống trọi với bụi, các nhà dân xung quanh chỉ còn cách đóng cửa kín mít nhưng vẫn không ăn thua. Trong nhà, các vật dụng vẫn phủ một lớp bụi dày.
“Nhiều năm qua chúng tôi sống quá khốn khổ rồi. Quanh năm, suốt tháng, nhân dân ăn cơm trộn bụi, ngủ chung với bụi. Dọn cơm ra phải ăn vội vàng nhiều khi mắc nghẹn nếu không thì bụi bám đầy thức ăn, không nuốt nổi. Người dân không dám phơi quần áo ra ngoài vì có phơi thì cũng nhiễm bụi phải giặt lại. Nhiều hôm ngồi trong nhà đeo khẩu trang vẫn ho sặc sụa…” – anh Toàn, một người sống gần nhà máy bức xúc.
Không chỉ khốn khổ vì khói bụi, người dân nơi đây còn bị tra tấn bởi tiếng máy móc của nhà máy xi măng gây ra. Tiếng máy móc “nhức ối, đinh tai” suốt ngày đêm khiến người dân nhức đầu, mất ngủ. Theo người dân thôn An Tri phản ánh, trước kia nhà máy xi măng ngang nhiên xả bụi đen kịt giữa ban ngày, nhưng người dân “kêu” mãi họ lại chuyển sang xả ban đêm. Nửa đêm, khi người dân đi ngủ là y như rằng khói bụi đen kịt lại ngập trời. Hơn nữa, nửa đêm trời tối mịt, người dân muốn bắt quả tang hành vi của nhà máy cũng chẳng được không “chụp” được chứng cứ để kiện.
Ngoài ra, việc nổ mìn phá đá để sản xuất xi măng cũng gây thiệt hại cho nhân dân trong vùng. Mỗi khi nhà máy này nổ mìn, cả khu vực rộng lớn xung quang rung chuyển như động đất. Nhà cửa các hộ dân cứ thế mà nứt chằng chịt từ chân tường đến mái nhà. Theo thống kê toàn thôn An Tri có khoảng 30 hộ bị nứt nhà do nổ mìn phá đá.
Cách Nhà máy xi măng Hồng Phong không xa, Nhà máy chì của Công ty cổ phần kim loại màu Bắc Bộ tọa lạc ở cuối thôn An Tri cũng gây hại cho dân không kém. Theo người dân cho biết, nhiều năm qua, do sản xuất chì phải dùng nhiều hóa chất độc hại mà công ty không chú trọng bảo vệ môi trường khiến nhân dân quanh khu vực ngoắc ngoải vì ô nhiễm không khí và nguồn nước.
Người dân cho hay, do hít khí độc của nhà máy chì lâu ngày nên hầu hết người dân xung quanh nhà máy bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Số người mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa, bệnh hiểm nghèo cứ thế mà tăng lên. Mỗi khi nhà máy hoạt động hết công xuất, đốt phế thải đúng ngày âm u thì mùi nồng nặc không ai chịu được phải dạt đi nơi khác lánh nạn. Trâu bò, gà vịt cứ xuống uống nước hay ăn cỏ ở nhà máy chì là chết dần, chết mòn mà không rõ nguyên nhân.
Những gia đình không chịu nổi cảnh tử thần “gặm nhấm” sức khỏe nên đành đóng cửa nhà bỏ xứ đi nơi khác. Số khác không có tiền mua đất ở nơi khác đành cắn răng sống chung với nhà máy ô nhiễm.
“Ở đây độc hại lắm nhưng có tuổi rồi mình biết đi đâu, chỉ biết bảo ban con cái cố gắng học hành thật tốt để đi nơi khác kiếm sống, không phải quay lại nơi này nữa. Cả thôn làm đơn kêu cứu suốt. Kêu nhiều, kêu chán rồi cũng phải chịu thôi. Nhiều đoàn kiểm tra xuống nhưng không thấy thông báo kết quả gì. Chương trình di dân gần nhà máy nhưng mấy năm nay chả động tĩnh gì…” – ông Nông Trường Sơn, người dân sống cạnh Nhà máy chì Bắc Bộ lắc đầu ngao ngán.
Theo quan sát, hai nhà máy xả thải ô nhiễm, một đầu thôn, một ở cuối thôn như gọng kìm bóp nghẹt cuộc sống của người dân thôn An Tri. Do sự ô nhiễm bởi hai nhà máy gây ra, người dân nơi đây còn đối mặt với nguy cơ đói, nghèo hiện hữu bởi do khói bụi dày đặc, hóa chất hủy hoại đất khiến diện tích lớn đất đai, ruộng vườn bị hủy hoại.
Trước đây chưa có nhà máy, cây cối tốt tươi, dù không giàu nhưng người dân no cái bụng quanh năm. Giờ thì cây ăn quả không thể đơm hoa kết trái, ruộng lúa, hoa màu cứ héo úa rồi chết dần, chết mòn vì ô nhiễm. Hầu hết người dân thôn An Tri chủ yếu sống vào nông nghiệp nhưng cây lúa, hoa màu cây cối không thành cực chẳng đã họ phải đi làm thuê khắp nơi tha phương cầu thực.
