ThienNhien.Net – Động vật ăn thịt là loài thống trị trái đất, có ảnh hưởng tới các sinh vật còn lại theo 2 cách: ăn thịt hoặc làm chúng hoảng sợ. Thế nhưng nếu không có đủ động vật ăn thịt để kiểm soát số lượng các loài bị ăn thịt hoặc bị đe dọa, chuỗi thức ăn có thể bị ảnh hưởng, cân bằng sinh thái bị phá vỡ.
Ví dụ điển hình nhất là hệ sinh thái Vườn quốc gia Yellowstone, nơi sói được xem là loài thống trị. Khi sói bị chuyển đi nơi khác, loài nai không còn bị đe dọa khiến số lượng tăng đột biến. Điều này dẫn đến hệ lụy là cỏ cây bị tàn phá nghiêm trọng, làm thay đổi hệ sinh thái ven sông. Không có loài sói, các nhóm động vật ăn thịt trung gian như chó sói Bắc Mỹ hoặc cáo cũng tăng nhanh về số lượng, đe dọa đến các loài chim và các loài động vật nhỏ khác.
Loài rái cá cũng là một trường hợp tương tự. Khi những con rái cá bị tận diệt để lấy lông phục vụ nhu cầu con người, thức ăn của chúng là loài nhím biển đột nhiên trở thành kẻ ngự trị đáy biển. Những khu rừng tảo nơi chúng sinh sống bị phá hủy, khiến nhiều sinh vật biển mất đi nơi trú ẩn.
Vấn đề với thuyết “tháp dinh dưỡng” (trophic cascades) là hầu hết các nghiên cứu đều được thực hiện trong hệ sinh thái nguyên bản, tức là bỏ qua tác động của con người. Như vậy, mối quan hệ kẻ ăn thịt – con mồi sẽ thay đổi như thế nào khi có thêm yếu tố con người?
Một nhóm sinh viên trường Đại học Leuphana, Đức đã chọn khu vực có hệ sinh thái đa dạng tại Transylvania, Romania để thực hiện nghiên cứu. Mặc dù có sự hiện diện của con người, tại đây vẫn tồn tại ít nhất 2 loài động vật ăn thịt đầu bảng là gấu nâu và sói xám, cùng với các loài động vât ăn thịt trung gian như cáo đỏ và động vật ăn cỏ lớn như nai.
Ngoài gấu nâu và sói xám, con người và giống chó săn (có nhiệm vụ canh gác gia súc) cũng được xem là những kẻ săn mồi, gây áp lực khiến con mồi hoảng loạn. Để xây dựng mô hình về hệ sinh thái trên, nhóm nghiên cứu đã thu thập số liệu từ 138 máy quay đặt ở những nơi có dấu vết săn bắn của con người và khu vực săn mồi của động vật ăn thịt, trong đó có một số camera được bôi thêm mật ong (để dụ gấu) và nước tiểu của sói (để dụ sói).
Kết quả theo dõi qua camera sau hơn 3000 ngày cho thấy loài hoẵng xuất hiện 2197 lần, cáo đỏ xuất hiện 388 lần, con người 275 lần, chó săn 120 lần, hươu đỏ 94 lần, gấu 76 lần và chỉ có 2 lần chó sói xuất hiện.
Đúng như dự đoán, cả chó sói và gấu đều lấn át cáo đỏ, số lần xuất hiện của gấu tỷ lệ nghịch với sói. Nói cách khác, các loài săn mồi hoang dã có xu hướng tách biệt, chẳng hạn như sói săn hươu đỏ, còn gấu săn loài hoẵng. Vì vậy, người ta thường thấy sói xuất hiện gần khu vực có loài hoẵng và gấu xuất hiện quanh nơi có hươu đỏ.
Cũng như dự đoán, con người làm giảm sự xuất hiện của các loài động vật khác, trừ chó nhà. Trên thực tế, tác động của con người tới cả động vật ăn cỏ và động vật ăn thịt (đặc biệt là gấu) lớn hơn ảnh hưởng từ tự nhiên. Chẳng hạn, tác động của con người lên loài hươu đỏ gấp 5 lần ảnh hưởng từ những động vật hoang dã ăn thịt khác và gần như tương đương với tác động của gấu đối với loài hoẵng. Cộng với ảnh hưởng của loài chó săn tới cuộc sống hoang dã, ảnh hưởng của con người đối với hệ sinh thái thậm chí còn lớn hơn.
Như vậy, ở một góc độ nào đó, thuyết “tháp dinh dưỡng” vẫn tồn tại và có ý nghĩa quan trọng. Những loài động vật ăn thịt đầu bảng đóng vai trò vô cùng thiết yếu trong cấu trúc hệ sinh thái nơi chúng sinh sống, đặc biệt thông qua khả năng kiểm soát con mồi là các loài động vật ăn cỏ. Tuy nhiên, con người tác động mạnh mẽ hơn cả đối với hệ sinh thái so với loài sói và gấu, cả trực tiếp và gián tiếp. Hay nói cách khác, con người là loài săn mồi đáng sợ.
Các nhà nghiên cứu nhận định: “có lẽ con người là loài ăn thịt đầu bảng độc nhất với khả năng gây ảnh hưởng tới toàn bộ hệ sinh thái bằng cách làm giảm số lượng các loài động vật ăn cỏ, ăn thịt trung bình và cỡ lớn một cách trực tiếp, đồng thời nhanh chóng thay đổi môi trường gây hoảng sợ cho cả ba cấp động vật trên”. Do đó, các nghiên cứu về chuỗi thức ăn và những xu hướng thay đổi trong hệ sinh thái cần lưu ý đến ảnh hưởng từ hoạt động của con người (và cả các vật nuôi). Bỏ qua yếu tố con người là bỏ sót những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với chuỗi thức ăn ở tất cả các cấp động vật.
Tìm hiểu được vai trò của con người trong việc duy trì hay thay thế chuỗi thức ăn không hề dễ dàng. Các động vật ăn thịt hàng đầu trên thế giới đang giảm đi trong khi dân số lại tăng lên nhanh chóng. Hiện nay, nhiều khu bảo tồn đang nỗ lực phục hồi và trả lại môi trường sống tự nhiên các loài động vật ăn thịt hoang dã. Những nỗ lực này chỉ có thể đi đến thành công nếu có được những thông tin rõ ràng và chính xác về mối liên hệ giữa con người, động vật ăn thịt và các con mồi của chúng.