ThienNhien.Net – Chính phủ và các tổ chức tư nhân ngày nay đang ngày càng nhận thức được cơ hội tiết kiệm qua việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Theo ước tính, toàn khối ASEAN có thể tiết kiệm tới 43 tỷ USD nếu các nước thành viên tích cực áp dụng chiến lược công nghệ cao giúp tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng. Chỉ tính riêng Thái Lan, số tiền tiết kiệm được có thể lên tới hơn 1,1 tỷ USD từ các ngành thương mại và công nghiệp.
Để đạt được mục tiêu phát triển khối cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong thập kỷ tới, các quốc gia thành viên cần gia tăng một cách đáng kể nguồn cung năng lượng. Bên cạnh việc tăng cường xây dựng thêm các nhà máy năng lượng, việc tìm kiếm các biện pháp tiết kiệm năng lượng là nhiệm vụ cấp bách để duy trì đà phát triển của toàn khối ASEAN. Các dự án xây dựng hạ tầng lồng ghép các giải pháp tăng hiệu suất sử dụng năng lượng hiệu quả có thể giúp chủ đầu tư tiết kiệm đáng kể ngay từ vạch xuất phát mà không phải chịu các rủi ro tài chính hay vận hành. Vậy tại sao với tiềm năng hấp dẫn như vậy, các phương pháp sử dụng năng lượng hiệu quả vẫn chưa được áp dụng phổ biến?
Một trong những nguyên nhân hàng đầu là khoảng cách giữa mục tiêu chính sách và thực thi chính sách. Theo đó, các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm đối với các chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả cần tăng cường hợp tác để tránh chồng chéo. Chỉ dựa vào một bộ khung quản lý là chưa đủ khi hiệu quả của chính sách phụ thuộc vào khả năng thực thi pháp luật của cơ quan hành pháp, cùng các tiêu chuẩn và cơ chế để bảo đảm chính sách được tuân thủ nghiêm ngặt. Chưa kể, một số quốc gia vẫn có chính sách trợ giá cho năng lượng hoá thạch, khiến chi phí thực của sản xuất năng lượng bị che giấu và thị trường bị bóp méo.
Có thể thấy, một khung chính sách toàn diện có sự kết hợp giữa các quy định bắt buộc và tự nguyện, cùng các chính sách tăng cường thực thi các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là vô cùng cần thiết. Song song với công tác tuyên truyền về sử dụng năng lượng hiệu quả cho người tiêu dùng, các chính phủ cần phải dần xóa bỏ trợ giá năng lượng. Đầu tư cho các chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả tuy tốn kém trong những năm đầu nhưng sẽ tiết kiệm được đáng kể trong dài hạn.
Ngoài ra, các đơn vị tư nhân không nên đứng ngoài cuộc, thụ động chờ đợi chính phủ đi tiên phong. Nhiều công ty ở các quốc gia ASEAN có thể chưa nhận ra khoản tiết kiệm tiềm năng, vì vậy chưa coi trọng việc tiết kiệm năng lượng. Do đó các quốc gia cần tăng cường đào tạo nhân lực, phát triển hệ thống chứng chỉ, giấy phép đạt chuẩn, phổ biến thông tin chính xác về các nhà cung cấp, các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và các công ty cung cấp dịch vụ năng lượng (Escos).
Nhiều dự án tiết kiệm năng lượng cần quá trình cải tiến, lắp đặt trên quy mô lớn, dẫn đến chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Trong khi đó, chính những tập đoàn tiêu tốn năng lượng lại không muốn đầu tư cho những dự án tốn kém như vậy. Các ngân hàng cũng cung cấp một số chương trình vay vốn cho hạng mục này, nhưng thường chỉ hợp tác với Escos. Còn những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ năng lượng nhỏ lại không được may mắn như vậy khi thuyết phục ngân hàng cho vay vốn.
Để xoá bỏ những rào cản trên, ngành công nghiệp năng lượng cần hướng tới một chuỗi giá trị tích hợp. Thay vì đi theo lối mòn với các sản phẩm có sẵn, các công ty cung cấp dịch vụ cần mang đến cho người tiêu dùng các giải pháp tổng thể và đảm bảo, các gói dịch vụ tự chọn bằng cách khám phá các lựa chọn tài chính tiên tiến như mô hình BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao). Chính quyền sở tại và các tập đoàn có thể thuê các trang thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả hoặc áp dụng các mô hình sở hữu công-tư linh hoạt khác nếu không muốn sở hữu dài hạn.
Hơn nữa, bắt tay với các đơn vị sản xuất năng lượng là một giải pháp để giải quyết khó khăn thiếu khả năng chuyên môn. Cách tiếp cận tích cực này có thể giúp rất nhiều công ty dịch vụ cung cấp những giải pháp “chìa khóa trao tay” ngay trong thời gian hoàn vốn.
Tóm lại, để khuyến khích các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả, các công ty dịch vụ cần có khả năng cung cấp dịch vụ vận hành đảm bảo và khoản tiết kiệm dòng được đảm bảo thông qua trái phiếu bảo đảm; các hợp đồng phải minh bạch với chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPIs) rõ ràng, thang bậc đánh giá đáng tin cậy và cho phép thu hồi, chia sẻ lợi ích để tối ưu hóa hiệu quả. Đồng thời, cần chuyển mọi rủi ro gắn với chi phí đầu tư, chi phí vận hành, hiệu quả hoạt động của nhà máy… từ khách hàng sang doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Cuối cùng, các công ty dịch vụ có thể linh hoạt, rút lui khỏi thỏa thuận và chuyển giao toàn bộ tài sản cố định cho khách hàng trong khi vẫn quản lý dự án nhằm điều tiết sự phát triển mở rộng của khách hàng hoặc của hợp đồng trong quá trình thực hiện thỏa thuận.
Với đà phát triển của AEC, tiết kiệm năng lượng nắm giữ vai trò quyết định đảm bảo sự đi lên của toàn khối mà không gây ảnh hưởng tới môi trường. Cách quản lý nền công nghiệp và thương mại sẽ quyết định đời sống của hàng triệu con người trong 30 năm tới. Vì vậy, khi cân nhắc các giải pháp năng lượng, luôn luôn cần tâm niệm rằng nguồn năng lượng tiết kiệm được thay vì tiêu phí là nguồn năng lượng thân xanh và rẻ nhất trên thế giới.