Thôn nói có, Sở bảo không
Ngồi ở nhà ông Phan Trung Thủy – Trưởng thôn An Tri, cách Nhà máy chì Bắc Bộ cả cây số nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy khó thở bởi mùi khét lẹt từ phía nhà máy chì phát ra. Có lẽ hứng chịu mùi này quá lâu ngày cộng với thời điểm này mùi rất nặng không chịu được nên vừa trò chuyện với phóng viên ông Thủy vừa ho sặc sụa liên hồi. “Có lẽ hít khói độc lâu ngày tôi bị lao phổi mất rồi. Trong thôn nhiều người ho như tôi lắm…” – ông Thủy trần tình.
Ông Thủy xác nhận, nhà máy xi măng Hồng Phong không chỉ gây khói bụi mà còn làm nứt nhà dân. Chính tường và trần nhà ông Thủy cũng bị nứt toác.
Còn Nhà máy chì Bắc Bộ xả khói khét khiến dân kêu ca rất nhiều. Trồng cây không phát triển được mà chết dần, chết mòn. Nhà ông Thủy cũng có 100 cây hồng mà chết hết vì ô nhiễm. Trâu bò uống nước gần nhà máy là y như rằng sau đó chết không rõ nguyên nhân. Những hộ thấp hơn nhà máy thì không ai dám dùng nước giếng.
“Thôn tôi còn nghèo lắm, người dân chủ yêu dựa làm ruộng, trồng cây ăn quả nay cây cối hoa màu không phát triển nên mọi người phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm sống. Cánh đồng xung quanh Nhà máy chì Bắc Bộ trước kia màu mỡ giờ thành cánh đồng hoang rồi. Làm đơn lên xã, lên huyện, tiếp xúc cử tri các cấp kiến nghị rất nhiều những không ai giải quyết. Cứ khi nào đoàn kiểm tra xuống là nhà máy quét dọn sạch sẽ, nghỉ mấy ngày liền nên lại kết luận không ảnh hưởng gì. Chúng tôi mong muốn cấp trên xem xét phải giải quyết vấn đề ô nhiễm, muốn đi dân đến nơi khác để ổn định cuộc sống…” – Trưởng thôn An Tri than thở.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Vương Trung Hải- Chủ tịch MTTQ xã Bình Trung cũng xác nhận, 2 nhà máy nêu trên gây ô nhiễm môi trường khiến dân bức xúc và kiến nghị nhiều lắm. Nhà máy xi măng Hồng Phong, Nhà máy chì Bắc Bộ gây ô nhiễm rồi nhưng không hiểu sao khi bên ngành Môi trường xuống kiểm tra lại bảo không có gì, không ảnh hưởng gì.
Theo ông Vương Trung Hải, thống kê xung quanh Nhà máy xi măng Hồng Phong và Nhà máy chì Bắc Bộ có tới 97 hộ ở 2 thôn bị ảnh hưởng. Ngoài ra khu vực trung tâm xã cũng bị ảnh hưởng nhưng chưa thống kê. “Sau khi tiếp xúc cử tri, MTTQ xã tổng hợp ý kiến của cử tri đề nghị với UBND, HĐND và ngành chức năng xuống kiểm tra, xem xét để mà trả lời người dân bằng văn bản những vấn đề dân bức xúc. Tuy nhiên, dân kiến nghị mãi nhưng cấp trên chưa trả lời…” – ông Hải cho biết.
Dân bức xúc là vậy nhưng Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đình Duyệt lại tỏ ra thờ ơ. Sau đề nghị của phóng viên, vị này mới vội vàng gọi điện cho lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh yêu cầu xuống thôn An Tri kiểm tra tình hình ngay và hẹn hôm sau sẽ trả lời chính thức.
Đúng hẹn, phóng viên liên hệ với ông Duyệt thì nhận được câu trả lời: “Đến giờ này, Sở TN&MT tỉnh chưa nhận được ý kiến phản ánh nào từ nhân dân, từ xã và huyện. Hàng năm, Sở vẫn tiến hành kiểm tra thường xuyên. Khi nhận được báo chí phản ánh, Sở đã kiểm tra nhưng không phát hiện được tình trạng ô nhiễm môi trường như bà con phản ánh. Việc nứt nhà dân do bên nhà máy xi măng nổ mìn phá đá cũng chưa xác định được do nguyên nhân có phải từ việc nổ mìn hay không. Khói bụi xung quanh Nhà máy xi măng Hồng Phong và nhà máy chì thì anh sẽ cho cán bộ đưa máy móc thiết bị đi đo vì không thể nói bằng lời được…”.
Được biết, Nhà máy xi măng Hồng Phong và Nhà máy chì Bắc Bộ từng bị Bộ TN&MT xử phạt hành chính do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tiếp cận chỉ một thời gian ngắn ở xung quang 2 nhà máy trên mà chúng tôi không chịu nổi, vậy mà hết năm này qua năm khác, hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn “cắn răng” chịu đựng. Chắc có lẽ đến khi nơi đây biến thành “làng ung thư” thì cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn mới động lòng để giải quyết chăng? Mong ngành chức năng địa phương cần vào cuộc kiểm tra nghiêm túc, đừng bỏ mặc nhân dân đơn độc theo kiểu “Kêu nhiều, kêu chán rồi cũng phải chịu thôi”.